Hương phụ - Giảm đau dạ dày, tiêu hoá kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh

Hương phụ chủ trị giảm đau trong các trường hợp: đau dạ dày, tiêu hoá kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh ngoại biên. Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Hương phụ - Giảm đau dạ dày, tiêu hoá kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh

Thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.), hoặc cây Hương phụ biển (Cyperus stoloniferus Retz.), họ Cói ( Cyperaceae ).

1. Mô tả

Hương phụ vườn: Thân rễ (thường gọi là củ) hình thoi, thể chất chắc,  dài 1- 3 cm, đường kính  0,4 - 1 cm. Mặt ngoài màu xám đen, có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang (mỗi đốt cách nhau 0,1 – 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc thẳng góc với củ, màu xám đen và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ có màu xám nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.

Hương phụ biển: Thân rễ hình thoi, thể chất chắc, kích thước củ không đều nhau, kích thước trung bình 1- 5 cm, đường kính  0,5 - 1,5 cm, mặt ngoài có màu nâu hay nâu sẫm; có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang củ (mỗi đốt cách nhau 0,1 – 0,6 cm); trên mỗi đốt có lông cứng mọc nghiêng theo chiều dọc, về phía đầu đầu củ, màu nâu hay nâu xẫm và có nhiều vết tích của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ màu hồng nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm. Mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.

2. Vi phẫu

Biểu bì gồm một hàng tế bào hình trái xoan, to nhỏ không đều. Hạ bì gồm  2 - 3 hàng tế bào thành dày hình vuông hay chữ nhật, rải rác có các đám sợi hoá gỗ. Mô mềm vỏ khoảng hai ba chục hàng tế bào thành mỏng, hình hơi tròn hay trái xoan, xếp lộn xộn, trong đó có nhiều hạt tinh bột và tế bào tiết hình tròn hoặc teo lại thành nhiều cạnh. Trong mô mềm vỏ còn có các đám libe- gỗ, mỗi đám gồm mạch gỗ bao quanh libe. Nội bì gồm một vòng tế bào hình vuông nhỏ, thành hơi dày. Trụ bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, thành mỏng, xếp sát nội bì. Mô mềm ruột gồm những tế bào hình tròn to, thành mỏng, trong đó có chứa tinh bột và các đám libe - gỗ.

3. Bột

Tế bào mô cứng hình chữ nhật hay nhiều cạnh, màu vàng nhạt, thành dày, có ống trao đổi rõ. Tế bào tiết hình tròn hay bầu dục, trong đó có chất tiết màu vàng, xung quanh có 5 – 8 tế bào xếp toả ra rất đặc biệt. Hạt tinh bột hình tròn hay bầu dục rộng 4 - 25 mm, rốn và vân không rõ. Tế bào nội bì màu vàng, hình chữ nhật, thành dày. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

4. Định tính

Lấy 10 g bột dược liệu, làm ẩm bằng 6 ml dung dịch amoniac (TT), chiết bằng 20 ml cloroform (TT). Gạn lấy lớp cloroform, bốc hơi cách thuỷ tới cắn. Hoà cắn bằng 15 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT). Lọc, lấy dịch lọc chia đều vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

Ống 1: Thêm 1- 2 giọt thuốc thử Mayer (TT) sẽ thấy xuất hiện tủa trắng đục

Ống 2: Thêm 1-2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT) sẽ xuất hiện tủa nâu.

Ống 3: Thêm 1- 2 giọt thuốc thử  Dragendorff (TT) cho tủa vàng cam.

5. Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu. Dùng 100 g dược liệu thô, thêm 400 ml nước, cất tinh dầu trong 4 giờ. Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 0,35%.

Độ ẩm

Không quá 13%.

Độ tro

Không quá 3%.

Tro không tan trong acid

Không quá 0,4%.

Tạp chất

Tỷ lệ dược liệu còn lông và phần gốc thân còn gắn vào củ (dài quá 0,5 - 1 cm): Không quá 8%

Tỷ lệ dược liệu cháy đen: Không quá 1%

Tạp chất khác: Không quá 0,5 %.

6. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, lấy dược liệu về, phơi khô, đốt cháy hết thân lá, lông và rễ con, sau đó rửa sạch phơi khô hoặc luộc hay đồ kỹ rồi phơi khô.

7. Bào chế

Hương phụ loại bỏ lông và tạp chất, nghiền vụn hoặc thái lát mỏng

Thố Hương phụ (chế giấm): Lấy lát Hương phụ hoặc mảnh vụn Hương phụ, đổ thêm giấm vào khuấy đảo cho ướt đều, ủ một đêm đợi cho hút hết giấm, cho vào chảo sao lửa nhỏ đến khô thơm màu hơi vàng, lấy ra, phơi khô. Cứ 10 kg Hương phụ dùng 2 lít giấm.

8. Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Vị hơi  cay, hơi  đắng, tính bình. Quy kinh can, tỳ, tam tiêu.

9. Công năng, chủ trị

Hành khí chỉ thống, giải uất điều kinh, kiện vị tiêu thực. Chủ trị: Giảm đau trong các trường hợp: đau dạ dày, tiêu hoá kém, đau cơ, đau ngực sườn, đau dây thần kinh ngoại biên, đau đầu, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt.

10. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 9 g dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Âm hư huyết nhiệt không nên dùng.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc hương phụ. Hương phụ có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng cũng cần phải thận trọng để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Trước khi sử dụng nên tìm hiểu thật kỹ. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM