Hoàng bá - Chữa kiết lỵ, tiêu chảy

Hoàng bá là cây gỗ thuộc họ Cam, phân cành nhiều, ưa khí hậu mát vùng núi cao từ 1300m trở lên, thường rụng lá về mùa đông, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, giải độc, được dùng chữa kiết lỵ, ỉa chảy, âm hư phát sốt, ra mồ hôi trộm, ung nhọt, viêm tấy, đau mắt,... Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Hoàng bá - Chữa kiết lỵ, tiêu chảy

Hoàng bá hay Hoàng nghiệt - Phellodendron amurense Rupr., thuộc họ Cam - Rutaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ cao 10 - 25m hay hơn, phân cành nhiều. Vỏ thân dày, sần sùi, màu nâu xam xám ở mặt ngoài, màu vàng tưoi ở mặt trong. Lá kép lông chim lẻ, gồm 5 - 13 lá chét hình trứng thuôn hay hình bầu dục, dài 5 - 12cm, rộng 3 - 4,5cm, màu lục sẫm ở mặt trên, màu lục nhạt và có lông mềm ở mặt dưới. Hoa đơn tính, màu vàng lục, mọc thành chuỳ ở đầu cành và ở ngọn thân. Quả hình cầu khi chín màu tím đen, có 2 - 5 hạt.

Ra hoa tháng 5 - 6, có quả tháng 9 - 10.

2. Bộ phận dùng

Vỏ thân hoặc vỏ cành - Cortex Phellodendri, thường gọi là Hoàng bá.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của vùng Đông Bắc Á Châu, được trồng nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ta di thực vào trồng từ cuối những năm 1960 ở Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Vĩnh Phú (Tam Đảo) và Lâm Đồng (Đà Lạt). Cây ưa khí hậu mát vùng núi cao từ 1300m trở lên. Thường rụng lá về mùa đông. Thu hoạch vỏ thân vào tháng 3 - Cạo bỏ lớp vỏ bần, phơi khô, hoặc sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, ủ mềm, thái mỏng, phơi khô, tẩm rượu sao vàng hoặc sao cháy.

4. Thành phần hóa học

Vỏ thân chứa 1,6% berberin; còn có các alcaloid khác là palmatin, magnoflorin, jatrorrhizin, phellodendrin, menispermin, candicin. Ngoài ra còn có các chất đắng obakunon, obakulacton, và các chất khác: □-sitosterol và campesterol.

5. Tính vị, tác dụng

Vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, giải độc.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Hoàng bá được dùng chữa kiết lỵ, ỉa chảy, hoàng đản do viêm ống mật, viêm đường tiết niệu, đái đục, âm hư phát sốt, nóng trong xương, ra mồ hôi trộm, di tinh, khí hư, ung nhọt, viêm tấy, chân sưng đau, đau mắt, viêm tai. Còn dùng làm thuốc bổ đắng, chữa tiêu hoá kém và làm thuốc giun. Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc berberin chiết xuất tinh khiết. Dùng ngoài để rửa mắt, đắp mụn nhọt, vết thương.

7. Đơn thuốc

Tăng cường tiêu hoá, trị hoàng đản do viêm đường mật: Hoàng bá 14g, Chi tử 14g, Cam thảo 6g, các vị sắc uống.

Trẻ em nhiệt, tả (ỉa toé ra nước hoặc ỉa phân hoa cà, hoa cải, phân dính bột lẫn máu hoặc có sốt, khát) tiểu tiện đỏ, sẻn: Hoàng bá cạo lớp vỏ trong, tán nhỏ, cho uống với nước cơm, mỗi lần 2 - 3g, ngày uống 4 - 5 lần.

Viêm gan cấp tính, phát sốt, bụng trướng, đau vùng gan, đại tiện táo bón, tiểu tiện đỏ và sẻn: Hoàng bá 16g, Mộc thông, Chi tử, Chỉ xác, Đại hoàng (hay Chút chít), Nọc sởi, mỗi vị 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang).

Di tinh, đái đục: Hoàng bá sao 640g, Vỏ hến nung 640g, tán nhỏ mỗi lần uống 1 thìa, ngày 2 lần.

Lở miệng, loét lưỡi: Hoàng bá cắt nhỏ, ngậm, có thể nuốt nước hoặc nhổ đi.

8. Ghi chú

Ta thường dùng vỏ cây Núc nác với tên Nam Hoàng bá dùng chữa các bệnh dị ứng.

Trên đây là một số thông tin về cây Hoàng bá mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM