Dự thảo về điều lệ trường trung học phổ thông và trường THPT có nhiều cấp học

 Điều lệ này áp dụng cho các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học), tổ chức và cá nhân có liên quan. Mời các bạn cùng tham khảo thêm

Dự thảo về điều lệ trường trung học phổ thông và trường THPT có nhiều cấp học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

DỰ THẢO 1

ĐIỀU LỆ

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư  số:    /2020/TT-BGDĐT ngày      /    /2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về tổ chức và quản lý nhà trường; chương trình và các hoạt động giáo dục; giáo viên, nhân viên; học sinh; tài chính và tài sản của trường; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

2. Điều lệ này áp dụng cho các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học), tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Vị trí của trường trung học trong hệ thống giáo dục quốc dân

Trường trung học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Điều 3. Tổ chức trường trung học

Tổ chức trường trung học gồm: Hội đồng trường, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng, Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng tư vấn, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chuyên môn, tổ hành chính, các lớp học sinh.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình của trường trung học

Trường trung học có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi, giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; huy động, sắp xếp các nguồn lực thực hiện kế hoạch giáo dục bảo đảm tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

3. Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông dành cho cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Công khai mục tiêu, nội dung các hoạt động giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục.

4. Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên theo quy định của pháp luật.

5. Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh; vận động học sinh đến trường; quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.

7. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục.

8. Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Nhà nước.

9. Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia hoạt động xã hội.

10. Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

11. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, người học, cơ quan quản lý và giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục mọi hoạt động theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Loại hình và hệ thống trường trung học

1. Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục

a) Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và Nhà nước trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và đảm điều kiện hoạt động, được thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

2. Các trường có một cấp học gồm:

a) Trường trung học cơ sở;

b) Trường trung học phổ thông.

3. Các trường phổ thông có nhiều cấp học gồm:

a) Trường tiểu học và trung học cơ sở;

b) Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông;

c) Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

4. Các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác gồm:

a) Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú;

b) Trường chuyên, trường năng khiếu;

c) Trường, lớp dành cho người khuyết tật;

d) Trường giáo dưỡng;

e) Các cơ sở giáo dục khác.

Điều 6. Tên trường, biển tên trường

1. Việc đặt tên trường được quy định như sau:

Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường.

2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, con dấu, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.

3. Biển tên trường ghi những nội dung sau:

a) Góc phía trên, bên trái:

- Đối với trường trung học có cấp học cao nhất là cấp trung học cơ sở:

Dòng thứ nhất: Uỷ ban Nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh và tên huyện (quận, thị xã, thành phố) thuộc tỉnh.

Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với trường trung học có cấp trung học phổ thông:

Dòng thứ nhất: Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Dòng thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo.

b) Ở giữa ghi tên trường theo quy định tại Điều 6 của Điều lệ này.

c) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại.

d). Chỉ những trường có vốn đầu tư nước ngoài mới đề tên biển trường quốc tế.

4. Tên trường và biển tên trường của trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

Điều 7. Phân cấp quản lý

1. Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) thành lập quản lý.

2. Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

3. Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

Điều 8. Tổ chức, hoạt động của trường trung học có cấp tiểu học, trường trung học chuyên biệt và trường trung học tư thục

1. Trường trung học có cấp tiểu học phải tuân theo các quy định của Điều lệ này và Điều lệ trường tiểu học.

2. Các trường trung học chuyên biệt, trường trung học tư thục quy định tại Điều 5 của Điều lệ này tuân theo các quy định của Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt, trường tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 9. Nội quy trường trung học

Trường trung học căn cứ quy định của Điều lệ này và các quy chế, điều lệ quy định tại Điều 8 của Điều lệ này (đối với trường trung học có cấp tiểu học, trường trung học chuyên biệt, trường trung học tư thục) để xây dựng nội quy của nhà trường.

Chương II

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRONG NHÀ TRƯỜNG

Điều 10. Chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục

1. Trường trung học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chủ trì tổ chức biên soạn, thẩm định, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; thực hiện khung kế hoạch thời gian năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường.

2. Căn cứ chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, nội dung giáo dục của địa phương, khung kế hoạch thời gian năm học và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông để điều hành hoạt động giáo dục.

34. Học sinh khuyết tật học hòa nhập được thực hiện kế hoạch dạy học linh hoạt phù hợp với khả năng của từng cá nhân và quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người  khuyết tật.

Điều 11. Sách giáo khoa, thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo

1. Sách giáo khoa và thiết bị dạy học sử dụng trong dạy học tại trường trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; sách giáo khoa do ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học sử dụng sách giáo khoa trong quá trình dạy và học; hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo qui định pháp luật.

2. Nhà trường lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động dạy học theo qui định hành.

Điều 12. Các hoạt động giáo dục

1. Các hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động.

2. Hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp được tiến hành thông qua việc dạy học các môn học bắt buộc, tự chọn và lựa chọn trong chương trình giáo dục của cấp học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp bao gồm các hoạt động ngoại khoá về khoa học, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống nhằm phát triển toàn diện và bồi dưỡng năng khiếu; các hoạt động vui chơi, tham quan, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục môi trường; hoạt động từ thiện và các hoạt động xã hội khác phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Điều 13. Hệ thống hồ sơ về hoạt động giáo dục

Hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lí hoạt động giáo dục trong trường gồm:

1. Đối với nhà trường:

a) Sổ đăng bộ;

b) Sổ theo dõi phổ cập giáo dục (đối với cấp trung học cơ sở);

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (bao gồm cả học sinh khuyết tật);

d) Sổ ghi đầu bài;

đ) Học bạ học sinh;

e) Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ;

g) Hồ sơ kiểm tra, đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và người lao động;

h) Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến;

i) Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện;

k) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính;

l) Hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh.

2. Đối với tổ chuyên môn:

a) Kế hoạch hoạt động chuyên môn;

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

3. Đối với giáo viên:

a) Kế hoạch giáo dục;

b) Kế hoạch bài học (giáo án);

c) Sổ theo dõi, đánh giá học sinh;

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

4. Trường trung học sử dụng hồ sơ, sổ sách qui định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng số hoá thay cho các loại hồ sơ, sổ sách giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ, sổ sách điện tử. Việc quản lý và lưu giữ hồ sơ, sổ sách điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.

5. Việc bảo quản hồ sơ của nhà trường được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Điều 14. Đánh giá kết quả học tập của học sinh

1. Học sinh được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo Quy chế đánh giá và xếp loại học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Việc đánh giá học sinh bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; đánh giá, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ. Không so sánh học sinh này với học sinh khác và không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

4. Học sinh học tiểu học ở trường phổ thông có nhiều cấp học học hết chương trình tiểu học, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận vào học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.

5. Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

6. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá kết quả học tập, giáo dục học sinh theo lộ trình phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đánh giá vì sự phát triển học sinh, đánh giá thúc đẩy đổi mới dạy học, giáo dục.

Điều 15. Giữ gìn và phát huy truyền thống nhà trường

1. Trường trung học có phòng truyền thống để giữ gìn những tài liệu, hiện vật có liên quan tới việc thành lập và phát triển của nhà trường để phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống nhà trường cho giáo viên, nhân viên và học sinh.

2. Mỗi trường có thể chọn một ngày trong năm làm ngày truyền thống của trường.

3. Học sinh cũ của trường được thành lập ban liên lạc để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, huy động các nguồn lực để giúp đỡ nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Điều 16. Phát triển văn hóa đọc

1. Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.

2. Trường trung học có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp, kĩ năng đọc và phát triển kĩ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh.

Điều 17. Hợp tác quốc tế

1. Khuyến khích các nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu với các cơ sở giáo dục, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.

Chương III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN

Điều 18. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông và kế hoạch giáo dục của nhà trường; chuẩn bị kế hoạch dạy học, đánh giá học sinh; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giáo dục.

4. Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.

5. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

6. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Thanh niên, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

Điều 19. Quyền của giáo viên

1. Giáo viên có những quyền sau đây:

a) Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo;

b) Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp theo quy định; được thay đổi chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề nghiệp; được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định;

c) Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác;

d) Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể;

đ) Được nghỉ hè theo quy định và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Giáo viên chủ nhiệm ngoài các quyền quy định tại khoản 1 của Điều này, còn có những quyền sau đây:

a) Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình;

b) Được dự các cuộc họp của Hội đồng khen thưởng và Hội đồng kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình;

c) Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm;

d) Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục;

đ) Được giảm giờ lên lớp hàng tuần theo quy định khi làm chủ nhiệm lớp.

Điều 20. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên và chuẩn nghề nghiệp giáo viên

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được quy định như sau:

a) Giáo viên trường trung học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm) hoặc có bằng cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học) chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định của từng cấp học;

b) Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải tham gia lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Chính phủ nếu thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, hoặc thực hiện theo quy định về việc sử dụng nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu không thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn của Chính phủ.

2. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Giáo viên trường trung học phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên tương ứng với cấp học đang giảng dạy và thực hiện việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

  • Tham khảo thêm

Ngày:03/09/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM