Thuốc Hydromorphone - Giảm đau

Tìm hiểu về thuốc Hydromorphone trên eLib.VN về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, tương tác và những điều cần thận trọng khác. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích dành cho mọi người.

Thuốc Hydromorphone - Giảm đau

1. Tìm hiểu chung

Tác dụng của thuốc hydromorphone là gì?

Bạn sử dụng thuốc hydromorphone để giúp làm giảm cơn đau từ vừa đến nặng. Hydromorphone thuộc một nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc này hoạt động trong não để thay đổi cách cơ thể bạn cảm nhận và đáp ứng với cơn đau.

Bạn nên dùng thuốc hydromorphone như thế nào?

Bạn dùng thuốc này bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn có thể dùng thuốc này với thức ăn hoặc không. Nếu bị buồn nôn, bạn nên dùng thuốc với thức ăn. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về những cách khác để giảm buồn nôn (như nằm xuống trong 1-2 giờ và hạn chế di chuyển đầu).

Nếu đang sử dụng thuốc dạng dung dịch, bạn cần đo cẩn thận liều bằng cách sử dụng một thiết bị đo/thìa đặc biệt. Bạn không sử dụng một muỗng ăn bởi vì có thể không đo được liều lượng chính xác. Không nhầm lẫn giữa các liều hydromorphone lỏng bằng milligram (mg) với liều lượng bằng mililit (ml). Hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn không chắc chắn về cách kiểm tra hoặc đo liều lượng. Nếu dùng thuốc dạng hỗn dịch, bạn nên lắc chai kỹ trước khi dùng.

Liều lượng được dựa trên tình trạng bệnh và đáp ứng với điều trị. Không tăng liều, uống thuốc thường xuyên hơn hoặc dùng trong một thời gian dài hơn so với quy định. Có thể ngừng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Thuốc giảm đau sẽ có tác dụng tốt nhất nếu được sử dụng khi bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Nếu bạn chờ đợi cho đến khi cơn đau đã trở nên tồi tệ, thuốc có thể không hoạt động tốt.

Nếu bị đau liên tục (chẳng hạn như do ung thư), bác sĩ có thể hướng dẫn bạn dùng thuốc có tác dụng kéo dài. Trong trường hợp đó, thuốc này có thể được sử dụng cho những cơn đau cấp tính (đột phát) chỉ khi cần thiết. Thuốc giảm đau không gây nghiện khác (chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen) cũng có thể được chỉ định với thuốc này. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng hydromorphone với các thuốc khác một cách an toàn.

Thuốc này có thể gây ra các phản ứng sau khi ngưng thuốc, đặc biệt là nếu thuốc đã được sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài hoặc với liều lượng cao. Trong trường hợp như vậy, các triệu chứng cai thuốc (như bồn chồn, chảy nước mắt , chảy nước mũi, buồn nôn, ra mồ hôi, đau nhức bắp thịt) có thể xảy ra nếu bạn đột nhiên ngừng sử dụng thuốc này. Để phòng ngừa các phản ứng này, bác sĩ của bạn có thể giảm liều dần dần. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết và báo cáo bất kỳ phản ứng nào ngay lập tức.

Khi dùng thuốc này được sử dụng trong một thời gian dài, thuốc có thể không còn tác dụng. Nói chuyện với bác sĩ nếu thuốc này ngừng hoạt động tốt.

Cùng với các lợi ích, thuốc này có thể gây ra hành vi nghiện thuốc bất thường ở một tỉ lệ rất hiếm. Nguy cơ này có thể được tăng lên nếu bạn đã lạm dụng rượu hoặc ma túy trong quá khứ. Bạn nên dùng thuốc đúng theo quy định để làm giảm nguy cơ nghiện thuốc.

Hãy cho bác sĩ biết nếu cơn đau của bạn vẫn còn tiếp diễn hoặc nặng hơn.

Bạn nên bảo quản thuốc hydromorphone như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc hydromorphone cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường cho người lớn bị đau nhức:

Liều khuyến cáo đối với trường hợp bệnh này như sau:

Đối với dạng dung dịch uống, bạn dùng 2,5-10 ml uống mỗi 3-6 giờ và tăng liều dần dần. Đối với dạng viên nén uống, bạn dùng 2-4 mg uống mỗi 4-6 giờ và tăng dần dần. Đối với tiêm tĩnh mạch, bạn cần cẩn thận để tránh những sai sót về liều lượng do nhầm lẫn giữa các nồng độ khác nhau và giữa mg và ml. Thuốc tiêm hydromorphone HP không bao giờ được dùng cho bệnh nhân chưa từng dùng opioid.

Liều khởi đầu:

Đối với dạng tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch, bạn dùng 0,2-1 mg từ từ mỗi 2-3 giờ khi cần thiết (liều thấp hơn có thể được sử dụng ở bệnh nhân chưa từng dùng opioid). Liều khởi đầu nên được giảm ở người cao tuổi hoặc suy nhược và có thể được hạ xuống đến 0,2 mg. Đối với dạng viên nén phóng thích kéo dài hydromorphone, bạn cần lưu ý liều lượng viên nén phóng thích kéo dài được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng là 8 mg đến 64 mg.

Liều dùng thuốc hydromorphone cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Thuốc hydromorphone có những dạng và hàm lượng nào?

Hydromorphone có những dạng và hàm lượng sau:

Thuốc lỏng, đường uống, dạng hydrclorid: 1mg/ml (473ml). Thuốc tiêm, dạng hydroclorid: 1mg/ml, 2mg/ml, 4mg/ml, 10mg/ml, 50mg/5 ml, 500mg/5ml. Thuốc bột pha tiêm, dạng hydroclorothiazid: 250mg. Viên đặt trực tràng, dạng hydroclorothiazid: 3mg. Viên nén dùng đường uống, dạng hydroclorothiazid: 2mg, 4mg, 8mg. Viên nén phóng thích 24h, ngăn cản tác dụng gây nghiện, đường uống, dạng hydroclorothiazid: 8mg, 12 mg, 16mg, 32 mg.

3. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc hydromorphone?

Đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn mắc một tác dụng phụ nghiêm trọng như:

Thở yếu hay nông; Nhịp tim mạnh hoặc rung trong lồng ngực; Thở khò khè, tức ngực, khó thở; Co giật; Lú lẫn, suy nhược nặng hoặc buồn ngủ; Cảm giác như bạn có thể ngất xỉu.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có nhiều khả năng xảy ra, chẳng hạn như:

Giảm tầm nhìn, nhìn song thị; Đỏ da (nóng, đỏ hoặc cảm giác tê tê); Buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy, đau bụng; Chóng mặt, buồn ngủ; Khô miệng; Ra mồ hôi; Ngứa; Vấn đề giấc ngủ (mất ngủ), hay những giấc mơ kỳ lạ.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

4. Thận trọng trước khi dùng

Trước khi dùng thuốc hydromorphone bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng hydromorphone, bạn nên báo với bác sĩ nếu:

Bạn bị dị ứng với hydromorphone hoặc bất kỳ loại thuốc, sulfit, hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc viên nén, dung dịch, viên nén phóng thích kéo dài hydromorphone. Hỏi dược sĩ hoặc kiểm tra trong hướng dẫn sử dụng thuốc về danh sách các thành phần. Bạn đang dùng hoặc dự định dùng những loại thuốc kê toa, không kê toa, vitamin, thực phẩm chức năng, và các loại thảo dược. Bạn cần cãy chắc chắn đề cập đến những thuốc sau đây: buprenorphine (Buprenex®, Butrans®, trong Suboxone®, trong Zubsolv®); butorphanol; ipratropium (Atrovent®); thuốc trị các bệnh như tăng nhãn áp, bệnh kích ứng đường tiêu hóa, bệnh Parkinson, u loét, và các vấn đề về tiểu tiện; nalbuphine và pentazocine (Talwin®). Ngoài ra, hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn đang dùng hoặc đã ngừng dùng trong vòng 2 tuần vừa qua bất kỳ thuốc nào sau đây: isocarboxazid (Marplan®), phenelzine (Nardil®), selegiline (Eldepryl®, Emsam®, Zelapar®) hoặc tranylcypromine (Parnate®). Bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều những thuốc này và theo dõi bạn cẩn thận về các tác dụng phụ. Bạn mắc bất kỳ tình trạng nào hoặc tắc ruột do liệt ruột hoặc tắc nghẽn dạ dày hoặc ruột. Bác sĩ có thể không chỉ định bạn dùng hydromorphone. Bạn dùng thuốc dạng viên nén phóng thích kéo dài, hãy báo với bác sĩ nếu bạn có phẫu thuật đường tiêu hóa hoặc nếu bạn mắc bất kỳ tình trạng nào gây hẹp thực quản, dạ dày, hoặc ruột chẳng hạn như bênh xơ hóa nang, viêm phúc mạc, tắc nghẽn ruột mãn tính hoặc bệnh viêm đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể không chỉ định bạn dùng viên nén hydromorphone phóng thích kéo dài. Bạn đang hoặc đã từng bị hạ huyết áp, bệnh Addison (tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormon); động kinh, bất kỳ tình trạng nào gây khó tiểu, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt hoặc hẹp niệu đạo; hoặc bệnh về túi mật, tuyến tụy, gan, tuyến giáp hoặc thận. Bạn đang cho con bú; Bạn đang chuẩn bị thực hiện phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, báo với bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng hydromorphone.

Bên cạnh đó, bạn nên chú ý rằng hydromorphone có thể gây buồn ngủ, choáng váng và ngất xỉu khi bạn đứng dậy quá nhanh. Để tránh tình trạng này, bạn nên ra khỏi giường chậm, nhẹ nhàng đặt chân xuống sàn vài phút trước khi đứng dậy.

Hydromorphone cũng có thể gây táo bón. Hãy hỏi bác sĩ về những chế độ ăn hoặc dùng thuốc khác để ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón trong thời gian bạn dùng hydromorphone.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

A= Không có nguy cơ; B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu; C = Có thể có nguy cơ; D = Có bằng chứng về nguy cơ; X = Chống chỉ định; N = Vẫn chưa biết.

5. Tương tác thuốc

Thuốc hydromorphone có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù những loại thuốc nhất định không nên dùng cùng nhau, trong một số trường hợp hai loại thuốc khac nhau có thể sử dụng cùng nhau thậm chí khi tương tác có thể xảy ra. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc, hoặc đưa ra những biện pháp phòng ngừa khác khi cần thiết. Nói cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc kê toa hay không kê toa nào.

Một số thuốc có thể tương tác với hydromorphone bao gồm: thuốc giảm đau (các chất có cả tác dụng đồng vận/đối vận với thuốc gây nghiện như pentazocine, albuphine, butorphanol), chất đối kháng với thuốc gây nghiện (như naltrexone).

Bạn có thể gặp nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng (chẳng hạn như thở chậm/thở nông, buồn ngủ/chóng mặt) có thể được tăng lên nếu thuốc này được dùng kèm với các thuốc gây ảnh hưởng đến hơi thở hoặc gây buồn ngủ khác. Vì vậy, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn biết nếu bạn đang dùng các sản phẩm khác như rượu, các thuốc trị dị ứng hoặc ho và cảm lạnh, thuốc chống động kinh (như phenobarbital), thuốc ngủ hoặc an thần (như alprazolam, diazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau gây nghiện khác (như codein, hydrocodone) và các loại thuốc trị trầm cảm (như risperidone, amitriptyline, trazodone). Thuốc hoặc liều lượng thuốc của bạn có thể cần phải được thay đổi.

Thuốc này có thể gây trở ngại cho các xét nghiệm nhất định (bao gồm cả nồng độ amylase/lipase), và có thể gây ra kết quả xét nghiệm sai. Hãy chắc chắn kỹ thuật viên xét nghiệm và tất cả các bác sĩ của bạn biết bạn sử dụng loại thuốc này.

Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc hydromorphone không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá, đặc biệt là:

Rượu.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc hydromorphone?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

Bệnh Addison (vấn đề tuyến thượng thận); Lạm dụng rượu, hoặc tiền sử; Khối u não; Vấn đề hô hấp hoặc phổi (ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD], phù tâm thất phải do phổi, tăng carbonic huyết, tình trạng thiếu oxy, ngưng thở khi ngủ); Ức chế hệ thần kinh trung ương, hoặc có tiền sử; Có tiền sử lệ thuộc thuốc, đặc biệt là tình trạng lạm dụng hoặc phụ thuộc chất gây mê; Phì đại tuyến tiền liệt; Bệnh về túi mật; Có tiền sử tổn thương ở đầu; Suy giáp; Tăng áp lực nội sọ; Bệnh tâm thần hoặc có tiền sử; Béo phì; Vấn đề tiểu tiện; Thể trạng yếu – sử dụng một cách thận trọng vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng hơn; Dị ứng với sulfi;t Không dung nạp với opioid (nếu bạn chưa dùng morphine, oxycodone, hoặc thuốc opioid khác); Tắc ruột hoặc liệt ruột; Vấn đề dạ dày hoặc ruột (ví dụ, hẹp ruột, túi thừa Meckel, viêm phúc mạc, hội chứng “ruột ngắn”: ruột non bị cắt ngắn đi do phẫu thuật); Phẫu thuật liên quan đến dạ dày hoặc ruột; Khó nuốt – không nên dùng ở những bệnh nhân mắc những tình trạng này; Vấn đề về đường thở (ví dụ như bệnh suyễn, carbonic tăng); Suy hô hấp (giảm thông khí hoặc thở chậm) – không sử dụng ở những bệnh nhân với những tình trạng này; Hạ huyết áp (huyết áp thấp); Viêm tụy; Động kinh – sử dụng một cách thận trọng vì thuốc có thể làm cho những điều kiện tồi tệ hơn; Bệnh thận; Bệnh gan – sử dụng một cách thận trọng vì các tác dụng có thể tăng lên vì thuốc loại bỏ chậm hơn ra khỏi cơ thể. Vấn đề dạ dày hoặc tiêu hóa – thuốc có thể làm chẩn đoán các tình trạng này không chính xác.

6. Trường hợp khẩn cấp/quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm:

Thở chậm lại hoặc ngừng thở; Buồn ngủ; Hôn mê (mất ý thức cho một khoảng thời gian); Yếu cơ; Da lạnh, ẩm; Đồng tử hẹp hoặc mở rộng; Nhịp tim chậm lại hoặc ngừng; Chóng mặt; Ngất xỉu.

Bạn nên làm gì nếu quên một lieu?

Nếu bạn dùng thuốc dạng viên nén hoặc dung dịch, khi bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nếu bạn dùng thuốc dạng viên nén phóng thích kéo dài, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Trên đây là một số thông tin cơ bản. Các bạn có thể tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn về thuốc. Nhưng lời khuyên cho các bạn nên nghe lời tư vấn của bác sĩ để sử dụng thuốc một cách an toàn nhất.

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM