Ích trí - Chữa tiết tả, đau bụng hàn, tiết nhiều nước bọt, đái dầm, đi tiểu vặt, di tinh

Ích trí nhân theo y học cổ truyền là vị thuốc bổ thận, cố khí, sáp tinh. Vị thuốc thường được sử dụng để điều trị các chứng tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu mất kiểm soát, tiểu không tự chủ. Cùng eLib.VN tìm hiểu về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Ích trí - Chữa tiết tả, đau bụng hàn, tiết nhiều nước bọt, đái dầm, đi tiểu vặt, di tinh

Qủa chín đã phơi hay sấy khô của cây Ích trí (Alpinia oxyphylla Miq.), họ Gừng (Zingiberaceae)

1. Mô tả

Qủa hình bầu dục, hai đầu hơi nhọn, dài 1,2 - 2 cm, đường kính 1 - 1,3 cm. Vỏ quả mỏng màu nâu hoặc nâu xám, có 13 - 20 đường gờ nhỏ, trên bề mặt lồi lõm không đều, ở đỉnh có vết bao hoa, gốc có vết cuống quả. Hạt dính thành khối 3 múi có màng mỏng ngăn cách, mỗi múi có 6 - 11 hạt.

Hạt hình cầu dẹt hoặc nhiều cạnh, không đều, đường kính chừng 3 mm, màu nâu sáng hoặc vàng sáng, áo hạt mỏng, màu nâu nhạt, chất cứng, nội nhũ màu trắng. Mùi thơm, vị cay, hơi đắng.

2. Vi phẫu

Mặt cắt ngang hạt: Tế bào mô mềm của áo hạt đôi khi còn sót lại. Tế bào vỏ hạt có hình gần tròn, gần vuông hoặc hình chữ nhật, hơi xếp theo hướng xuyên tâm, thành tương đối dày. Hạ bì gồm một hàng tế bào mô mềm, có chứa chất màu vàng nâu. Một hàng các tế bào chứa dầu hình gần vuông hoặc hình chữ nhật có chứa các giọt dầu màu vàng. Lớp sắc tố gồm những hàng tế bào chứa chất màu vàng nâu, rải rác có 1 - 3 hàng các tế bào chứa dầu, tương đối lớn, hình gần tròn có chứa các giọt dầu màu vàng. Vỏ lụa gồm một hàng tế bào mô cứng xếp đều đặn (giống mô giậu) có chứa chất màu vàng hoặc màu đỏ nâu, thành bên và thành phía trong rất dày, khoang nhỏ có chứa hạt silic. Tế bào ngoại nhũ chứa đầy các hạt tinh bột. Tế bào nội nhũ chứa hạt aleuron và các giọt dầu.

3. Bột

Màu vàng nâu. Tế bào vỏ hạt dài khi nhìn trên bề mặt, đường kính tới 29 μm, thành hơi dày, thường xếp thẳng đứng với hạ bì. Các tế bào của lớp sắc tố nhăn nheo và giới hạn không rõ, chứa chất màu nâu đỏ hay nâu sẫm, thường bị vỡ vụn tạo thành các mảng sắc tố không đều. Tế bào chứa dầu hình gần vuông hay hình chữ nhật phân tán ở giữa các lớp tế bào của lớp sắc tố. Tế bào mô cứng của vỏ lụa màu nâu hoặc vàng nâu, hình đa giác khi nhìn trên bề mặt, thành dày, không hoá gỗ, trong có chứa hạt silic khi nhìn trên bề mặt, khi nhìn ở phía trên, thấy một hàng tế bào xếp đều đặn (giống mô giậu), thành phía trong và thành bên dày hơn khoang lệch tâm có chứa hạt silic. Các tế bào ngoại nhũ chứa đầy các hạt tinh bột tụ lại thành khối tinh bột. Các tế bào nội nhũ chứa các hạt aleuron và giọt dầu.

4. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel GF254.
  • Dung môi khai triển: n-Hexan – ethyl acetat (9 :1).
  • Dung dịch thử: Hoà tan 1 lượng tinh dầu của dược liệu (thu được ở phần định lượng) trong ethanol (TT) để thu được dung dịch có chứa 10 μl tinh dầu trong 1 ml.
  • Dung dịch đối chiếu: Hoà tan một lượng tinh dầu Ích trí trong ethanol (TT) để thu được dung dịch có chứa 10 μl tinh dầu trong 1 ml.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 - 10 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy tấm sắc ký ra để khô ở nhiệt độ phòng, sau quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm, phun lên bản mỏng dung dịch dinitrophenylhydrazin (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 11%.

Tạp chất

Không quá 0,5%.

Tro toàn phần

Không quá 10%.

Tro không tan trong acid

Không quá 2,5%.

5. Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Hàm lượng tinh dầu không dưới 1,0 %.

6. Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ, mùa thu, hái lấy quả đã chuyển từ màu xanh lục sang màu đỏ, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.

7. Bào chế

Dùng sống: Loại bỏ tạp chất và vỏ ngoài, khi dùng giã nát.

Diêm ích trí (chế muối): Lấy cát, sao to lửa cho tơi, sau đó cho Ich trí vào, sao cho phồng vỏ, có màu vàng. Lấy ra rây sạch cát, giã bỏ vỏ, sẩy sạch. Lấy nhân trộn với nước muối, ủ cho thấm đều, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao đều đén khô. Lấy ra để nguội, khi dùng giã nát (cứ 100 g Ích trí nhân dùng 2 kg muối, cho nước sôi vào pha vừa đủ, lọc trong để dùng).

8. Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh ẩm, nóng làm bay mất tinh dầu.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tỳ, thận.

9. Công năng, chủ trị

Ôn thận cố tinh, ôn tỳ chỉ tả. Chủ trị: Tỳ hàn gây tiết tả, đau bụng hàn, tiết nhiều nước bọt, thận hàn gây đái dầm, đi tiểu vặt, di tinh, cặn hơi trắng nước tiểu do thận dương hư.

10. Cách dùng liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc ích trí. Ích trí là vị thuốc không độc, thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý về thận, tiểu đêm hoặc tiểu mất tự chủ. Mắc vị dược liệu không chứa độc, tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của vị thuốc.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM