Huyết giác - Chữa máu tụ sưng đau, sau đẻ huyết hôi ứ trệ, bế kinh

Huyết giác là vị thuốc quý có tác dụng chỉ huyết, hành khí, sinh cơ và hoạt huyết. Dược liệu này được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc sắc và ngâm rượu (uống, xoa bóp) để làm thuốc bổ máu, trị chứng bầm tím và ứ huyết do chấn thương, chứng bế kinh, kinh nguyệt không đều,… Cùng eLib.VN tìm hiểu công dụng trong y học của vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Huyết giác - Chữa máu tụ sưng đau, sau đẻ huyết hôi ứ trệ, bế kinh

Là lõi gỗ phần gốc thân đã phơi hay sấy khô của cây Huyết giác (Dracaena cambodiana Pierre ex Gagnep.), họ  Huyết giác (Dracaenaceae).

1. Mô tả

Lõi gỗ hình trụ rỗng ở giữa hoặc đôi khi là những mảnh gỗ có hình dạng và kích thước khác nhau, màu đỏ nâu. Chất cứng chắc không mùi, vị hơi chát.

2. Định tính

A. Cho 1 g dược liệu vào bình nón, chiết với 10 ml ethanol 96% (TT) trong 10 phút ở bể siêu âm, lọc, được dịch chiết A. Lấy 1 ml dịch chiết A, pha loãng thành 5 ml bằng ethanol 96% (TT) và chia vào 2 ống nghiệm:

Ống 1: Kiềm hóa với dung dịch kali hydroxyd (TT), màu đỏ đậm lên.

Ống 2: Acid hóa vơi dung dịch acid hydrocloric (TT), màu đỏ chuyển sang cam.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel GF254
  • Dung môi khai triển: Benzen - ethylacetat (9 : 1).
  • Dung dịch thử: Dịch chiết A.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 1 g bột Huyết giác (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol (TT). Sấy bnản mỏng ở 105 oC đến khi xuất hiện vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết (5 vết màu vàng cam) có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12%.

Tạp chất

Vụn đen: không quá 2%.

Chất chiết được trong dược liệu

Cân chính xác khoảng 4 g bột dược liệu cho vào bình nón. Thêm chính xác 100 ml methanol (TT), đậy kín, lắc 6 giờ, để yên 18 giờ. Lọc qua phễu lọc khô. Lấy chính xác 20 ml dịch lọc cho vào cốc thuỷ tinh (đã sấy ở 105 oC và đã cân bì). Cô trong cách thuỷ đến cắn khô. Sấy cắn ở 105 oC trong 3 giờ, để nguội trong bình hút ẩm. Cân xác định khối lượng. Cắn thu được không được dưới 10% (kl/kl) tính theo dược liệu khô kiệt.

3. Chế biến

Thu hái quanh năm, lấy gỗ của những cây huyết giác già, lâu năm đã chết, lõi gỗ đã chuyển màu đỏ nâu, bỏ phần vỏ ngoài, gỗ mục và giác trắng thái lát và phơi hay sấy khô.

4. Bảo quản

Để nơi khô mát.

Tính vị, quy kinh

Khổ, sáp, bình. Quy vào các kinh tâm và can.

5. Công năng, chủ trị

Hoạt huyết chỉ thống, tán ứ sinh tân. Dùng ngoài: Chỉ  huyết sinh cơ.

Chủ trị: Dùng uống: Chấn thương máu tụ sưng đau, sau đẻ huyết hôi ứ trệ, bế kinh.

Dùng ngoài: Vết thương chảy máu, vết thương mụn nhọt lâu lành không liền khẩu.

6. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 8- 12 g, phối ngũ trong các bài thuốc hoặc ngâm rượu xoa bóp hoặc uống.

Kiêng ky

Phụ nữ có thai không nên dùng.

Vị thuốc huyết giác không chứa độc nên có thể sử dụng trong điều trị dài hạn. Tuy nhiên dùng dược liệu với liều lượng lớn có khả năng gây chảy máu kéo dài. Do đó nếu có ý định dùng bài thuốc từ huyết giác, bạn nên gặp thầy thuốc để dự phòng tác dụng phụ và tương tác thuốc

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM