Dự thảo thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư số 38/2018/TT-BTC

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư số 38/2018/TT-BTC

BỘ TÀI CHÍNH
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:     /2019/TT-BTC Hà Nội, ngày     tháng    năm 2019

DỰ THẢO

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI THÔNG TƯ SỐ 38/2018/TT-BTC NGÀY 20/4/2018 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH VỀ XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm III Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp

chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan ban hành kèm theo Phụ lục II quy định tại khoản 2 Điều 4 như sau:

“Đối với mặt hàng ô tô: Chương 87, trừ:

Xe ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô đầu kéo container;

Xe ô tô nhập khẩu thuộc diện quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển; hàng viện trợ của nước ngoài; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học;

Xe ô tô nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất; chuyển khẩu; gửi kho ngoại quan; quá cảnh.”

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 4 như sau:

“b) Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều này thì hàng hóa không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b, điểm c khoản 1Điều này, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định.”

Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm mục đích áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, qua kiểm tra, đối chiếu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan xác định hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu hoặc hàng hóa được bảo quản nguyên trạng vận chuyển qua một hoặc nhiều nước không phải thành viên vì lý do địa lý hoặc do có yêu cầu liên quan trực tiếp đến vận tải nhưng chứng từ chứng nhận xuất xứ chưa phù hợp về thể thức theo quy định để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt thì thực hiện thông quan hàng hóa; hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN). Thủ tục xác minh hoặc từ chối thực hiện theo quy định tại Điều 19 hoặc Điều 22 Thông tư 38/2018/TT-BTC. Trường hợp tiến hành từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan lưu 01 bản chụp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ hải quan.

Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không nhằm mục đích áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, qua kiểm tra, đối chiếu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan xác định hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu hoặc vận chuyển qua một hoặc nhiều nước vì lý do địa lý hoặc do có yêu cầu liên quan trực tiếp đến vận tải và có sự khác biệt về nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với hồ sơ hải quan nhưng không làm ảnh hưởng đến xuất xứ hàng hóa thì chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để thực hiện thông quan hàng hóa theo quy định.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 6 Điều 15 như sau:

“h) Sự khác biệt mã số HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số HS trên tờ khai hải quan nhập khẩu được xác định là khác biệt nhỏ trong trường hợp mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với mô tả hàng hóa khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu và hàng hóa khai theo mã số HS trên tờ khai hải quan nhập khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định.

Trường hợp có sự khác biệt mã số HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số HS trên tờ khai hải quan nhập khẩu nhưng cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định thì thực hiện thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 19 Thông tư 38/2018/TT-BTC.

Trường hợp có sự khác biệt mã số HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số HS trên tờ khai hải quan nhập khẩu, cơ quan hải quan xác định hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.”

4. Bổ sung Điều 7a như sau:

“Điều 7a. Chứng từ chứng nhận xuất xứ để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP).

1. Việc khai, nộp, kiểm tra, xác minh, từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để thực hiện Hiệp định CPTPP thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC.

2. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan gồm 01 trong 02 loại chứng từ sau:

a) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do người xuất khẩu, người sản xuất phát hành: 01 bản chính;

b) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu: 01 bản chính.

Cơ quan hải quan chấp nhận C/O trong trường hợp đã nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O nước thành viên xuất khẩu về việc áp dụng hình thức này.

Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Tổng cục Hải quan thông báo danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của nước xuất khẩu trên cổng thông tin điện tử hải quan.

3. Nội dung và hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:

a) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có các thông tin tối thiểu sau:

a1) Người xuất khẩu hoặc người sản xuất: nêu rõ người chứng nhận là người xuất khẩu, người sản xuất theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

a2) Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người chứng nhận;

a3)  Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận;

Thông tin này không bắt buộc nếu người sản xuất cấp giấy chứng nhận xuất xứ và không biết danh tính của người xuất khẩu. Địa chỉ của người xuất khẩu là nơi xuất khẩu hàng hóa trong một nước CPTPP;

a4) Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ e-mail của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc ghi “Various” ("Nhiều người sản xuất”) hoặc cung cấp một danh sách người sản xuất nếu có nhiều hơn một người sản xuất. Nếu thông tin cần phải giữ bí mật có thể ghi “Available  upon  request  by the importing authorities” (“Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu”). Địa chỉ của người sản xuất là nơi sản xuất của hàng hóa trong một nước CPTPP;

a5)  Tên, địa chỉ, địa chỉ e-mail và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có). Địa chỉ của người nhập khẩu phải nằm trong một nước CPTPP;

a6) Mô tả và mã số HS của hàng hóa;

Ghi rõ mô tả về hàng hóa và mã số HS ở cấp độ 6 chữ số của hàng hóa;

Mô tả phải phù hợp với hàng hóa được chứng nhận và nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ chỉ bao gồm một lô hàng duy nhất của một mặt hàng thì phải nêu rõ số hóa đơn liên quan đến việc xuất khẩu (nếu biết);

a7)  Tiêu chí xuất xứ: Nêu cụ thể quy tắc xuất xứ mà hàng hóa đáp ứng;

a8) Thời hạn (Blanket period)

Trong trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ bao gồm nhiều lô hàng của hàng hóa giống hệt nhau thì phải thể hiện thời gian cụ thể nhưng không quá 12 tháng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

a9) Ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền:

Chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được người chứng nhận ký và ghi ngày tháng năm và kèm theo xác nhận sau:

Tôi xác nhận rằng hàng hóa được mô tả trong tài liệu này thỏa mãn điều kiện có xuất xứ và các thông tin có trong tài liệu này là chính xác và đúng sự thật. Tôi chịu trách nhiệm chứng minh điều này và đồng ý lưu trữ, xuất trình các tài liệu chứng minh cho việc chứng nhận này theo yêu cầu hoặc trong quá trình xác minh tại trụ sở (I certify that the goods described in this document qualify as originating and the information contained in this document is true and accurate. I assume responsibility for proving such representations and agree to maintain and present upon request or to make available during a verification visit, documentation necessary to support this certification).

b) Được cấp ở dạng văn bản hoặc bản điện tử;

c) Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

4. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được cấp hoặc phát hành cho:

a) Từng lô hàng nhập khẩu; hoặc

b) Nhiều lô hàng giống hệt nhau được nhập khẩu trong khoảng thời gian được ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với điều kiện cùng 01 người nhập khẩu.

5. Hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành.

6. Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp hoá đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên.

Trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải tách biệt với hóa đơn thương mại đó.

7. Thủ tục khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để xử lý số tiền thuế nộp thừa theo đề nghị của người khai hải quan đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm làm thủ tục hải quan:

a) Khai rõ xuất xứ hàng hóa và đề nghị chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu;

b) Khai bổ sung và nộp 01 bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

c) Cung cấp chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng nguyên trạng xuất xứ trong trong trường hợp hàng hóa vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều nước không phải thành viên theo quy định tại khoản 10 Điều này.

8. Cơ quan hải quan từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Xác định hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định;

b) Khi tiến hành kiểm tra, xác minh mà không nhận được đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa có xuất xứ theo quy định;

c) Người xuất khẩu hoặc người sản xuất không trả lời văn bản yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định;

d) Người xuất khẩu hoặc người sản xuất không gửi văn bản đồng ý trong trường hợp nhận được thông báo về việc kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất theo quy định; hoặc

đ) Người xuất khẩu hoặc người sản xuất không đáp ứng các quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 22/1/2019 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Thông tư số 03/2019/TT-BCT) và Điều này.

Trước khi thông báo từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan phải thông báo kết quả kiểm tra, xác minh cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất biết. Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất có ít nhất 30 ngày để cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, cơ quan hải quan thông báo lý do cho người nhập khẩu biết.

9. Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC và Điều 27 Thông tư số 03/2019/TT-BCT.

10. Chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện vận tải trực tiếp theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 03/2019/TT-BCT thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …..tháng…..năm 2019.

2. Đối với các tờ khai hải quan nhập khẩu, xuất khẩu đã đăng ký từ ngày 14/01/2019 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được áp dụng các quy định tại Thông tư này để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định tại Hiệp định CPTPP.

3. Cơ quan hải quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế báo cáo, phản ánh, đề xuất cụ thể về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn thực hiện.

4. Quá trình thực hiện nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;

- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Quốc Hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Tòa án Nhân dân Tối cao;

- Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;

- Công báo;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ Tài chính;

- Website Tổng cục Hải quan;

- Lưu: VT; TCHQ (179b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 
Ngày:05/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM