Hội chứng khó nuốt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Khó nuốt là tình trạng cơ thể phải mất nhiều thời gian và sức lực hơn để vận chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Phương pháp điều trị nào là hiệu quả? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng khó nuốt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về chứng khó nuốt

Chứng khó nuốt là gì?

Khó nuốt là tình trạng cơ thể phải mất nhiều thời gian và sức lực hơn để vận chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Chứng khó nuốt cũng có thể đi kèm với đau. Trong một số trường hợp, bạn không thể nuốt được.

Các tình trạng khó nuốt thông thường có thể xảy ra khi bạn ăn quá nhanh hoặc không nhai kỹ thức ăn. Những trường hợp này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, chứng khó nuốt kéo dài có thể chỉ ra một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần điều trị.

Những ai có khả năng bị chứng khó nuốt?

Chứng khó nuốt là một tình trạng rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

2. Triệu chứng khó nuốt

Những dấu hiệu và triệu chứng đi kèm chứng khó nuốt là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:

Bị đau khi nuốt Không thể nuốt Có cảm giác thức ăn bị mắc trong cổ họng, ngực hoặc phía sau xương ức Chảy nước dãi Khàn tiếng Ợ lên (trào ngược thức ăn) Thường xuyên bị ợ nóng Giảm cân đột ngột Ho hoặc nôn khi nuốt Phải cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hơn hoặc tránh một số loại thực phẩm vì khó nuốt

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân gặp khó khăn khi nuốt kèm theo giảm cân, buồn nôn hoặc nôn mửa.

Nếu việc tắc nghẽn cản trở hô hấp, hãy đi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bạn không thể nuốt vì cảm thấy thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực, hãy đến khoa cấp cứu gần nhất.

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người không giống nhau. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

3. Nguyên nhân gây khó nuốt

Nguyên nhân gây khó nuốt là gì?

Một số tình trạng sức khỏe có thể làm bạn khó nuốt như:

  • Trào ngược axit dạ dày thực quản: các triệu chứng trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược từ dạ dày vào thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, đau dạ dày và ợ hơi.
  • Chứng ợ nóng: chứng ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, thường xảy ra với vị đắng trong cổ họng hoặc miệng.
  • Viêm nắp thanh quản: đặc trưng bởi mô bị viêm trong biểu mô. Đây là một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu kịp thời.
  • Bướu cổ: là tình trạng làm tăng kích thước tuyến giáp, do đó khiến bạn khó nuốt.
  • Viêm thực quản: có thể do trào ngược axit hoặc một số loại thuốc gây ra.
  • Ung thư thực quản: ung thư thực quản xảy ra khi một khối u ác tính (ung thư) hình thành trong niêm mạc thực quản, có thể gây khó nuốt.
  • Ung thư dạ dày (ung thư biểu mô dạ dày): ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào ung thư hình thành trong niêm mạc dạ dày. Bởi vì rất khó phát hiện, nên bệnh thường không được chẩn đoán sớm.
  • Viêm thực quản herpes: viêm thực quản herpes là do virus herpes simplex tuýp 1 (HSV-1) gây ra. Nhiễm trùng có thể gây đau ngực và khó nuốt.
  • Herpes simplex labialis tái phát: herpes simplex labialis tái phát, còn được gọi là herpes miệng, là một bệnh nhiễm trùng ở vùng miệng do virus herpes simplex gây ra.
  • Hạch tuyến giáp: hạch tuyến giáp là một khối u có thể phát triển trong tuyến giáp. Nó có thể là đặc hoặc chứa đầy dịch, dưới dạng một nốt sần hoặc một cụm nốt sần. Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm: bệnh bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm là một nhóm các triệu chứng thường do virus Epstein–Barr (EBV) gây ra.
  • Rắn cắn: một vết cắn từ rắn độc cần phải được cấp cứu kịp thời. Ngay cả vết cắn từ một con rắn vô hại cũng có thể dẫn đến phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng.

Các điều kiện sức khỏe ở trên là một số nguyên nhân phổ biến gây khó nuốt. Đôi khi, nguyên nhân gây chứng khó nuốt không thể được xác định. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để chẩn đoán chính xác.

4. Nguy cơ mắc chứng khó nuốt

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị khó nuốt?

Một số yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị khó nuốt như:

  • Lão hóa. Lão hóa tự nhiên, rách thực quản và nguy cơ mắc một số bệnh nhất định, chẳng hạn như đột quỵ hoặc bệnh Parkinson, sẽ làm bạn dễ bị khó nuốt hơn. Bên cạnh đó, người lớn tuổi có nguy cơ khó nuốt cao hơn. Tuy nhiên, chứng khó nuốt không được coi là dấu hiệu lão hóa.
  • Một số tình trạng sức khỏe. Những người bị rối loạn thần kinh hoặc hệ thần kinh nhất định có nhiều khả năng gặp khó khăn khi nuốt.

Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

5. Điều trị chứng khó nuốt

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những phương pháp nào giúp bạn điều trị chứng khó nuốt?

Điều trị chứng khó nuốt tùy thuộc vào loại hoặc nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nuốt.

Chứng nuốt nghẹn hầu

Đối với chứng nuốt nghẹn hầu, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một nhà trị liệu với các biện pháp sau:

  • Tập luyện. Một số bài tập nhất định có thể giúp phối hợp các cơ nuốt hoặc kích hoạt lại các dây thần kinh kích hoạt phản xạ nuốt.
  • Học kỹ thuật nuốt. Bạn cũng có thể học cách đưa thức ăn vào miệng hoặc định vị cơ thể và đầu để giúp bạn nuốt. Các chuyên gia có thể dạy các bài tập và kỹ thuật nuốt mới nếu bạn bị khó nuốt do các vấn đề về thần kinh như bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson.

Chứng khó nuốt thực quản

Phương pháp điều trị chứng khó nuốt thực quản có thể bao gồm:

  • Nong thực quản. Đối với tình trạng co thắt thực quản hoặc hẹp thực quản, bác sĩ có thể sử dụng ống nội soi với một quả bóng đặc biệt để kéo giãn nhẹ và mở rộng thực quản.
  • Phẫu thuật. Đối với một khối u thực quản, co thắt thực quản hoặc túi thừa hầu họng, bạn có thể cần phẫu thuật để làm sạch đường thực quản.
  • Thuốc. Khó nuốt do trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị bằng thuốc uống theo toa để giảm axit dạ dày. Bạn có thể cần dùng các loại thuốc này trong một thời gian dài. Nếu bị viêm thực quản bạch cầu ái toan, bạn có thể cần corticosteroid. Nếu bị co thắt thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn cơ trơn.

Chứng khó nuốt nghiêm trọng

Nếu chứng khó nuốt khiến bạn không ăn uống đầy đủ, bác sĩ có thể khuyên bạn:

Có một chế độ ăn chất lỏng đặc biệt. Điều này có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh và tránh mất nước. Sử dụng ống thông. Trong trường hợp nghiêm trọng của chứng khó nuốt, bạn có thể cần một ống thông để bỏ qua cơ chế nuốt không hoạt động bình thường.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được khuyến nghị để làm giảm các vấn đề nuốt do hẹp cổ họng hoặc tắc nghẽn, bao gồm cả bướu xương, liệt dây thanh âm, túi thừa hầu họng, GERD và co thắt thực quản hoặc để điều trị ung thư thực quản. Sau phẫu thuật, bạn cần phải trị liệu lời nói và nuốt. Loại điều trị phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân gây khó nuốt.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những biện pháp tại nhà nào giúp bạn kiểm soát chứng khó nuốt?

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với chứng khó nuốt:

Tư thế: Ngồi thẳng lưng, nghiêng đầu về phía trước một chút. Sau khi ăn, bạn vẫn ngồi thẳng hoặc đứng trong 15–20 phút. Tập trung ăn uống và không nói chuyện trong khi ăn. Ăn chậm, cắt thức ăn thành miếng nhỏ và nhai kỹ. Uống nhiều nước. Giảm hoặc loại bỏ những thực phẩm khó nhai và ăn nhiều thực phẩm mềm hơn. Dùng thuốc: bạn có thể nghiền hoặc bẻ viên thuốc để dễ uống. Tuy nhiên, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện vì một số thuốc sẽ không có tác dụng khi bẻ hoặc nghiền.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh khó nuốt, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM