Dự thảo thông tư về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe

 Thông tư này quy định về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, bao gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Mời các bạn cùng tìm hiểu 

Dự thảo thông tư về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:       /2017/TT-BGTVT Hà Nội, ngày      tháng      năm 2017

DỰ THẢO

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ khoản 5 Điều 51 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, bao gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ bao gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và Trạm  kiểm tra tải trọng xe lưu động.

2. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định là trạm được xây dựng và trang bị hệ thống thiết bị đo lường cố định để kiểm tra tải trọng xe và kích thước bao, kích thước thùng chở hàng của xe; Trạm hoạt động thường trực 24/24 giờ.

3. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là Trạm được trang bị các thiết bị đo lường lưu động để kiểm tra tải trọng xe và kích thước bao, kích thước thùng chở hàng của xe.

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Chức năng: Trạm kiểm tra tải trọng xe là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ (sau đây viết tắt là phương tiện) đến an toàn đường bộ; kiểm tra phát hiện vi phạm, ngăn chặn việc lưu thông trên đường bộ và xử lý vi phạm đối với xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn về kích thước bao và kích thước thùng chở hàng; xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vi phạm (chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện; tổ chức, cá nhân xếp hàng lên phương tiện; tổ chức, cá nhân là chủ hàng).

2. Nhiệm vụ:

a) Kiểm tra các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận kiểm định);

b) Thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu trữ các số liệu liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện khi tham gia giao thông qua Trạm kiểm tra tải trọng xe hoặc trong phạm vi địa bàn khu vực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và công tác xử lý vi phạm để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc khi được yêu cầu.

3. Quyền hạn:

a) Phát hiệu lệnh để thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện, yêu cầu người điều khiển đưa phương tiện vào nơi quy định để kiểm tra khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu quá tải trọng, quá khổ giới hạn được phép tham gia giao thông trên đường bộ;

b) Yêu cầu người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện xuất trình: Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định, Giấy phép lưu hành xe đối với xe quân đội; Giấy đăng ký xe; Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ và các giấy tờ liên quan đến phương tiện và vận chuyển hàng hóa;

c) Thực hiện việc kiểm tra về tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ, khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông và khổ giới hạn của phương tiện (bao gồm cả hàng hóa, hành khách trên phương tiện) đối với phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ (trừ xe quân đội chở vũ khí, phương tiện, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); việc tuân thủ các quy định trong Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích tự hành trên đường bộ;

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trường hợp hành vi vi phạm ở mức phạt vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt;

đ) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân xếp hàng lên phương tiện trong phạm vi địa bàn quản lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt ở địa bàn hành chính nơi tổ chức, cá nhân xếp hàng lên phương tiện tổ chức kiểm tra, xử phạt;

e) Đình chỉ lưu hành phương tiện cho đến khi người vi phạm thực hiện xong các biện pháp khắc phục theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

f) Ngăn chặn, từ chối phục vụ đối với xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn theo quy định không lưu thông trên đường bộ, trừ xe có giấy phép lưu hành do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp;

g) Thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm khác theo thẩm quyền.

Điều 4. Phân loại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định bao gồm:

a) Trạm kiểm tra tải trọng xe thường xuyên có lực lượng chức năng, trong đó có Trạm kiểm tra tải trọng xe độc lập và Trạm kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí.

b) Trạm kiểm tra tải trọng xe không thường xuyên có lực lượng chức năng, trong đó có Trạm kiểm tra tải trọng xe độc lập và Trạm kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí.

2. Nguồn vốn đầu tư và quản lý, vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định.

a) Trạm kiểm tra tải trọng xe đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước và giao cho Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải quản lý và sử dụng.

b) Trạm kiểm tra tải trọng xe do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ) đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng.

3. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động

a) Trạm được đầu tư, trang bị bằng ngân sách Nhà nước và do Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải quản lý và sử dụng.

b) Trường hợp Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động dưới hình thức Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động (sau đây viết tắt là Tổ), Tổ sử dụng cân xách tay hoặc các biện pháp khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.

Điều 5. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý nhà nước đối với toàn bộ hệ thống Trạm kiểm tra tải trọng xe đặt trên quốc lộ, đường cao tốc; trực tiếp quản lý các Trạm kiểm tra tải trọng xe đặt trên quốc lộ, đường cao tốc được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trừ các Trạm đã ủy thác cho địa phương quản lý và các Trạm giao cho đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc quản lý.

2. Sở Giao thông vận tải quản lý đối với các Trạm đặt trên những đoạn, tuyến đường bộ do địa phương quản lý hoặc được ủy thác quản lý.

Điều 6. Các lực lượng hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của Trạm (sau đây gọi là lực lượng trực tiếp vận hành Trạm): các chức danh và số lượng biên chế cụ thể theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm tại Trạm (sau đây gọi là lực lượng chức năng) gồm: Thanh tra giao thông hoặc lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.

3. Lực lượng chức năng phối hợp (sau đây gọi là lực lượng phối hợp ) gồm: Kiểm soát quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cảnh sát giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã tại nơi đặt Trạm. Tùy vào điều kiện và tình hình hoạt động thực tế của từng Trạm, lực lượng phối hợp có thể gồm một, hai hoặc tất cả các lực lượng trên và được quy định cụ thể trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”.

4. Các lực lượng hoạt động tại Trạm làm việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và theo phân công trách nhiệm tại “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm” do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi đặt Trạm) ban hành đối với Trạm đặt trên quốc lộ, đường cao tốc hoặc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi đặt Trạm) ban hành đối với Trạm đặt trên đường bộ của địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị).

Điều 7. Các chức danh và biên chế của lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Các chức danh thuộc lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành Trạm bao gồm: Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, các nhân viên kỹ thuật và nhân viên khác của Trạm.

2. Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và lưu động trực thuộc Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, các chức danh Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng có thể là Thanh tra viên, Công chức thanh tra để kiêm nhiệm việc xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

3. Việc bổ nhiệm các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định sau:

a) Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với các Trạm do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý

b) Giám đốc Sở Giao thông vận tải đối với các Trạm do Sở Giao thông vận tải quản lý.

c) Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ đối với các Trạm do đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ đầu tư xây dựng và quản lý.

d) Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc đơn vị được giao quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ cao tốc đối với các Trạm đặt trên đường cao tốc do đơn vị được giao quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ cao tốc quản lý.

4. Biên chế của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các Trạm do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý) hoặc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải (đối với các Trạm do Sở Giao thông vận tải quản lý).

5. Đối với những Trạm do đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng, biên chế của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm do đơn vị đó phê duyệt trên cơ sở quy định trong các thỏa thuận về đầu tư xây dựng.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Trạm trưởng:

a) Chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của Trạm theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Phân công nhiệm vụ cho các Phó Trạm trưởng, Ca trưởng và nhân viên của Trạm;

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”;

d) Chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý Trạm và trước pháp luật về việc tổ chức, vận hành Trạm.

2. Phó Trạm trưởng:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng;

b) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”.

c) Chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về những hành vi của mình.

3. Ca trưởng và các nhân viên của Trạm:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng;

b) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”;

c) Chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về những hành vi của mình.

Điều 9. Trang phục, phù hiệu của các lực lượng hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Cán bộ, nhân viên, thành viên thuộc lực lượng chức năng và lực lượng phối hợp, trong khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc trang phục, đeo phù hiệu theo chức danh và quy định của từng ngành.

2. Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định về trang phục, phù hiệu của các chức danh thuộc lực lượng trực tiếp vận hành Trạm.

Điều 10. Kinh phí hoạt động của Trạm và chế độ chính sách đối với những người làm việc hoặc tham gia phối hợp hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Kinh phí hoạt động của Trạm được cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Đối với những Trạm do đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng, kinh phí hoạt động của Trạm sẽ được quy định cụ thể trong các thỏa thuận về đầu tư xây dựng Trạm.

2. Chế độ chính sách đối với những người làm việc hoặc tham gia phối hợp hoạt động tại Trạm:

a) Cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng trực tiếp vận hành Trạm được hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành;

b) Các thành viên thuộc lực lượng phối hợp được hưởng lương và phụ cấp do cơ quan cử người trả. Phụ cấp làm việc tại Trạm (nếu có) do cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm giải quyết theo quy định hiện hành.

Điều 11. Thời gian hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ; mỗi ngày chia thành 03 ca làm việc. Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm phải tạm ngừng hoạt động, Trạm trưởng phải có văn bản (hoặc gửi trước qua Fax) báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm. Thời gian báo cáo không được chậm quá 01 giờ, kể từ khi Trạm tạm ngừng hoạt động.

2. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động theo kế hoạch hoặc chỉ đạo của cấp quản lý có thẩm quyền.

12. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ

1. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trên quốc lộ, đường bộ cao tốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định trên cơ sở Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.

2. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên đường bộ địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải quản lý, thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ ủy thác, đường bộ địa phương và trên quốc lộ, đường bộ cao tốc khi có chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do Cục Quản lý đường bộ quản lý thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ, đường bộ cao tốc và đường bộ địa phương khi có chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Giao thông vận tải.

Điều 13. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng việc kiểm tra xe để thu giữ hàng hóa vận chuyển trên xe.

2. Sách nhiễu, gây phiền hà, nhận hối lộ của chủ xe, người điều khiển phương tiện hoặc người môi giới; có thái độ hống hách, thiếu văn hóa hoặc có hành vi gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe, tài sản của người điều khiển và người đi theo xe.

3. Môi giới, chỉ dẫn hoặc có hành động tiếp tay cho người điều khiển phương tiện nhằm trốn tránh việc bị kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn theo quy định của pháp luật.

4. Tác động, điều chỉnh làm sai lệch kết quả kiểm tra; sửa chữa làm sai lệch biên bản, hồ sơ vi phạm.

Điều 14. Trách nhiệm và tổ chức thực hiện

1. Các Trạm kiểm tra tải trọng xe được thống nhất về phần mềm, biểu mẫu báo cáo và được nối mạng về máy chủ (phần mềm giám sát và quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe do đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ đầu tư xây dựng, trước khi triển khai xây dựng đơn vị đầu tư xây dựng phải thống nhất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về mô hình Trạm, công nghệ, phần mềm, biểu mẫu báo cáo.

2. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

a) Triển khai thực hiện Thông tư này.

b) Tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

c) Định kỳ tháng, quý năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình, kết quả hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và đơn vị được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

a) Triển khai thực hiện Thông tư này trong phạm vi quản lý.

b) Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

c) Thường xuyên kiểm tra và thông báo tình hình cầu, đường trong phạm vi quản lý; đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thông báo và chỉ đạo hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, kịp thời phối hợp trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

d) Thanh tra Sở Giao thông vận tải và đơn vị được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, định kỳ tháng, quý năm, tổng hợp, báo cáo về Sở Giao thông vận tải về tình hình, kết quả hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe.

đ) Sở Giao thông vận tải và đơn vị được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, định kỳ tháng, quý, năm, tổng hợp, báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe về Cục Quản lý đường bộ khu vực.

e) Cục Quản lý đường bộ khu vực, định kỳ tháng, quý, năm, tổng hợp, báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Trách nhiệm của Trạm kiểm tra tải trọng xe

a) Thực hiện theo quy định của Thông tư này.

b) Định kỳ tháng, quý, năm báo cáo tình hình, kết quả hoạt động về cơ quan trực tiếp quản lý.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày       tháng        năm 2017 và thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng giám đốc các Ban Quản lý dự án, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc, Giám đốc các đơn vị được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư, quản lý và vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Như khoản 2 Điều 15;

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng TTĐT Bộ GTVT;

- Báo GT, Tạp chí GTVT;

- Lưu: VT, KCHT (50).

BỘ TRƯỞNG




Trương Quang Nghĩa

 

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM