Hội chứng hưng cảm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hưng cảm là 1 triệu chứng để chẩn đoán một số bệnh tâm thần hoặc có thể là 1 giai đoạn của chứng rối loạn lưỡng cực bên cạnh trầm cảm. Vậy hội chứng này có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng hưng cảm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hưng cảm là gì?

Hưng cảm là hội chứng đặc trưng bởi tình trạng hưng phấn của cơ thể, biểu hiện rõ như cảm xúc hưng phấn, khí sắc tăng, hoạt động tăng, tư duy hưng phấn kèm các dấu hiệu rối loạn thực thể như mất ngủ, thèm ăn, gia tăng khả năng hoạt động tình dục, sụt cân…

Hưng cảm còn là triệu chứng xảy ra ở những người bị rối loạn lưỡng cực I – người bệnh có ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp. Trong thực tế, ngoài giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp, bệnh nhân thường có thêm một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm chủ yếu.

Hiện nay, theo Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD), hưng cảm được chia thành 3 mức độ:

  • Hưng cảm nhẹ;
  • Hưng cảm vừa;
  • Hưng cảm nặng có các triệu chứng loạn thần (mức độ nặng nhất của bệnh hưng cảm).

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng hưng cảm là gì?

Các triệu chứng chính bao gồm:

Có mức năng lượng cao hơn bình thường, thường hay cười, nói, hát hò nhưng đột ngột trở nên cáu gắt, kích động, không tự kiềm chế được Giảm nhu cầu ngủ, có thể chỉ ngủ vài giờ trong ngày Thích khẳng định bản thân, ưa khoe khoang, hống hách, cái tôi cao Nói to, nói rất nhiều và rất nhanh Tư duy hưng phấn, có nhiều ý tưởng và suy nghĩ nảy sinh dồn dập Dễ bị phân tâm Hoạt động hưng phấn, bồn chồn, không thể ngồi yên, cảm thấy không mệt mỏi nhưng không thể làm hoàn chỉnh một việc nào Tăng ham muốn tình dục, có thể trở nên sỗ sàng, suồng sã, không biết xấu hổ Dễ dàng tham gia hoặc tạo ra các hành vi nhiều rủi ro (như mua sắm, tiêu xài hoang phí, đầu tư mạo hiểm…) Một số rối loạn khác như thèm ăn, ăn nhiều, ăn nhanh

Người bệnh có thể không nhận ra những thay đổi này ở chính mình và cũng có xu hướng không tin nếu có ý kiến góp ý rằng họ đang hành xử không như lúc bình thường. Các cơn hưng cảm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khi chúng lắng xuống, người bệnh có thể cảm thấy hối hận hoặc chán nản vì những việc đã làm. Những triệu chứng nặng hơn của bệnh có liên quan đến việc tách rời thực tế, chẳng hạn như:

  • Thấy ảo giác (cảm giác sai về thị giác) hoặc ảo thanh (cảm giác sai về thính giác);
  • Hoang tưởng, phi thực tế trong suy nghĩ (có thể hoang tưởng tự cao cho rằng mình là người có quyền năng, địa vị, thậm chí là thần thánh);
  • Một triệu chứng thường gặp của hưng cảm là sự thay đổi tâm lý đột ngột

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của chứng hưng cảm là gì?

Hưng cảm là 1 giai đoạn thuộc rối loạn lưỡng cực. Nguyên nhân chính xác của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa rõ ràng. Nếu trong gia đình từng có người mắc chứng này, các thế hệ sau cũng có khả năng mắc phải. Rối loạn lưỡng cực cũng có thể liên quan đến sự mất cân bằng hóa học của não bộ.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị hưng cảm, tuy nhiên những người trên 30 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số yếu tố gia tăng tỷ lệ mắc chứng này có thể kể đến như:

  • Thiếu ngủ;
  • Nghiện ma túy, nghiện rượu;
  • Bị ngộ độc thuốc, đặc biệt là các chất kích thích như cocaine và methamphetamine (meth miệng);
  • Bị tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm steroid và thuốc chống trầm cảm SSRI;
  • Mắc một số bệnh ác tính cũng có thể xuất hiện các hành vi hưng cảm.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán chứng hưng cảm?

Trong lần gặp đầu, bác sĩ sẽ tiến hành tìm hiểu thông tin về bệnh sử cũng như kiểm tra thể chất người bệnh. Người bệnh cần liệt kê cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang dùng – cả kê đơn và không kê đơn cũng như bất kỳ chất kích thích bất hợp pháp nếu có.

Việc chẩn đoán bệnh có thể phức tạp vì người bệnh có thể không nhận thức được một số triệu chứng để xác định thời gian. Ngoài ra, nếu người bệnh bị trầm cảm nhưng bác sĩ không biết về hành vi hưng cảm thì người bệnh có thể dễ bị chẩn đoán nhầm.

Ngoài ra, các tình trạng về sức khỏe khác cũng có thể gây ra chứng này. Một số trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây ra các triệu chứng “bắt chước” hưng cảm nhưng thực tế thì không phải.

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 1 tuần để bác sĩ xác định chúng là hưng cảm. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng buộc phải nhập viện thì người bệnh cần được chẩn đoán nhanh hơn.

Những phương pháp điều trị chứng hưng cảm

Người mắc chứng này cần được nhanh chóng làm dịu bớt cơn hưng cảm bằng cách tiếp xúc, nói chuyện với người bệnh một cách nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị, tránh những lời nói có thể làm kích thích tăng thêm trạng thái hưng cảm. Người thân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn để có hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp nặng, người bệnh phải được điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

Để điều trị, bác sĩ có thể kê toa kết hợp liệu pháp tâm lý cũng như dùng thuốc. Thuốc có thể bao gồm thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần.

Người bệnh có thể cần phải thử một vài loại thuốc khác nhau trước để tìm loại phù hợp nhất cho phác đồ điều trị các triệu chứng một cách hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Ngay cả khi gặp tác dụng phụ từ thuốc, việc ngừng dùng thuốc mà không có sự giám sát của bác sĩ là điều nguy hiểm. Trong trường hợp này, hãy thông báo cho bác sĩ để nhanh chóng có phương án xử lý thay thế.

5. Thay đổi lối sống

Những biện pháp nào giúp cải thiện chứng hưng cảm?

Người mắc chứng này cần hướng đến một lối sống lành mạnh hơn bằng cách:

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất Vận động cơ thể mỗi ngày một cách hợp lý để giải tỏa năng lượng Tránh thức khuya vì không ngủ đủ giấc có thể kích hoạt các triệu chứng hưng cảm Hãy hạn chế caffeine, không sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp Tránh các tình huống căng thẳng về cảm xúc, dễ kích động Có thể ghi chép nhật ký mỗi ngày để kiểm soát hành vi khi hưng cảm

Vì đây là chứng bệnh mang tính tái phát, người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời và chính xác, theo sát các bước điều trị và duy trì tinh thần – cơ thể ở một trạng thái cân bằng để hạn chế những tình huống không đáng có cho bản thân và những người xung quanh.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng hưng cảm, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM