Đương quy - Huyết hư, chóng mặt, kinh không đều, đau bụng kinh, táo bón

Cây đương quy có tác dụng dược lý đa dạng nên được y học cổ truyền ứng dụng vào nhiều bài thuốc khác nhau, như bài thuốc trị rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau nhức xương khớp, viêm tuyến tiền liệt,…Cùng eLib.VN tìm hiểu vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

 

Đương quy - Huyết hư, chóng mặt, kinh không đều, đau bụng kinh, táo bón

Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đương quy (Angelica sinensis (Oliv.) Diels.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Mô tả

Rễ dài 10 - 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ.

Đường kính quy đầu 1,0 - 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ từ 0,3 - 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay, hơi đắng.

2. Vi phẫu

Lớp bần mỏng màu nâu nhạt. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng chứa tinh bột. Vùng libe có nhiều ống tiết tinh dầu. Tầng sinh libe-gỗ là một vòng ngoằn ngoèo rõ rệt. Mô mềm ruột có nhiều sợi.

3. Bột

Bột màu nâu vàng, mùi thơm đặc biệt. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đứng riêng lẻ. Các ống tiết tinh dầu, thường bị vỡ. Mảnh mô mềm có nhiều hạt tinh bột. Mảng mạch mạng, mạch xoắn, mạch điểm.

4. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel 60F254.
  • Hệ dung môi: Cyclohexan - ethyl acetat (8 : 2).
  • Dung dịch mẫu thử: Lấy 4 g bột dược liệu thêm 20 ml ethanol 95% (TT) ngâm trong 1 giờ, thỉnh thoảng lắc. Lọc. Bốc hơi dịch lọc đến còn khoảng 10 ml, được dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 4 g bột Đương quy (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra khỏi bình sắc ký, để bay hơi hết dung môi ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở  bước sóng 366 nm, trên sắc ký đồ  của dung dịch thử cho 2 vết phát quang xanh sáng to rõ và 6 vết màu xanh lơ (phụ) có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 15%.

Tro không tan trong acid: Không quá 2%.

Tạp chất: Không quá 1%.

Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 40,0%.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng  ethanol 50% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu. Đào lấy rễ, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp đến khô.

6. Bào chế

Đương quy đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Tửu Đương quy: Lấy Đương quy đã thái thành lát, phun rượu cho đều, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Đương quy dùng 10 kg rượu. Dược liệu này là phiến mỏng dạng tròn hoặc không đều, mặt cắt có vân nâu nhạt. Chất dai, màu vàng thẫm, vị hơi đắng, mùi thơm nồng, có mùi rượu.

7. Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh ẩm, mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Cam, tân, ôn. Vào các kinh can, tâm, tỳ.

8. Công năng, chủ trị

Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng. Chủ trị: Huyết hư, chóng mặt. Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, táo bón do huyết hư. Phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

Đương quy chích rượu: Dùng điều trị bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

Toàn Quy: Hoà huyết (vừa bỏ huyết vừa hoạt huyết).

Quy vĩ: Hoạt huyết hoá ứ.

Quy thân: Dương huyết bổ huyết.

Quy đầu: Chỉ huyết.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 12 g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Kiêng kỵ

Tỳ vị có thấp nhiệt, đại tiện lỏng không nên dùng.

Bài viết đã cung cấp một số thông tin về dược liệu đương quy. Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này.

Ngày:13/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM