Ké đay vàng - Trị cảm lạnh và sốt

Ké đay vàng là cây bụi, thuộc họ Đay, mọc hoang ở vùng rừng tươi, trên đất hoang, dọc đường đi, được dùng trị sỏi niệu, cảm lạnh, sốt, bệnh lậu,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Ké đay vàng - Trị cảm lạnh và sốt

Ké đay vàng, Gai đầu hình thoi - Triumfetta bartramia L. (T. rhomboidea Jacq.) thuộc họ Đay - Tiliaceae.

1. Mô tả

Cây bụi cao đến 1,5m; nhánh có một hàng lông dọc.

Lá hình trái xoan, chóp nhọn, có khi có 3 thuỳ nông, mép có răng; 3 - 5 gân gốc. Cụm hoa xim co ở nách lá, có lông. Hoa có 3 lá đài, 5 cánh hoa màu gạch tôm và 10 nhị. Quả rộng 12mm, gai không lông, đầu có móc.

Cây ra hoa hầu như quanh năm.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây  -  Herba Triumfettae Bartramiae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài liên nhiệt đới, mọc hoang ở vùng rừng tươi, trên đất hoang, dọc đường đi. Thu hái rễ quanh năm, thái nhỏ, sau khi rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

4. Tính vị, tác dụng

Rễ có vị đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu và tiêu sạn sỏi, thanh nhiệt và trừ được cảm lạnh. Lá, hoa và quả có chất nhầy, làm dịu và se.

5. Công dụng

Rễ thường dùng trị 1. Sỏi niệu; 2. Cảm lạnh và sốt, dùng 30  - 60g, dạng thuốc sắc. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ hãm nóng uống giúp cho phụ nữ đến lúc sinh nở đẻ dễ dàng. Lá, hoa và quả ở Ấn Độ dùng trị bệnh lậu. Vỏ và lá tươi dùng trị ỉa chảy và lỵ.

6. Đơn thuốc

Sỏi niệu đạo: Rễ Ké đay vàng 30 - 60g sắc nước uống. Có thể phối hợp với Liên tiền thảo và Kim tiền thảo, mỗi vị 30g.

Cảm lạnh và sốt: Rễ Ké đay vàng và Đơn buốt, mỗi vị 30g, Có bờm ngựa và Ngũ gia bì chân chim mỗi vị 15g, sắc uống.

Trên đây là một số thông tin về cây Ké đay vàng mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM