Hội chứng Wernicke-Korsakoff - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng Wernicke-Korsakoff (WKS) là một dạng rối loạn não do thiếu vitamin B1 gây nên, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Người mắc phải hội chứng Wernicke-Korsakoff sẽ gặp khó khăn trong quá trình suy nghĩ và có những thay đổi trong hệ thống thần kinh. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng Wernicke-Korsakoff - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?

Hội chứng Wernicke-Korsakoff (WKS) là một dạng rối loạn não do thiếu vitamin B1 (hay thiamine) gây nên. Thực chất, hội chứng này là hai tình trạng riêng biệt xảy ra cùng một lúc, bệnh Wernicke và hội chứng mất trí nhớ Korsakoff. Thông thường, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng của bệnh Wernicke (còn được gọi là bệnh não Wernicke) trước tiên.

Các nhà khoa học cho rằng bệnh Wernicke và hội chứng mất trí nhớ Korsakoff là các giai đoạn khác nhau trong cùng một hội chứng rối loạn. Bệnh Wernicke đại diện cho giai đoạn cấp tính và hội chứng mất trí nhớ Korsakoff biểu hiện cho giai đoạn tiến triển đến mạn tính hay kéo dài.

Người mắc phải hội chứng Wernicke-Korsakoff sẽ gặp khó khăn trong quá trình suy nghĩ và có những thay đổi trong hệ thống thần kinh. Nếu không được điều trị sớm, WKS có thể gây tổn thương não vĩnh viễn và dẫn đến tử vong.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Wernicke-Korsakoff

Những tổn thương não do thiếu hụt vitamin B1 sẽ gây ra bệnh não Wernicke. Khi đó, các triệu chứng nổi bật thường gặp là:

  • Nhìn đôi (song thị);
  •  Sa mí mắt (mí mắt trên rũ xuống);
  • Chuyển động mắt lên-xuống hoặc trái-phải ;
  • Mất khả năng phối hợp cơ bắp hoặc mất điều hòa vận động, có thể gây ảnh hưởng đến việc đi lại ;
  • Trạng thái tinh thần không tỉnh táo, thường dẫn đến hành vi bạo lực, thích gây gổ.

Sau đó, bệnh não Wernicke có thể tiến triển thành hội chứng mất trí nhớ Korsakoff. Người bệnh WKS sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến trí nhớ. Bạn có thể không nhớ được những ký ức cũ hoặc không có khả năng hình thành nên các ký ức mới.

Bạn có thể có các triệu chứng sau nếu mắc phải hội chứng Wernicke-Korsakoff:

Không nhớ được các sự kiện đã diễn ra Gặp khó khăn trong việc hiểu hết ý nghĩa các thông tin Khó khăn trong việc tìm từ ngữ khi nói chuyện Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật) Phóng đại các câu chuyện hoặc nói chuyện không đúng sự thật

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hội chứng Wernicke-Korsakoff chính là nghiện rượu. Những người thường xuyên uống bia, rượu thường có chế độ ăn uống kém. Đồng thời, thức uống có cồn cũng ngăn chặn sự hấp thu và dự trữ vitamin B1.

Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây nên WKS liên quan đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng. Việc ăn uống và hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B1 có thể bị hạn chế bởi:

  • Phẫu thuật cắt dạ dày, gây ra khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng do phần thức ăn tiêu thụ bị hạn chế;
  • Ung thư dạ dày, làm hạn chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu;
  • Ung thư đại tràng, gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu khiến bạn chán ăn;
  • Ung thư di căn ra khắp cơ thể;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Chế độ ăn kiêng không khoa học;
  • Nôn mửa dữ dội, kéo dài HIV giai đoạn 3;
  • Nhiễm trùng mạn tính.

Hội chứng Korsakoff có xu hướng phát triển sau khi các triệu chứng của bệnh Wernicke biến mất. Bệnh não Wernicke gây tổn thương đồi thị và vùng dưới đồi. Sau đó, hội chứng Korsakoff hình thành là kết quả của tổn thương vĩnh viễn tại các khu vực não liên quan đến trí nhớ.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng Wernicke-Korsakoff?

Để chẩn đoán được một người đang mắc phải WKS không hề dễ dàng. Người bị hội chứng Wernicke-Korsakoff thường bị nhầm lẫn với các vấn đề về tâm thần khác. Điều này làm cho việc trao đổi với bác sĩ gặp nhiều khó khăn.

Dấu hiệu nghiện rượu

Đầu tiên, bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu nghiện rượu. Bạn sẽ được kiểm tra nồng độ cồn trong máu, làm xét nghiệm chức năng gan để kiểm tra có tổn thương gan hay không. Tổn thương gan là một dấu hiệu phổ biến của chứng nghiện rượu.

Tổn thương gan do nghiện rượu mạn tính có thể làm tăng men gan. Để chẩn đoán nghiện rượu mạn tính, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất để đánh giá:

  • Nhịp tim;
  • Cử động mắt;
  • Phản xạ;
  • Huyết áp;
  • Nhiệt độ cơ thể.

Dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng

Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bạn có thể bị thiếu hụt vitamin B1.

Các xét nghiệm để xác định thiếu hụt chất dinh dưỡng, đảm bảo bạn không trong tình trạng suy dinh dưỡng bao gồm:

  • Xét nghiệm albumin huyết thanh. Xét nghiệm này sẽ đo nồng độ albumin, một loại protein có trong máu. Nồng độ albumin thấp có thể báo hiệu cơ thể đang thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng như có vấn đề về thận hoặc gan.
  • Xét nghiệm vitamin B1 trong huyết thanh. Xét nghiệm này giúp kiểm tra nồng độ vitamin B1 trong máu. Kỹ thuật viên sẽ kiểm tra hoạt động của enzyme trong các tế bào hồng cầu. Mức độ hoạt của enzyme trong hồng cầu thấp là dấu hiệu của thiếu vitamin B1.

Các xét nghiệm khác

Một số xét nghiệm hình ảnh cũng giúp ích cho bác sĩ trong việc tìm kiếm những thương tổn đặc trưng cho hội chứng Wernicke-Korsakoff. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Đo điện tâm đồ (ECG hay EKG) trước và sau khi uống vitamin B1;
  • Chụp CT để kiểm tra những tổn thương não có liên quan đến bệnh Wernicke;
  • Chụp MRI giúp tìm kiếm những thay đổi trong não liên quan đến bệnh Wernicke.

Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm tâm lý học thần kinh để xác định mức độ nghiêm trọng của bất kỳ khiếm khuyết tâm thần nào đó.

Những phương pháp điều trị hội chứng Wernicke-Korsakoff

Việc điều trị WKS nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm hoặc ngừng tiến triển bệnh (chẳng hạn như các vấn đề về thị lực và phối hợp chuyển động) đến mức nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị cũng có khả năng đảo ngược những bất thường não không ổn định.

Nếu không được điều trị, hội chứng Wernicke-Korsakoff sẽ ngày càng nặng hơn và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bạn có thể phải nhập viện để được theo dõi về hệ thống tiêu hóa xem chúng có hấp thu thức ăn hiệu quả hay không.

Điều trị WKS có thể bao gồm:

  • Truyền vitamin B1 qua đường tĩnh mạch ở cánh tay hay bàn tay;
  • Bổ sung vitamin B1 bằng đường uống;
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng để duy trì nồng độ vitamin B1;
  • Điều trị chứng nghiện rượu.

Kiêng rượu mang lại tác động tích cực cho việc phục hồi trí nhớ và chức năng tâm thần. Nếu rượu không phải là nguyên nhân dẫn đến WKS, bác sĩ sẽ tập trung điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.

Những người bệnh nhận được điều trị sớm sẽ thấy có tiến triển trong:

  • Vấn đề về mắt;
  • Sự phối hợp của cơ bắp;
  • Tình trạng hay nhầm lẫn, hỗn loạn.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hội chứng Wernicke-Korsakoff?

Bạn có thể phòng ngừa hội chứng Wernicke-Korsakoff bằng cách tránh uống rượu quá mức và ăn chế độ ăn cân bằng, giàu vitamin B1.

Các thực phẩm giàu vitamin B1 gồm có:

  • Thịt lợn nạc;
  • Cơm ;
  • Đậu Hà Lan;
  • Bánh mì nguyên hạt;
  • Rau chân vịt ;
  • Cam;
  • Sữa.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về hội chứng Wernicke-Korsakoff, sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM