Hoàng cầm - Chữa thấp ôn, ngực tức, buồn nôn, đầy bĩ, kiết lỵ, tiêu chảy
Hoàng cầm có rất nhiều tác dụng như tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt, chỉ huyết, thanh thai nhiệt. Thường được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa sốt ho, nhức đầu, ung nhọt, điều kinh, kiết lỵ…
Mục lục nội dung
Rễ đã phơi hay sấy khô và cạo vỏ của cây Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georgi), họ Bạc hà (Lamiaceae).
1. Mô tả
Rễ hình chùy, vặn xoắn, dài 8 – 25 cm, đường kính 1 – 3 cm. Mặt ngoài nâu vàng hay vàng thẫm, rải rác có các vết của rễ con hơi lồi, phần trên hơi ráp, có các vết khía dọc vặn vẹo hoặc vân dạng mạng; phần dưới có các vết khía dọc và có các vết nhăn nhỏ. Rễ già gọi là Khô cầm, mặt ngoài vàng, trong rỗng hoặc chứa các vụn mục màu nâu đen hoặc nâu tối. Rễ con gọi là Điều cầm, chất cứng chắc, mịn, ngoài vàng, trong màu xanh vàng, giòn, dễ bẻ. Hoàng cầm không mùi. Vị hơi đắng. Rễ to, dài, rắn chắc màu vàng đã nạo sạch vỏ là tốt. Rễ ngắn, chất xốp màu thẫm, thô, nhỏ là loại xấu.
2. Bột
Màu vàng hay vàng nâu, sợi libe rải rác hoặc tập hợp thành bó, hình thoi, dài 60 – 250 μm, đường kính 9 – 33 μm, thành dày, ống lỗ nhỏ. Tế bào đá hơi tròn hoặc hình vuông hay hình chữ nhật, thành dày hay rất dày. Tế bào bần màu vàng nâu, nhiều cạnh. Mảnh mạch nhiều, thường có hình mạng lưới, đường kính 24 – 27 μm. Sợi gỗ thường đứt gẫy, đường kính 12 μm với các lỗ xiên rải rác. Nhiều hạt tinh bột, hạt đơn hình cầu đường kính 2 – 10 μm, có rốn nổi rõ, có khi hạt kép 2 – 3.
3. Định tính
A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 15 phút, lọc.
Lấy 1 ml dịch lọc nhỏ thêm 2 – 3 giọt thuốc thử chì acetat (TT), sẽ có tủa màu vàng.
Lấy 1 ml dịch lọc khác, cho thêm 1 ít bột magnesi và 3 – 4 giọt acid hydrocloric (TT) sẽ có màu đỏ.
B. Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 20 ml ether (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ 5 phút, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô, hòa tan cắn trong 10 ml ethanol (TT). Lấy 3 ml dung dịch, nhỏ thêm 1 – 2 giọt dung dịch thuốc thử sắt (III) clorid loãng (TT), xuất hiện màu lục xám sau chuyển thành màu nâu tía.
Độ ẩm: Không quá 12%.
Tro toàn phần: Không quá 6%.
4. Định lượng
Trong 1 bình thuỷ tinh đã biết trọng lượng, cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu đã rây qua rây có kích thước mắt rây 355 μm. Cho thêm đúng 100 ml nước, cân. Đun hồi lưu trong 2 giờ, để nguội. Cân lại bình trên, bổ sung lượng nước hao hụt trong khi đun. Lắc bình đều, lọc qua giấy lọc khô, loại bỏ phần dịch lọc đầu. Lấy chính xác 20 ml dịch lọc tiếp sau, cho vào cốc có mỏ, điều chỉnh bằng acid hydrocloric (TT) đến pH 1 – 2. Bốc hơi dịch lọc trong cách thủy đến còn khoảng 2 ml, đổ vào một ống ly tâm có dung tích 10 ml, rửa cốc có mỏ bằng nước, mỗi lần 5 giọt, chuyển hết cắn từ cốc vào ống, đem ống quay ly tâm, cắn sẽ bám chặt đáy ống. Rửa cắn bằng aceton (TT) mỗi lần 0,5 ml, lại quay ly tâm và rửa đến khi aceton không có màu. Loại bỏ dịch aceton. Cạo tủa cho vào bình định mức 100ml cùng với ethanol (TT), đun nóng nhẹ để hòa tan tủa. Để nguội ở nhiệt độ phòng. Thêm ethanol (TT) vào bình cho vừa đủ dung tích 100 ml, lắc đều. Lấy chính xác 5 ml dung dịch trên, cho vào một bình định mức 50 ml, cho thêm ethanol (TT) vừa đủ 50 ml, lắc đều. Tiến hành đo quang phổ hấp thụ ở bước sóng 279 ± 1 nm. Tính hàm lượng C21H18O11, lấy 673 là giá trị của A (1%, 1 cm). Bột dược liệu phải chứa không dưới 8% flavonoid tính theo baicalin (C21H18O11).
5. Chế biến
Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rễ con, đất cát, phơi khô, đập bỏ lớp ráp ngoài ( vỏ thô), đến khi vỏ màu nâu vàng thì đem phơi khô.
6. Bào chế
Hoàng cầm: Loại bỏ tạp chất, thân còn sót lại, ngâm vào nước lạnh hoặc ngâm vào nước sôi 10 phút, hoặc đồ trong 30 phút, lấy ra ủ cho mềm, thái phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô (tránh phơi nắng to). Dược liệu là phiến mỏng hình tròn hoặc hình không đều, vỏ ngoài màu vàng nâu đến màu nâu, mặt cắt màu vàng nâu đến vàng lục có vân xuyên tâm. Hàm lượng baicalin không dưới 8,0%.
Tửu Hoàng cầm (chế rượu): Hoàng cầm đã thái phiến mỏng, phun rượu cho ướt, trộn đều. Dùng lửa nhỏ sao qua, đem phơi khô. Cứ 10 kg Hoàng cầm dùng 1,5 lít rượu.
7. Bảo quản
Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, hàn. Vào các kinh tâm, phế, can đởm, đại trường, tiểu trường.
8. Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt táo thấp, tả hoả giải độc, an thai. Chủ trị: Phế nhiệt ho đờm đặc, đau sưng họng, nôn ra máu, máu cam, viêm gan mật,kiết ly, tiêu chảy, mụn nhọt, lở ngứa, động thai chảy máu.
Thanh nhiệt, táo thấp, tả hoả giải độc, an thai. Chủ trị: Thấp ôn, thử ôn, ngực tức, buồn nôn, nôn, thấp nhiệt, đầy bĩ, kiết lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, phế nhiệt ho, sốt cao, bứt rứt khát nước, huyết nhiệt, thổ ra máu, chảy máu cam, ung thũng sang độc, động thai.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ
Người tỳ vị hư hàn, không có thấp nhiệt, thực hoả thì không nên dùng.
Thông tin mà bài viết cung cấp về dược liệu hoàng cầm chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi dùng dược liệu này để chữa bệnh, tốt nhất bạn nên tham vấn thầy thuốc hoặc những người có chuyên môn.