Bệnh huyết thanh -Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh huyết thanh là phản ứng miễn dịch tương tự như phản ứng dị ứng. Nó xảy ra khi kháng nguyên (các chất kích hoạt phản ứng miễn dịch) ở một số loại thuốc nhất định và các loại kháng huyết thanh kích thích phản ứng của hệ thống miễn dịch. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Bệnh huyết thanh là gì?
Bệnh huyết thanh là phản ứng miễn dịch tương tự như phản ứng dị ứng. Nó xảy ra khi kháng nguyên (các chất kích hoạt phản ứng miễn dịch) ở một số loại thuốc nhất định và các loại kháng huyết thanh kích thích phản ứng của hệ thống miễn dịch.
Những kháng nguyên liên quan đến bệnh huyết thanh là protein từ các nguồn không phải con người, thường là động vật. Cơ thể nhầm lẫn các protein này là có hại, do đó kích hoạt các phản ứng miễn dịch để tiêu diệt chúng. Hệ thống miễn dịch tương tác với các protein này tạo thành các phức hợp miễn dịch (kết hợp kháng nguyên và kháng thể). Các phức hợp này có thể kết lại với nhau và lắng xuống trong các mạch máu nhỏ, sau đó dẫn đến các triệu chứng.
2. Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh huyết thanh là gì?
Bệnh huyết thanh thường phát triển trong vòng vài ngày đến ba tuần sau khi tiếp xúc với thuốc hoặc chất kháng huyết thanh, nhưng bệnh cũng có thể phát triển nhanh trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc ở một số người.
Ba triệu chứng chính của bệnh huyết thanh bao gồm sốt, phát ban và các khớp bị sưng đau.
Các triệu chứng khác có thể có của bệnh huyết thanh bao gồm:
- Phát ban;
- Đau cơ và yếu cơ;
- Sưng mô mềm;
- Da mặt đỏ bừng;
- Buồn nôn;
- Tiêu chảy;
- Dạ dày co thắt;
- Ngứa;
- Nhức đầu;
- Mặt sưng;
- Mờ mắt;
- Khó thở;
- Hạch bạch huyết sưng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh huyết thanh là gì?
Huyết thanh là phần chất lỏng trong máu, không chứa các tế bào máu nhưng chứa nhiều protein, bao gồm các kháng thể (được tạo ra như một phần của các phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng).
Kháng huyết thanh được sản xuất từ huyết tương của người hoặc động vật, có khả năng miễn dịch chống nhiễm trùng hoặc chất độc. Kháng huyết thanh có thể được sử dụng để bảo vệ một người đã tiếp xúc với vi trùng hoặc độc tố. Ví dụ như bạn có thể nhận được một loại thuốc tiêm kháng huyết thanh nhất định:
Nếu bạn nghi ngờ mình bị uốn ván hoặc bệnh dại và chưa bao giờ được chủng ngừa các vi trùng này. Cách này được gọi là chủng ngừa thụ động. Nếu bạn bị rắn độc cắn.
Trong bệnh huyết thanh, hệ thống miễn dịch nhận dạng sai một protein trong kháng huyết thanh và coi nó như một chất độc hại (kháng nguyên). Kết quả là một phản ứng của hệ thống miễn dịch tấn công kháng huyết thanh này. Các yếu tố của hệ thống miễn dịch và kháng huyết thanh kết hợp để hình thành các phức hợp miễn dịch, gây ra các triệu chứng của bệnh huyết thanh.
Một số loại thuốc (như penicillin, cefaclor và sulfa) có thể gây ra phản ứng tương tự.
Các protein được tiêm như globulin antithymocyte (được sử dụng để điều trị thải ghép cơ quan) và rituximab (được sử dụng để điều trị rối loạn miễn dịch và ung thư) có thể gây ra phản ứng của bệnh huyết thanh.
Các sản phẩm máu cũng có thể gây ra bệnh huyết thanh.
4. Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết thanh?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh huyết thanh như:
- Tiêm huyết thanh có nguồn gốc từ động vật;
- Tiêm một lượng lớn kháng huyết thanh (ví dụ như trong trường hợp rắn cắn nghiêm trọng);
- Được điều trị bằng huyết thanh thymoglobulin sau khi cấy ghép nội tạng;
- Có lịch sử bệnh huyết thanh sau khi tiếp xúc với huyết thanh hoặc kháng huyết thanh;
- Có lịch sử thường xuyên tiếp xúc với ngựa hoặc thỏ ;
- Trong trường hợp hiếm hoi, bị ong hay ong bắp cày đốt.
5. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh huyết thanh?
Để chẩn đoán bệnh huyết thanh, bác sĩ cần biết các triệu chứng bệnh và khi nào chúng bắt đầu. Hãy nói cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đã dùng.
Nếu bạn bị phát ban, họ có thể yêu cầu làm sinh thiết, bao gồm lấy một mẫu mô nhỏ từ da phát ban và quan sát dưới kính hiển vi. Điều này giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây phát ban.
Bác sĩ có thể lấy mẫu máu và nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu của các tình trạng tiềm ẩn có thể gây ra các triệu chứng của bạn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh huyết thanh?
Bệnh huyết thanh thường tự biến mất khi bạn không còn tiếp xúc với thuốc gây ra phản ứng.
Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ có thể đề xuất một số loại thuốc sau đây giúp kiểm soát các triệu chứng:
Thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen, để giảm sốt, đau khớp và viêm Thuốc kháng histamin giúp giảm phát ban và ngứa Các thuốc steroid, như prednisone.
Trong các trường hợp hiếm hoi, bạn có thể cần thay huyết tương.
6. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bệnh huyết thanh?
Một số thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để làm giảm mức độ nghiêm trọng của các phản ứng dị ứng, nhưng điều quan trọng là bạn cần làm việc với một chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để đưa ra các quyết định tốt nhất.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh huyết thanh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!