Hoạt thạch - Chữa lâm lậu, thạch lâm kèm tiểu khó và đau nóng
Hoạt thạch hay còn gọi là bột talc là một loại khoáng sản thiên nhiên, được khai thác từ các mỏ, có màu trắng mịn, không tan trong nước, khó bị phân hủy bởi axit. Sau khi loại bỏ tạp chất và cát, hoạt thạch có thể được dùng để điều trị một số bệnh như sốt, sỏi tiết niệu, chàm, thấp nhiệt… Nó cũng được tìm thấy trong một số loại phấn bôi mặt, phấn xoa rôm, xà phòng, bao viên thuốc. Cùng eLib.VN tìm hiểu về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Khoáng thạch thiên nhiên có thành phần chủ yếu là silicat ngậm nước [Mg3(Si4O10)(OH)2].
1. Mô tả
Cục to nhỏ không đều, màu trắng, vàng, hoặc xám, lam nhạt sáng óng ánh như sáp. Chất mềm, trơn mịn, không hút ẩm, không tan trong nước. Không mùi, không vị.
2. Định tính
Đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận bột talc.
3. Chế biến
Loại bỏ tạp chất, đất cát.
4. Bào chế
Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, đập vỡ thành miếng, nghiền khô thành bột mịn hoặc thuỷ phi bằng cách thêm đồng lượng nước, nghiền ướt. Thêm nước, khuấy, để lắng, gạn bỏ phần huyền phù và chất nổi, làm vài lần như vậy, gạn lấy lắng cặn, phơi hoặc sấy khô.
5. Bảo quản
Để nơi khô.
Tính vị, qui kinh
Cam, đạm, hàn. Quy vào kinh vị, bàng quang.
6. Công năng, chủ trị
Lợi tiểu thẩm thấp, thanh nhiệt giải thử. Chủ trị: Lâm lậu, Thạch lâm kèm tiểu khó và đau nóng, bứt rứt háo khát do thử thấp, tiết tả do thấp nhiệt.
Dùng ngoài trị thấp chẩn (eczema), thấp sang (lở loét), rôm sảy, chàm.
7. Cách dùng, liều lượng
Ngày 10 – 20 g, dạng thuốc bột, sắc hoặc hoà với nuớc uống. Phối hợp trong các bài thuốc.
Dùng ngoài lượng thích hợp.
Kiêng kỵ
Không dùng cho phụ nữ có thai và người có chứng dương hư.
Trên đây là một số thông tin về vị hoạt thạch, hi vọng hữu ích đến bạn. Nội dung trong bài viết mang tính chất tham khảo, chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán và phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.