Hy thiêm - Trị phong thấp, đau lưng mỏi gối
Hy thiêm là cây thảo sống chừng năm, thuộc họ Cúc, có nhiều cành nằm ngang, mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Bắc từ Cao Bằng tới Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên, có tác dụng bổ huyết, trừ thấp, giảm đau, được dùng trị phong thấp, tê bại nửa người, đau lưng mỏi gối, rắn cắn, ong đốt,... Để biết được công dụng trong y học của cây Hy thiêm mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Hy thiêm, Cỏ đĩ, Chó đẻ hoa vàng - Siegesbeckia orientalis L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
1. Mô tả
Cây thảo sống hàng năm, cao chừng 30 - 40cm hay hơn, có nhiều cành nằm ngang. Thân cành đều có lông. Lá mọc đối, có cuống ngắn; phiến hình tam giác hình quả trám, dài 4 - 10cm, rộng 3 - 6cm, mép có răng cưa không đều và đôi khi 2 thuỳ ở phía cuống; 3 gân chính mảnh toả ra từ gốc. Hoa đầu có cuống dài 1 - 2cm. Bao chung có hai loại lá bắc; 5 lá ngoài to, hình thìa dài 9 - 10mm, mọc toả ra thành hình sao, có lông dính; các lá bắc khác ngắn hơn họp thành một bao chung quanh các hoa, 5 hoa phía ngoài hình lưỡi, các hoa khác hình ống, đều có tràng hoa màu vàng. Quả bế hình trứng 4 - 5 cạnh, màu đen.
Mùa hoa quả tháng 4 - 7.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây trừ gốc rễ - Herba Siegesbeckiae, thường gọi là Hy thiêm thảo.
3. Nơi sống và thu hái
Loài cây của châu Á và châu Đại Dương. Ở nước ta, Hy thiêm mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Bắc từ Cao Bằng tới Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Thu hái cây vào tháng 4 - 6 và lúc cây sắp ra hoa hoặc mới có ít hoa. Cắt cây có nhiều lá, loại bỏ lá sâu, lấy phần ngọn dài khoảng 30 - 50cm, đem phơi hay sấy khô đến độ ẩm dưới 12%. Dược liệu còn nguyên lá khô không mọt, không vụn nát là tốt.
4. Thành phần hóa học
Toàn cây chứa chất đắng daturosid, orientin (diterpen lacton), 3.7 dimethylquercetin.
5. Tính vị, tác dụng
Vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, trừ thấp, giảm đau, lợi gân xuong.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng trị phong thấp, tê bại nửa người, đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, rắn cắn, ong đốt. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc sắc hoặc cao (1 - 3ml) hoặc hoàn tán. Dùng ngoài giã đắp không kể liều lượng.
7. Đơn thuốc
Chữa phong thấp hay chân tê bại, buốt xương, lưng gối đau mỏi: dùng Hy thiêm rửa sạch phơi khô, rưới rượu và mật vào, đồ lên rồi phơi, lại tẩm, đồ và phơi 9 lần, sấy khô tán nhỏ, viên với mật, uống mỗi ngày 10 - 15g. Hoặc dùng Hy thiêm 50g, Ngưa tất 20g, Thổ phục linh 20g, Lá lốt 10g làm bột uống ngày 3 lần, mỗi lần 10 - 15g.
Chữa sốt rét cơn lâu ngày, đờm đọng hoặc tức đầy không muốn ăn: Dùng Hy thiêm tươi giã nhỏ, chế nước sôi vào, vắt lấy nước cốt uống một chén (30ml), uống nhiều thì nôn ra đờm.
Chứa bại liệt nửa người: Cao Hy thiêm uống với máu mào gà (Theo danh y Lê Kinh Hạp, đời Tự Đức).
Chữa tăng huyết áp: Hy thiêm 8g, Ngưu tất 6g, Thảo quyết minh 6g, Hoàng cầm 6g, Trạch tả 6g, Chi tử 4g, Long đởm thảo 4g, sắc uống ngày một thang, hoặc dùng dạng chè thuốc.
Trên đây là một số thông tin về cây Hy thiêm mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.