Hành tăm - Giúp giải cảm, làm ra mồ hôi
Hành tăm gần như mọc hoang ở vùng Địa Trung Hải tới Himalaya, được mang vào trồng ở nước ta từ lâu đời, thường trồng làm rau ăn và lấy củ làm thuốc . Hanh tăm có vị đắng cay, mùi hăng nồng, tính ấm, có tác dụng giải cảm, làm ra mồ hôi, hành khí hạ đàm, lợi tiểu, giải độc, sát trùng. Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục nội dung
Hành tăm, Hành trắng, Nén - Allium schoenoprasum L., thuộc họ Hành - Alliaceae.
1. Mô tả
Cây thảo, giống dạng cây Hành hương, nhưng có kích thước nhỏ hơn, thường chỉ cao 10 - 15cm cho tới 20 - 30cm. Thân hành (củ) trắng to bằng ngón tay út hay hạt ngô, đường kính cỡ 2cm, bao bởi những vẩy dai. Lá và cán hoa hình trụ rỗng, nhỏ như cái tăm (do vậy mà có tên như trên). Cụm hoa hình đầu dạng cầu mang nhiều hoa có cuống ngắn.
2. Bộ phận dùng
Củ - Bulbus Allii Schoenoprasi.
3. Nơi sống và thu hái
Cây gần như mọc hoang ở vùng Địa Trung Hải tới Himalaya, được mang vào trồng ở nước ta từ lâu đời, thường trồng làm rau ăn và lấy củ làm thuốc. Có thể nhân giống như Hành hoa, bằng hạt hay tách bụi vào vụ Đông xuân. Thu hoạch củ vào mùa hè thu. Khi dùng rửa sạch, giã nát, thường dùng tươi. Cũng có thể sắc uống.
4. Thành phần hóa học
Cây cũng chứa tinh dầu và các sulfit hữu cơ như các loại hành, có chất kháng sinh alliin.
5. Tính vị, tác dụng
Hành tăm có vị đắng cay, mùi hăng nồng, tính ấm, có tác dụng giải cảm, làm ra mồ hôi, hành khí hạ đàm, lợi tiểu, giải độc, sát trùng. Ở Ân Độ, người ta cho là nó có tính chất như Hành tây.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Hành tăm thường được dùng làm gia vị có mùi vị tựa hơi Hành hoa. Thường dùng làm thuốc giải cảm, trúng phong, thấp nhiệt, thời khí, ôn dịch, nóng rét, nhức đầu, nghẹt mũi, ho tức ngực; chữa đầy bụng, bí đại tiểu tiện và an thai. Cũng dùng chữa rắn độc và chó dại cắn. Liều dùng 12 - 24g.
7. Đơn thuốc
Trị cảm hàn: Dùng Hành tăm giã nát hoà nước uống trong và đánh gió ở ngoài.
Trị ăn trúng độc: Giã nát, thêm rượu cho uống.
Trị bí đái trướng đầy: Giã giập sao, nóng đắp lên vùng bàng quang.
Trị trúng phong á khẩu: Dùng Hành tăm 20 củ đâm nhỏ vắt nước, dùng lông gà thoa vào cổ mửa nhớt ra.
Trị rắn độc, sâu bọ cắn: Dùng Hành tăm 7 củ, nhai nuốt nước, lấy bã đặt vào nơi bị cắn, cấp thời, rồi chạy thuốc khác.
Rắn hổ đất cắn: Hành tăm 3 đồng cân, cây Xương khô, rễ Đu đủ ngô đều 2 đồng, phèn xanh một cục, muối hột một cục, đâm nhỏ, vắt lấy nước uống, xác đắp lên vết cắn.
Kiêng kỵ
Không ăn hành tăm với mật ong (vì gây chóng mặt, buồn nôn).
Trên đây là một số thông tin về cây Hành tăm mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.