Bệnh hẹp bao quy đầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hẹp bao quy đầu gây trở ngại khi đi tiểu, hoạt động tình dục và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh hẹp bao quy đầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu bị thắt chặt và không thể kéo tuột xuống để cho đầu dương vật lộ ra cho dù dương vật đang cương cứng. Hẹp bao quy đầu gây trở ngại khi đi tiểu, hoạt động tình dục và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Những ai thường mắc phải hẹp bao quy đầu?

Tình trạng này thường xảy ra ở những người không cắt bao quy đầu. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu thường không gây đau. Tuy nhiên, bao quy đầu bị thắt quá chặt có thể gây trở ngại khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục. Ngoài ra, hẹp bao quy đầu có thể khiến cho bạn khó làm sạch phần phía dưới bao quy đầu nên dễ xảy ra nhiễm trùng da.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Khi bạn gặp khó khăn lúc đi tiểu hoặc sinh hoạt tình dục do tình trạng hẹp bao quy đầu, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn. Ngoài ra, bạn cũng nên liên hệ bác sĩ nếu quy đầu của bạn xuất hiện các triệu chứng đỏ, đau và sưng, đó có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn đã bệnh viêm quy đầu.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hẹp bao quy đầu là gì?

Thông thường, bao quy đầu của dương vật ở trẻ từ 3 đến 4 tuổi có thể tuột xuống. Tuy nhiên, một số trẻ không thể thực hiện được điều này và dẫn đến hẹp bao quy đầu do:

Đầu bao quy đầu quá nhỏ nên quy đầu dương vật không thể chui qua được. Dây hãm quá ngắn khiến cho bao quy đầu không thể rút lại hoàn toàn (tình trạng này gọi là dây hãm breve). Do hậu quả của các viêm nhiễm ở dương vật dẫn đến sẹo xơ hóa ở quy đầu.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị hẹp bao quy đầu là gì?

Những yếu tố nguy cơ bị hẹp bao quy đầu bao gồm:

Không cắt bao quy đầu; Bị tiểu đường; Trẻ sơ sinh thường xuyên bị hăm tã; Vệ sinh cá nhân kém; Nhỏ tuổi.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp bao quy đầu?

Hẹp bao quy đầu nếu không gây ra triệu chứng gì thì có thể không cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của trẻ không tiến triển hoặc trẻ gặp khó khăn khi đi tiểu và vệ sinh, bạn có thể dùng một số loại kem bôi như hydrocortisone cho trẻ.

Ở trẻ lớn hơn và người trưởng thành, bạn chỉ cần vệ sinh kỹ lưỡng và điều trị nhanh các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu hẹp bao quy đầu gây viêm nhiễm thường xuyên hoặc khiến bạn gặp khó khăn khi đi tiểu và quan hệ tình dục, bạn có thể đến gặp bác sĩ để tư vấn tiến hành phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp bao quy đầu?

Bác sĩ có thể chẩn đoán hẹp bao quy đầu dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và kiểm tra dương vật.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp bao quy đầu?

Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, hoạt động thể thao và tránh các chất kích thích, hút thuốc, rượu bia. Tìm cách giải quyết căng thẳng trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó, cải thiện mối quan hệ với bạn đời và chăm sóc sức khỏe bản thân.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh hẹp bao quy đầu, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM