Hội chứng cận ung thư - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hội chứng cận ung thư được cho là dấu hiệu để nhận biết một bệnh ung thư tiềm ẩn. Vậy hội chứng cận ung thư có biểu hiện lâm sàng là gì? Làm thế nào để điều trị và chẩn đoán bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Hội chứng cận ung thư là gì?
Hội chứng cận ung thư (paraneoplastic syndrome) hay hội chứng cận u là một tập hợp những biểu hiện toàn thân không do di căn, xuất hiện ở các bệnh ác tính (ung thư). Những triệu chứng này xuất hiện do các chất được sản sinh bởi các khối u hoặc do phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể tiết ra với vai trò trung gian là các hormone và các cytokines.
Hội chứng cận ung thư thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở lên với các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, buồng trứng, u lympho… Hội chứng có thể là nội tiết, thần kinh cơ, xương khớp, huyết học, tim mạch, da, tiêu hóa, thận hoặc tổ chức liên kết. Bệnh có thể xuất hiện từ rất sớm trước khi ung thư được phát hiện.
Tần suất mắc hội chứng này xảy ra khoảng 10 – 15% các trường hợp ung thư và có thể là những biểu hiện đầu tiên hoặc nổi trội của bệnh. Mức độ của hội chứng phản ánh tốc độ tiến triển, khả năng di căn, đáp ứng điều trị cũng như khả năng tái phát bệnh nên có thể được dùng để theo dõi trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư.
2. Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cận ung thư là gì?
Hội chứng cận ung thư biểu hiện ở rất nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng tùy từng loại ung thư mà có ảnh hưởng lên những cơ quan riêng biệt. Có 2 loại là hội chứng cận ung thư tại hệ thống thần kinh và hội chứng cận ung thư ở các cơ quan khác.
Hội chứng cận ung thư tại hệ thống thần kinh. Các dấu hiệu và triệu chứng của dạng này có thể phát triển tương đối nhanh chóng, thường là vài ngày đến vài tuần. Chúng thường bắt đầu ngay cả trước khi người bệnh được chẩn đoán ung thư.
Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào bộ phận cơ thể bị tổn thương, chẳng hạn như:
- Đi lại khó khăn ;
- Khó duy trì thăng bằng;
- Mất phối hợp cơ bắp;
- Mất trương lực cơ hoặc yếu cơ ;
- Mất các kỹ năng vận động tinh (điều khiển bàn tay và các ngón tay), chẳng hạn như nhặt đồ vật ;
- Khó nuốt;
- Nói chậm hoặc nói lắp;
- Mất trí nhớ và suy giảm nhận thức;
- Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như song thị;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Co giật;
- Ảo giác ;
- Cử động không tự chủ.
Hội chứng cận ung thư tại thần kinh xảy ra khi các tác nhân chống ung thư của hệ thống miễn dịch cũng tấn công các bộ phận của não, tủy sống, dây thần kinh ngoại biên hoặc cơ bắp. Điển hình như ung thư phổi gây nên hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton. Các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng có thể gây các tổn thương kiểu thoái hóa ở tiểu não. Ngoài ra, ung thư phổi, buồng trứng… cũng có thể gây hội chứng cận ung thư kiểu viêm não tủy, viêm não hệ limbic, viêm đa cơ….
Hội chứng cận ung thư ngoài thần kinh. Dạng này được chia làm các nhóm chính như bệnh lý nội tiết, huyết học, da và niêm mạc cùng một số bệnh lý khác.
Hội chứng cận ung thư nội tiết gồm nhiều loại như:
- Hội chứng Cushing;
- Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp (SIADH) ;
- Tăng canxi máu ;
- Hạ đường huyết ;
- Hội chứng carcinoid;
- Bệnh tăng hồng cầu.
Hội chứng cận ung thư biểu hiện ở máu thường là:
- Tăng bạch cầu ;
- Đa hồng cầu;
- Thiếu máu ;
- Viêm nội tâm mạc huyết khối không do nhiễm khuẩn ;
- Dấu hiệu Trousseau.
Hội chứng cận ung thư biểu hiện ở da và niêm mạc tương đối đa dạng với hàng loạt các bệnh lý như:
- Viêm đa cơ ;
- Hồng ban di chuyển hoại tử;
- Hội chứng Sweet (các tổn thương ngoài da kèm sốt)…
Một số hội chứng cận ung thư không được xếp vào 3 nhóm trên bao gồm viêm cầu thận màng, loãng xương do ung thư và hội chứng Stauffer (biểu hiện suy gan có nguyên nhân từ ung thư thận).
Ngoài ra, hội chứng cận ung thư còn có một số biểu hiện cận lâm sàng khác như:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có rét run;
- Loạn vị giác ;
- Gầy, sụt cân ;
- Ngứa do tăng bạch cầu ái toan (đặc trưng cho u lympho Hodgkin).
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân của hội chứng cận ung thư là gì?
Nguồn gốc phát sinh của hội chứng này tương đối phức tạp. Khi tế bào ung thư xuất hiện và phát triển thành khối u, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh kháng thể để tiêu diệt các tế bào “lạ” này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thay vì chỉ tấn công các tế bào ung thư, hệ thống miễn dịch cũng tấn công các tế bào bình thường dẫn đến làm thương tổn các tế bào này.
Bên cạnh đó, các tế bào ung thư cũng tiết ra các chất có hoạt tính sinh lý cao như tiền hormone, hormone, các chất trung gian hóa học của quá trình viêm, các cytokine hay một số enzyme khác. Tế bào ung thư cũng sản xuất một số loại protein chỉ có trong thời kỳ bào thai mà không có ở người trưởng thành. Các protein này được coi là những kháng nguyên, những chất “chỉ điểm” ung thư. Sự tương tác giữa các yếu tố này với quá trình chuyển hóa trong cơ thể góp phần gây nên hội chứng cận ung thư. Trong một số trường hợp, hội chứng này không tìm được cơ chế bệnh sinh cụ thể nào.
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng cận ung thư?
Nhận biết sớm các hội chứng này có thể đem đến manh mối về các tình trạng sức khỏe cơ bản để tránh các chẩn đoán sai và cho phép chẩn đoán sớm hơn, từ đó áp dụng phác đồ điều trị nhanh hơn. Cần lưu ý các hội chứng có thể tiến triển sau vài tuần đến vài tháng (trong trường hợp hiếm hơn là từ 1-3 năm) và sau đó có thể ổn định, bất kể tình trạng cơ bản của người bệnh được cải thiện hay xấu đi.
Vì các hội chứng này có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư nên người không có bệnh ung thư nhưng mắc hội chứng cận ung thư thì cần tầm soát bệnh. Nếu không tìm thấy dấu hiệu ung thư tiềm ẩn có thể do khối u vẫn còn quá nhỏ. Vì vậy, người bệnh cần duy trì theo dõi trong ít nhất từ 3-6 tháng cho đến vài năm sau đó.
Để chẩn đoán hội chứng cận ung thư, bác sĩ sẽ cần tiến hành:
- Kiểm tra thể chất ;
- Chỉ định xét nghiệm (xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống, chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI, PET);
- Sàng lọc ung thư.
Những phương pháp điều trị hội chứng cận ung thư
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc theo loại và vị trí bộ phận ảnh hưởng bởi hội chứng. Thông thường, có 2 sự lựa chọn điều trị chung là điều trị khối u và ức chế miễn dịch.
- Điều trị khối u tiềm ẩn. Các phác đồ điều trị được sử dụng là những phương pháp áp dụng cho bệnh ở những người bệnh không có hội chứng cận ung thư chẳng hạn như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, đơn lẻ hoặc kết hợp.
- Ức chế miễn dịch. Lựa chọn điều trị ở những bệnh nhân có kháng thể rõ ràng trong huyết thanh là ức chế miễn dịch. Người bệnh có thể được dùng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, steroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc thay lọc huyết tương.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được chăm sóc, theo dõi trước và sau khi xạ trị hoặc hóa trị nếu có. Can thiệp trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng có hệ thống cũng có thể là phương pháp hữu ích.
5. Tiên lượng
Hội chứng cận ung thư có nguy hiểm không?
Bởi vì hội chứng cận ung thư sẽ biểu hiện khác nhau tùy từng cá nhân nên tiên lượng có thể khác nhau rất nhiều, chẳng hạn như bệnh đông máu nội mạch lan tỏa cho thấy tiên lượng xấu, trong khi đó bệnh xương khớp phì đại là một trong số ít hội chứng cận ung thư có thể cho thấy tiên lượng thuận lợi hơn. Một số rối loạn từ hội chứng cũng có thể tự hồi phục.
Trường hợp tử vong có thể do ung thư tiềm ẩn hoặc do suy yếu hệ thống không thể hồi phục, thường là suy tim cấp hoặc suy thận. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân chính gây tử vong đối với người mắc hội chứng cận ung thư.
Hy vọng với một số thông tin trên đây về hội chứng cận ung thư sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!