Hồ tiêu - Chữa nôn mửa, tiêu chảy đau bụng và khó tiêu, chán ăn

Hạt tiêu không chỉ được dùng làm gia vị mà còn là dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh như phong thấp, động kinh, đau bụng tiêu chảy, đau dạ dày. Liều lượng được khuyến cáo là 2 – 4 gram mỗi ngày. Cùng eLib.VN tìm hiểu vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Hồ tiêu - Chữa nôn mửa, tiêu chảy đau bụng và khó tiêu, chán ăn

Quả đã làm khô của cây Hồ tiêu (Piper nigrum L.) gồm hai loại: Toàn bộ quả gần chín (Hồ tiêu đen), hoặc quả đã bỏ thịt quả,  phơi khô (Hồ tiêu trắng hay hồ tiêu sọ),  họ Hồ tiêu (Piperaceace).

1. Mô tả

Hồ tiêu đen: Quả hình cầu,  đường kính 3,5 - 5 mm. Mặt ngoài màu nâu đen,  có nhiều vết nhăn hình mạng lưới nổi lên. Đầu quả có vết của vòi nhuỵ nhỏ hơi nổi lên,  gốc quả có vết sẹo của cuống quả. Chất cứng. Phần thịt quả có thể bóc ra được. Vỏ quả trong màu trắng tro hoặc màu vàng nhạt; mặt cắt ngang màu vàng nhạt. Quả có chất bột,  trong có lỗ hổng nhỏ là vị trí của nội nhũ. Mùi thơm,  vị cay.

Hồ tiêu sọ: Mặt ngoài màu trắng tro hoặc màu trắng vàng nhạt, nhẵn.

2. Vi phẫu

Vỏ quả ngoài cấu tạo bởi một lớp tế bào xếp không đều và hơi uốn lượn. Vòng mô cứng xếp sát vỏ quả ngoài. Tế bào mô cứng hình nhiều cạnh,  thành dày,  khoang hẹp,  có ống trao đổi rõ,  xếp thành đám sát nhau thành nhiều vòng liên tục. Vỏ quả giữa: vùng ngoài cấu tạo bởi tế bào nhỏ,  thành mỏng,  nhăn nheo,  bị bẹp,  kéo dài theo hướng tiếp tuyến,  có nhiều tế bào chứa tinh dầu. Vỏ quả trong gồm tế bào mô cứng thành dày phía trong và hai bên thành hình chữ U. Một lớp tế bào vỏ hạt xếp đều đặn,  thành mỏng. Vùng ngoại nhũ rất rộng,  phía ngoài gồm 2-3 lớp tế bào nhỏ thành mỏng,  ở sát vỏ hạt; phía trong gồm tế bào lớn hơn,  thành mỏng chứa nhiều tinh bột và tế bào tiết tinh dầu. Đối diện với cuống quả có một vùng nội nhủ rất nhỏ, cây mầm nằm trong nội nhũ.

3. Bột

Hồ tiêu đen: Bột màu tro thẫm,  tế bào đá ở vỏ ngoài hình gần vuông,  chữ nhật hoặc không đều,  đường kính 19-66 µm,  thành tương đối dày. Tế bào đá vỏ quả trong hình đa giác,  đường kính 20-30 µm,  nhìn mặt bên có hình vuông,  thành tế bào có một mặt mỏng. Tế bào vỏ hạt hình đa giác,  màu nâu,  thành dày mỏng không đều và có hình chuỗi hạt. Giọt dầu tương đối ít,  hình tròn,  đường kính 51-75 µm. Hạt tinh bột rất nhỏ,  thường tụ tập lại thành khối.

4. Định tính

A. Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 3 ml amoniac đậm đặc (TT), trộn cho thấm đều, thêm 15 ml cloroform (TT), lắc, đun hồi lưu trong 15 phút, lọc. Cho dịch lọc vào bình gạn, thêm 10 ml dung dịch acid sulfuric 2% (TT), lắc mạnh trong 1 phút, để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp, gạn lấy phần acid, lọc trong lớp acid để làm các phản ứng sau:

Lấy 1 ml dịch chiết acid, thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), để yên 5 phút dung dịch sẽ đục.

Lấy 1 ml dịch chiết acid, thêm 6 giọt thuốc thử Mayer (TT), để yên 5 phút dung dịch sẽ đục.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel G
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan -  ethylacetat – aceton (7 : 3 : 1).
  • Dung dịch thử: Lấy khoảng 0,5g bột dược liệu thô, thêm 20 ml ethanol (TT), đun cách thủy 15 phút, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Dung dịch piperin trong ethanol có hàm lượng 4 mg/ml. Nếu không có piperin,  lấy khoảng 0,5 g bột Hồ tiêu (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl dung dịch thử và 2 µl dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong,  lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng rồi phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 100oC cho tới khi xuất hiện rõ các vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các  vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Hoặc

  • Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hóa ở 110 oC trong 1 giờ.
  • Dung môi khai triển: Benzen – ether dầu hoả  (8:2)
  • Dung dịch thử: Cất tinh dầu từ 10 g dược liệu bằng phương pháp cất kéo hơi nước (Phụ lục 12.7). Pha loãng 0,2 ml tinh dầu với 0.5 ml cloroform (TT) được dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 10 g bột Hồ tiêu, tiến hành chiết tinh dầu như dung dịch thử. 
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, phơi khô bản mỏng trong không khí, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 100 oC trong 10 phút, màu sắc và vị trí của các vết trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương đương với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 11%.

Tỷ lệ vụn nát: 

Hạt lép: 100 hạt hồ tiêu phải cân được ít nhất 4 g.

Hàm lượng tinh dầu

Không dưới 2.5% tính theo dược liệu khô kiệt.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 8,0%, tính theo dược liệu khô.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hoạch vào cuối mùa thu đến mùa xuân năm sau, hái lấy quả xanh thẫm khi chùm quả xuất hiện 1-2 quả chín đỏ hay vàng, phơi hay sấy khô ở 40 - 50 oC, quả ngả sang màu đen thơm gọi là Hồ tiêu đen (hắc Hồ tiêu). Còn hái quả lúc thật chín đỏ, ngâm dưới nước chảy 3- 4 ngày, sát bỏ thịt quả và vỏ đen, phơi khô. Dược liệu có màu tráng ngà, vị cay gọ là Bạch Hồ tiêu (Hồ tiêu sọ).

6. Bào chế

Loại bỏ tạp chất, vụn nát, khi dùng tán thành bột mịn.

7. Bảo quản

Nơi khô, mát, trong bao bì kín.

Tính vị, qui kinh

Tân, nhiệt. Quy vào kinh vị, đại tràng.

8. Công năng, chủ trị

Ôn trung tán hàn, kiện vị chỉ đau. Chủ trị: Vị hàn gây nôn mửa, tiêu chảy đau bụng và khó tiêu, chán ăn.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày 0,6 – 1,5 g, dạng thuốc bột, dùng ngoài lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Âm hư, hoả vượng, trĩ, táo bón không nên dùng.

Trên đây là những tác dụng của hạt tiêu dưới góc nhìn của y học và cách dùng nguyên liệu này làm thuốc chữa bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vị thuốc này, bệnh nhân nhờ các thầy thuốc Đông y tham vấn để đạt được hiệu quả tối ưu khi sử dụng.

Ngày:13/09/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM