Dự thảo lần 2 quy định về tuyển sinh trong công an nhân dân

Thông tư này quy định về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện, quy trình, thủ tục, hồ sơ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong công tác tuyển sinh vào giáo dục văn hóa bậc trung học phổ thông, đào tạo trình độ trung cấp, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Mời các bạn cùng tham khảo thêm

Dự thảo lần 2 quy định về tuyển sinh trong công an nhân dân

BỘ CÔNG AN
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:         /2020/TT- BCA Hà Nội, ngày          tháng     năm 2020

DỰ THẢO LẦN 2

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN SINH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về tuyển sinh trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện, quy trình, thủ tục, hồ sơ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong công tác tuyển sinh vào giáo dục văn hóa bậc trung học phổ thông, đào tạo trình độ trung cấp, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, đào tạo cao cấp lý luận chính trị và hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ trung cấp chính trị trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Học viện, trường Công an nhân dân (sau đây viết tắt là trường Công an nhân dân), đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Công an đơn vị, địa phương), sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an), công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (sau đây viết tắt là chiến sĩ Công an).

2. Cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng Công an nhân dân, công dân Việt Nam và người nước ngoài tuyển sinh, đào tạo trong Công an nhân dân theo quy định hoặc theo thỏa thuận hợp tác về đào tạo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo thỏa thuận hợp tác về đào tạo của Bộ Công an.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức tuyển sinh trong Công an nhân dân

1. Tuyển sinh trong Công an nhân dân phải căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước về giáo dục, đào tạo kết hợp với yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân đảm bảo số lượng, chất lượng theo nhu cầu biên chế của Công an nhân dân; đáp ứng yêu cầu trình độ, kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ của từng cán bộ đang hoặc sẽ đảm nhận sau khi tốt nghiệp gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng của lực lượng Công an nhân dân.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho người dự tuyển hoặc lợi dụng dân chủ trong tuyển sinh để vu khống, tạo dư luận, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác tuyển sinh trong Công an nhân dân.

3. Không cử cán bộ dự tuyển cùng một lúc: nhiều lớp đào tạo dài hạn có thời gian học từ 12 tháng trở lên trở lên hoặc vừa lớp bồi dưỡng (dưới 12 tháng) vừa lớp đào tạo dài hạn có lịch học trùng nhau hoặc các lớp bồi dưỡng ngắn hạn có thời gian học trùng nhau.

4. Không cử dự tuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc chấp hành quyết định kỷ luật từ khiển trách trở lên.

5. Đối với cán bộ, công dân ngoài lực lượng Công an nhân dân tham gia dự tuyển, đào tạo trong Công an nhân dân thì việc tuyển sinh theo quy định của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định của Bộ Công an hoặc theo quy định về thoả thuận hợp tác giữa Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước hoặc theo quy định về thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an với các nước và các bộ, ngành liên quan.

Điều 4. Thực hiện dân chủ trong công tác tuyển sinh

1. Công an đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân tổ chức sơ tuyển, thi tuyển, xét tuyển phải đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy chế, quy định.

2. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và công dân được quyền hỏi, tìm hiểu những thông tin có liên quan đến công tác tuyển sinh Công an nhân dân; được quyền khiếu nại, tố cáo khi phát hiện những sai phạm trong công tác tuyển sinh và được trả lời về những vấn đề có liên quan đến công tác tuyển sinh theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an (trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước).

3. Các sai sót thuộc Công an đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân về công tác tuyển sinh phải được giải quyết, xử lý, khắc phục để bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, chiến sĩ Công an và công dân tham gia tuyển sinh.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN

Điều 5. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo tiến sĩ

1. Đối tượng

a) Giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của đơn vị trực thuộc Bộ và trường Công an nhân dân;

b) Cán bộ Công an là lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên hoặc quy hoạch lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên thuộc Công an đơn vị, địa phương;

c) Cán bộ Công an đã bổ nhiệm chức danh hoặc thuộc diện bổ nhiệm chức danh mà tiêu chuẩn yêu cầu phải có trình độ tiến sĩ.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Dưới 50 tuổi tính đến năm dự tuyển;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ ngành đúng, ngành phù hợp với ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Cán bộ tốt nghiệp đại học dự tuyển phải học bổ sung kiến thức theo quy định;

c) Cán bộ tuyển dụng ngành ngoài vào Công an nhân dân nếu dự tuyển ở nhóm ngành an ninh và trật tự xã hội phải tốt nghiệp đại học nhóm ngành an ninh và trật tự xã hội;

d) Có thời gian công tác ít nhất 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp thạc sĩ hoặc ngày được tuyển dụng chính thức vào Công an nhân dân (đối với cán bộ tuyển dụng ngành ngoài vào Công an nhân dân). Không áp dụng điều kiện này đối với đối tượng thuộc điểm a khoản 1 điều này;

đ) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước với năm dự tuyển.

Điều 6. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo thạc sĩ

1. Đối t­ượng

a) Giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của đơn vị trực thuộc Bộ và trường Công an nhân dân;

b) Cán bộ có chức danh chuyên viên, trợ lý công tác tham mưu, nghiên cứu khoa học thuộc cơ quan Bộ;

c) Cán bộ là chỉ huy cấp đội và tương đương trở lên hoặc quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy từ cấp đội và tương đương trở lên thuộc Công an đơn vị, địa phương.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Dưới 45 tuổi tính đến năm dự tuyển;

b) Có bằng đại học tại trường Công an nhân dân; căn cứ vào ngành, chuyên ngành tốt nghiệp, cán bộ dự tuyển có thể phải học bổ sung kiến thức theo quy định;

c) Cán bộ tuyển dụng ngành ngoài vào Công an nhân dân nếu dự tuyển ở nhóm ngành an ninh và trật tự xã hội phải tốt nghiệp đại học nhóm ngành an ninh và trật tự xã hội;

d) Có thời gian công tác ít nhất 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp thạc sĩ hoặc ngày được tuyển dụng chính thức vào Công an nhân dân (đối với cán bộ tuyển dụng ngành ngoài vào Công an nhân dân). Không áp dụng điều kiện này đối với đối tượng thuộc điểm a khoản 1 Điều này;

đ) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước với năm dự tuyển.

Điều 7. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo đại học chính quy tuyển mới đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương

1. Đối tượng

a) Cán bộ Công an;

b) Chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân có thời gian công tác từ 12 tháng trở lên; công dân hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hoặc hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định xuất ngũ đến tháng sơ tuyển (tháng 3);

c) Công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đăng ký sơ tuyển (trừ đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 7 Thông tư này).

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trong những năm học trung học phổ thông và tương đương đạt học lực từ trung bình trở lên (theo kết luận học bạ), từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường Công an nhân dân phải đạt từ  6.5 (sáu phẩy năm) điểm trở lên, riêng đối tượng tại điểm a, b khoản 1 Điều này áp dụng trung bình cộng điểm các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 6.5 (sáu phẩy năm) điểm trở lên; các điều kiện về học lực khác theo quy định hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an.

b) Tính đến năm dự tuyển, đối tượng thuộc điểm a, b khoản 1 Điều này không quá 30 tuổi; đối tượng thuộc điểm c khoản 1 điều này không quá 20 tuổi, riêng người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi;

c) Phẩm chất đạo đức

- Đối tượng thuộc điểm a, b khoản 1 điều này phân loại cán bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước với năm dự tuyển. Riêng công dân hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hoặc hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân trong thời gian tại ngũ, hàng năm đều đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỷ luật từ mức khiển trách trở lên;

- Đối tượng thuộc điểm c khoản 1 điều này, trong những năm học trung học phổ thông và tương đương đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên, chưa kết hôn, chưa có con đẻ;

d) Đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định hiện hành của Bộ Công an;

đ) Đủ sức khỏe tuyển vào Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an, riêng:

- Chiều cao từ 164cm đến 195cm đối với nam, từ 158cm đến 180cm đối với nữ;

- Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng trọng lượng (kilogam) chia cho bình phương chiều cao (mét) đạt từ 18.5 đến 30;

- Nếu mắc tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị thì không quá 3 đi - ốp; kiểm tra thị lực qua kính mắt phải đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên;

e) Năng khiếu: có khả năng giữ bình tĩnh, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt, tư duy logic và những phẩm chất khác (nếu có) theo yêu cầu của từng hệ lực lượng nghiệp vụ trong Công an nhân dân.

Điều 8. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo đại học chính quy tuyển mới đối với công dân đã tốt nghiệp trình độ đại học hoặc trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ

1. Đối tượng

a) Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành;

b) Công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đăng ký sơ tuyển.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đã tốt nghiệp trình độ đại học hoặc trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ theo ngành, chuyên ngành phù hợp với nhu cầu tuyển sinh đào tạo của lực lượng Công an nhân dân;

b) Tính đến năm dự tuyển, không quá 30 tuổi, riêng có trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ không quá 35;

c) Đảm bảo các điều kiện quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

Điều 9. Đối tượng, điều kiện cử tuyển đào tạo đại học

1. Đối tượng

Học sinh Trường Văn hóa Công an nhân dân hoặc công dân là người dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu cử tuyển hàng năm do Bộ Công an phê duyệt.

2. Điều kiện

Đảm bảo các quy định của Chính phủ về cử tuyển vào các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; ngoài ra đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này;

b) Có hộ khẩu thường trú trong thời gian học trung học cơ sở, trung học phổ thông và tương đương tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Điều 10. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo đại học vừa làm vừa học

1. Đối tượng

Cán bộ Công an là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Dưới 45 tuổi (tính đến năm dự tuyển);

b) Có ít nhất 36 (ba mươi sáu tháng) tháng công tác thực tế trong lực lượng Công an nhân dân (không tính thời gian được cử đào tạo dài hạn, thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân) đến tháng tổ chức thi tuyển. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật có thời gian công tác ít nhất từ 10 (mười) năm trở lên;

e) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước với năm dự tuyển.

Điều 11. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học

1. Đối tượng

Cán bộ Công an là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trong Công an nhân dân (đối với liên thông cao đẳng với đại học), trình độ trung cấp trong Công an nhân dân (đối với liên thông trung cấp với đại học);

b) Dưới 45 tuổi (tính đến năm dự tuyển);

c) Có ít nhất 24 (hai mươi bốn) tháng công tác kể từ ngày tốt nghiệp đến tháng tổ chức thi tuyển. Riêng cán bộ có bằng tốt nghiệp đạt loại giỏi trở lên có ít nhất 12 (mười hai) tháng công tác kể từ ngày tốt nghiệp đến tháng tổ chức thi tuyển;

d) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước với năm dự tuyển.

Điều 12. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo đại học cấp bằng đại học thứ hai (văn bằng 2)

1. Đối tượng

a) Cán bộ Công an là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đã tốt nghiệp đại học trong Công an nhân dân;

b) Công dân tốt nghiệp đại học ngoài ngành Công an được tuyển dụng vào công tác tại vị trí sĩ quan nghiệp vụ (không áp dụng đối với chiến sĩ nghĩa vụ được chuyển sang chế độ chuyên nghiệp đã có bằng đại học trước khi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân).

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có thời gian công tác ít nhất 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày tốt nghiệp trình độ đại học đối với đối tượng thuộc điểm a khoản 1 Điều này; không áp dụng thời gian công tác đối với đối tượng thuộc điểm b khoản 1 Điều này;

b) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước năm dự tuyển đối với đối tượng thuộc điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 13. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo trung cấp chính quy tuyển mới

1. Đối tượng

a) Chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân không trúng tuyển đại học Công an nhân dân;

b) Chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân không đủ điều kiện xét tuyển đại học chính quy tuyển mới nhưng đủ tiêu chuẩn để xét chuyển sang chế độ chuyên nghiệp sau khi hết thời gian phục vụ tại ngũ;

c) Các đối tượng khác theo quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quy định của Bộ Công an.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài ra phải đảm bảo quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 7 Thông tư này và tiêu chuẩn sức khỏe tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định hiện hành.

Điều 14. Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo trung cấp chính quy cho cán bộ trong biên chế Công an nhân dân

1. Đối tượng

a) Chiến sĩ nghĩa vụ được chuyển sang chế độ chuyên nghiệp sau khi hết thời gian phục vụ tại ngũ;

b) Cán bộ Công an là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ;

c) Cán bộ Công an là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật.

2. Điều kiện

Cán bộ dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Dưới 40 tuổi tính đến năm dự tuyển;

b) Phân loại cán bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên trong năm liền trước năm dự tuyển;

c) Đối với đối tượng thuộc điểm c khoản 1 Điều này phải có thời gian công tác từ 08 (tám) năm trở lên.

Điều 15. Đối tượng, điều kiện dự tuyển giáo dục trung học phổ thông (đào tạo văn hóa nhỏ tuổi)

1. Đối tượng: Người dân tộc thiểu số.

2. Điều kiện

a) Tốt nghiệp trung học cơ sở trong năm dự tuyển;

b) Trong các năm học trung học cơ sở, xếp loại học lực đạt loại khá trở lên, hạnh kiểm đạt loại tốt;

c) Đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định hiện hành của Bộ Công an;

d) Đủ sức khỏe tuyển vào Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an, riêng:

- Chiều cao từ 155 cm đối với nam, từ 150 cm đối với nữ;

- Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng trọng lượng (kilogam) chia cho bình phương chiều cao (mét) đạt từ 18.5 đến 30;

- Nếu mắc tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị thì không quá 3 đi - ốp; kiểm tra thị lực qua kính mắt đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên;

đ) Có hộ khẩu thường trú từ 05 năm trở lên (tính đến tháng 7 của năm tuyển sinh) tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Chính phủ; học trung học cơ sở liên tục và tốt nghiệp trung học cơ sở tại các trường đóng tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Chính phủ;

e) Thành thạo tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số.

Điều 16.  Đối tượng, điều kiện dự tuyển đào tạo cao cấp lý luận chính trị và hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị

1. Đối tượng

Cán bộ Công an đáp ứng đối tượng đi học theo quy định hiện hành của Ban Tổ chức Trung ương.

2. Điều kiện

Người dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện về tuyển sinh theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có trình độ trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị;

b) Cán bộ Công an tốt nghiệp các trường đại học ngoài ngành Công an hoặc ở nước ngoài phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ Công an theo chương trình của Bộ Công an.

Điều 17. Đối tượng, điều kiện dự tuyển hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị

1. Đối tượng

a) Cán bộ Công an;

b) Học viên đại học các học viện, trường đại học Công an nhân dân.

2. Điều kiện

a) Đối tượng thuộc điểm a khoản 1 điều này là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại các trường Công an nhân dân hoặc tốt nghiệp đại học ngoài ngành Công an hoặc ở nước ngoài được tuyển dụng vào công tác trong lực lượng Công an nhân dân đã có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ Công an theo chương trình của Bộ Công an.

b) Đối tượng thuộc điểm b khoản 1 điều này đã hoàn thành và đạt yêu cầu điểm thi của tất cả các học phần/môn học tính đến kỳ học cuối cùng trong chương trình đào tạo đại học của nhà trường.

Chương III

TỔ CHỨC TUYỂN SINH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 18: Ban hành chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo cán bộ

1. Căn cứ biên chế của lực lượng Công an, tập hợp nhu cầu đào tạo cán bộ của Công an đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân và năng lực đào tạo của trường Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an hàng năm, trung hạn, dài hạn.

2. Chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong Công an nhân dân trong năm được ban hành trước ngày 15 tháng 3 hằng năm.

Điều 19. Hướng dẫn tổ chức thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo

1. Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nhân dân hàng năm được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt và căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quy định Thông tư này, giao Cục Đào tạo tham mưu, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an phù hợp với quy định.

2. Quá trình thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo nếu có sự bất cập, không thực hiện hết chỉ tiêu theo kế hoạch được duyệt hoặc không đảm bảo cân đối tỷ lệ giữa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giao Cục Đào tạo chủ trì phối hợp với Cục Tổ chức cán bộ báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu, loại hình đào tạo trên cơ sở đảm bảo tổng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đã được Bộ trưởng phê duyệt đầu năm.

Điều 20. Thông tin tuyên truyền về công tác tuyển sinh đào tạo

1. Căn cứ chỉ tiêu được giao và hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu của Bộ Công an, các trường Công an nhân dân thông báo quy định tuyển sinh đào tạo các trình độ, loại hình đào tạo của trường về chỉ tiêu, điều kiện dự tuyển, thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian thi tuyển, xét tuyển, chiêu sinh, nhập học. Thông báo thể hiện bằng văn bản hành chính, báo nói, báo viết, báo hình hoặc trực tiếp thông tin cho thí sinh (trừ các thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước).

2. Căn cứ chỉ tiêu được giao, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu của Bộ Công an và thông báo tuyển sinh của trường Công an nhân dân, Công an đơn vị, địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin, như: báo nói hoặc báo viết hoặc báo hình hoặc trực tiếp thông tin cho cán bộ, chiến sĩ, học sinh trên địa bàn cư trú về chỉ tiêu, điều kiện dự tuyển, thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển (trừ các thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước). Thông tin liên hệ của cán bộ tuyển sinh.

Điều 21. Đăng ký dự tuyển

1. Công dân trực tiếp đăng ký dự tuyển tại Công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

2. Cán bộ Công an, chiến sĩ Công an đăng ký dự tuyển tại đơn vị công tác.

3. Khi đến đăng ký dự tuyển, người dự tuyển cần thực hiện theo các nội dung đã được Công an đơn vị, địa phương thông báo.

Điều 22. Tổ chức sơ tuyển

1. Giám đốc, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương ra quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sơ tuyển để điều hành công tác sơ tuyển tuyển sinh. Thành phần Hội đồng sơ tuyển gồm:

- Giám đốc hoặc Thủ trưởng đơn vị - Chủ tịch Hội đồng;

- Phó Giám đốc, Phó Thủ trưởng phụ trách xây dựng lực lượng - Phó chủ tịch Hội đồng;

- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ hoặc tương đương - Ủy viên;

- Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ hoặc tương đương phụ trách tuyển sinh đào tạo - Ủy viên;

- Đội trưởng hoặc cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh đào tạo của Công an các đơn vị, địa phương - Ủy viên thư ký;

- Đại diện lãnh đạo Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương (khi xét, quyết định những vấn đề tuyển sinh, đào tạo của đơn vị) - Ủy viên.

- Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh được thành lập các ban giúp việc để tổ chức công tác sơ tuyển.

- Những người có con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng dự tuyển thì không được tham gia Hội đồng tuyển sinh.

2. Nội dung sơ tuyển

- Căn cứ các tài liệu, hồ sơ có liên quan, đối chiếu với điều kiện tuyển sinh vào các cấp học, trình độ đào tạo trong Công an nhân dân quy định tại Thông tư này và Hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Cục Đào tạo để kiểm tra lần lượt các điều kiện, gồm:

+ Kiểm tra thông tin cá nhân và độ tuổi;

+ Kiểm tra bằng tốt nghiệp các trình độ giáo dục, đào tạo;

+ Kiểm tra học lực tại học bạ;

+ Hạnh kiểm tại học bạ;

+ Xét phẩm chất đạo đức, quá trình công tác;

+ Kiểm tra sức khỏe (áp dụng đối với thí sinh dự tuyển trình độ đại học chính quy tuyển mới, dự tuyển giáo dục trình độ trung học phổ thông);

+ Kiểm tra khả năng nói, viết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số (áp dụng đối với thí sinh dự tuyển giáo dục trình độ trung học phổ thông);

+ Kiểm tra năng khiếu (áp dụng đối với thí sinh dự tuyển trình độ đại học chính quy tuyển mới);

+ Thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị. Quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định, hướng dẫn hiện hành của Bộ Công an về thẩm tra lý lịch trong Công an nhân dân.

- Công an nơi sơ tuyển trực tiếp chụp ảnh cho thí sinh dự tuyển trình độ đại học chính quy tuyển mới, trung cấp chính quy tuyển mới, giáo dục văn hóa trung học phổ thông.

3. Công khai cho người dự tuyển biết kết quả sơ tuyển, tiếp nhận đề nghị phúc tra kết quả sơ tuyển của người dự tuyển và tổ chức phúc tra sơ tuyển, thông báo lại kết quả cho người dự tuyển.

Nếu người dự tuyển có khiếu nại về kết quả sơ tuyển thì căn cứ quy định của Bộ Công an về hướng dẫn xử lý, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân để giải quyết.

Công an nơi sơ tuyển cấp Giấy chứng nhận sơ tuyển theo mẫu quy định của Bộ Công an cho thí sinh đạt sơ tuyển dự tuyển trình độ đại học chính quy tuyển mới, trung cấp chính quy tuyển mới, giáo dục văn hóa trung học phổ thông.

4. Hoàn thiện hồ sơ dự tuyển gửi các trường Công an nhân dân

Căn cứ thông báo tuyển sinh của các trường Công an nhân dân theo từng trình độ đào tạo, Công an đơn vị, địa phương và người dự tuyển hoàn thiện hồ sơ dự tuyển gửi các trường Công an nhân dân đảm bảo thời gian quy định.

a) Đối với dự tuyển đào tạo tiến sĩ:

- Công văn cử cán bộ đi dự tuyển, đào tạo;

- Sơ yếu lí lịch có xác nhận của đơn vị;

- Đơn xin dự tuyển;

- Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện đa khoa trở lên cấp;

- Thư giới thiệu của nhà khoa học có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học, bằng thạc sĩ và bảng điểm cao học, văn bằng hoặc chứng chỉ xác định trình độ ngoại ngữ, văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài;

- Đề cương nghiên cứu;

- Các tài liệu khác có liên quan.

b) Đối với dự tuyển đào tạo thạc sĩ

- Công văn cử cán bộ đi dự tuyển, đào tạo;

- Sơ yếu lí lịch có xác nhận của đơn vị;

- Đơn xin dự tuyển;

- Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện đa khoa trở lên cấp;

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học hoặc văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp đại học ở nước ngoài;

- Giấy tờ xác nhận ưu tiên trong tuyển sinh;

- Các tài liệu khác có liên quan.

c) Đối với dự tuyển đào tạo đại học vừa làm vừa học, liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ đại học, liên thông giữa trình độ cao đẳng với trình độ đại học, đại học cấp bằng đại học thứ hai

- Công văn cử cán bộ đi dự tuyển, đào tạo hoặc danh sách trích ngang;

- Sơ yếu lí lịch có xác nhận của đơn vị;

- Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, học bạ trung học phổ thông hoặc tương đương;

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, bảng điểm trung cấp (đối với liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ đại học);

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, bảng điểm cao đẳng (đối với liên thông giữa trình độ cao đẳng với trình độ đại học);

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, bảng điểm đại học thứ nhất hoặc văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp đại học ở nước ngoài (đối với đại học cấp bằng đại học thứ hai);

- Giấy tờ xác nhận ưu tiên trong tuyển sinh;

- Các tài liệu khác có liên quan.

d) Đối với dự tuyển đào tạo đại học chính quy tuyển mới

- Công văn cử dự tuyển hoặc danh sách trích ngang;

- Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu của Bộ Công an);

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, học bạ trung học phổ thông hoặc tương đương hoặc văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ngoài. Đối với công dân chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ nộp chứng thực bản sao từ bản chính học bạ trung học phổ thông;

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, bảng điểm đại học thứ nhất hoặc văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp đại học ở nước ngoài (đối với công dân đã tốt nghiệp đại học);

- Bản sao giấy khám sức khỏe;

- Giấy tờ xác nhận ưu tiên trong tuyển sinh;

- Các tài liệu khác có liên quan.

đ) Đối với dự tuyển đào tạo trung cấp chính quy

- Công văn cử dự tuyển hoặc danh sách trích ngang;

- Phiếu đăng ký dự tuyển (đối với trung cấp chính quy tuyển mới);

- Chứng thực bản sao từ bản chính của bằng tốt nghiệp, học bạ trung học phổ thông hoặc tương đương hoặc văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường hợp tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ngoài;

- Giấy tờ xác nhận ưu tiên trong tuyển sinh (đối với trung cấp chính quy tuyển mới);

- Các tài liệu khác có liên quan.

e) Đối với dự tuyển giáo dục trung học phổ thông

- Công văn cử dự tuyển hoặc danh sách trích ngang;

- Chứng thực bản sao từ bản chính của giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;

- Biên bản xét duyệt tuyển sinh;

- Đơn xin dự tuyển;

- Phiếu khám sức khỏe;

- Lý lịch tự khai, thẩm tra lý lịch;

- Các tài liệu khác có liên quan.

g) Đối với dự tuyển đào tạo cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức cấp bằng cao cấp lý luận chính trị, hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị

- Công văn cử đào tạo hoặc danh sách trích ngang;

- Sơ yếu lí lịch có xác nhận của đơn vị;

- Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Các tài liệu khác có liên quan.

Điều 23. Tiếp nhận hồ sơ dự tuyển

1. Công an đơn vị, địa phương cử cán bộ trực tiếp nộp hồ sơ dự tuyển về trường Công an nhân dân.

2. Người dự tuyển có thể nộp hồ sơ dự tuyển trực tiếp cho trường Công an nhân dân đối với dự tuyển đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức cấp bằng cao cấp lý luận chính trị, hoàn thiện kiến thức tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị và các trường hợp khác theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công an.

3. Quá trình nộp hồ sơ, trường Công an nhân dân phải kiểm tra đầy đủ hồ sơ và có văn bản giao, nhận hồ sơ giữa hai bên.

  • Tham khảo thêm

Ngày:04/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM