Hội chứng Sjogren - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hội chứng Sjogren là bệnh gây ra do viêm các tuyến tiết nước mắt (tuyến lệ), nước bọt và các chất khác. Viêm khớp, phổi, thận, mạch máu, dây thần kinh và cơ cũng có thể xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Định nghĩa
Hội chứng Sjogren là gì?
Hội chứng Sjogren là bệnh gây ra do viêm các tuyến tiết nước mắt (tuyến lệ), nước bọt và các chất khác. Viêm khớp, phổi, thận, mạch máu, dây thần kinh và cơ cũng có thể xảy ra.
Hội chứng Sjogren là một rối loạn của hệ thống miễn dịch được xác định bởi hai triệu chứng phổ biến nhất của nó – khô mắt và khô miệng. Hội chứng Sjogren thường đi kèm với rối loạn hệ miễn dịch khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus. Trong hội chứng Sjogren, màng nhầy và tuyến ẩm tiết của mắt (tuyến lệ) và miệng thường bị ảnh hưởng đầu tiên – kết quả là sụt giảm lượng nước mắt và nước bọt.
Những ai thường mắc phải hội chứng Sjogren?
Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên phần lớn những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đều trên 40 tuổi. Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn nam gấp 9 lần. Bệnh cũng phổ biến hơn ở người mắc các bệnh tự miễn dịch khác như lupus hoặc thấp khớp.
2. Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sjogren là gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Sjogren là khô mắt và khô miệng. Khô mắt có thể khiến bạn có cảm giác như có cát dưới mí mắt, mắt nóng rát, tăng sự nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt giảm và loét mắt. Khô miệng có thể gây khó nhai và nuốt thức ăn khô, tăng nguy cơ sâu răng, bệnh về nướu và nhiễm trùng miệng.
Các triệu chứng khác có thể là:
Thị lực nhòe; Ngứa mắt, đỏ mắt; Khô môi và họng, khát hoặc đau miệng; Sốt, phát ban; Mệt mỏi hoặc thở gấp; Đau khớp; Đau dạ dày; Sưng các tuyến ở má, sưng hạch bạch huyết; Khô âm đạo: âm đạo bị khô có thể gây đau đớn khi quan hệ tình dục.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về hội chứng Sjogren, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng Sjogren là gì?
Hội chứng xảy ra khi hệ miễn dịch của chính cơ thể tấn công các tuyến tiết nước bọt và tuyến lệ, khiến chúng ngừng hoạt động. Nguyên nhân gây ra hội chứng Sjogren vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số tác nhân di truyền và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hội chứng này không lây nhiễm.
4. Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sjogren?
Những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sjogren bao gồm:
Tuổi tác: hội chứng Sjögren thường được chuẩn đoán ở những người ở độ tuổi trên 40. Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Mắc các bệnh lý khác như bệnh thấp khớp hoặc lupus.
5. Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Sjogren?
Không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng thuốc và các liệu pháp điều trị khác có thể giúp bạn kiểm soát được hội chứng Sjogren. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc để duy trì độ ẩm cho mắt, miệng và âm hộ.
Thuốc kháng viêm không steroid có thể giúp bạn giảm đau cơ và sưng. Prednisone và các loại thuốc khác có thể dùng khi bạn bị đau khớp dữ dội hoặc cho các vấn đề về phổi, thận và mạch máu.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Sjogren?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ tiền sử bệnh, khám sức khỏe và các xét nghiệm khác. Các xét nghiệm này có thể bao gồm tốc độ lắng máu (ESR), xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) và xét nghiệm kháng thể Sjogen. Bác sĩ có thể cho bạn kiểm tra Schirmer để biết được lượng nước mắt trong mắt và sinh thiết môi. Sinh thiết là một thủ thuật lấy ra một mô nhỏ để xét nghiệm qua kính hiển vi.
6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Sjogren?
Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp bạn có thể hạn chế diễn tiến hội chứng Sjogren:
Nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Gặp nha sĩ thường xuyên. Đánh răng và làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn. Hỏi bác sĩ các sản phẩm có khả năng giữ ẩm và tạo ẩm. Nếu nước mắt nhân tạo làm mắt bạn nóng rát, hãy chuyển sang dùng loại khác hoặc dùng loại không có chất bảo quản. Nếu mắt bị khô vào ban đêm, thuốc mỡ mắt có thể giúp ích. Chất bôi trơn âm đạo dùng trong ngày hoặc trước khi quan hệ cũng có thể giúp ích. Dùng keo hoặc thuốc mỡ cho da khô. Chúng giúp giữ độ ẩm trên da. Dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để tránh khô mắt, miệng và mũi. Gọi bác sĩ nếu bạn đau dạ dày nghiêm trọng, đau mắt hoặc thay đổi thị lực đột ngột.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hy vọng với một số thông tin trên đây về Hội chứng Sjogren sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!
Tham khảo thêm
- doc Xét nghiệm dấu ấn miễn dịch bề mặt tế bào - những thông tin cần biết
- doc Bệnh globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh nhiễm nấm Cryptococcus - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh suy giảm miễn dịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị