Dự thảo 2 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mời các bạn cùng tham khảo thêm nhé.
Mục lục nội dung
CHÍNH PHỦ -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: /2019/NĐ-CP | Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
DỰ THẢO 2
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI; PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI; PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY; PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật cư trú ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú ngày 20 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật bảo vệ bí mật nhà nước ngày 12 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính.
2. Công dân Việt Nam, người thường trú ở Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và cá nhân, tổ chức có liên quan.
4. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).
3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định;
b) Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;
c) Buộc sắp xếp lại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định;
d) Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy tờ, tài liệu, thông tin liên quan đến vi phạm hành chính;
đ) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;
e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Chương II Nghị định này.
4. Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung.
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Tổ chức quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
4. Hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Mục 1. VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm b Khoản 5 Điều này;
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư;
d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực sân bay hoặc khu vực cấm;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;
g) Đốt và thả đèn trời.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định này;
b) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
d) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
đ) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm;
e) Tàng trữ, vận chuyển đèn trời.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Gây rối trật tự tại phiên toà, nơi thi hành án, nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;
c) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;
đ) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;
e) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
g) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
h) Tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
i) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
k) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mang theo hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương trong người, đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương;
c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, d và đ Khoản 2; Điểm e Khoản 3, Điểm i, k Khoản 4; Khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, e Khoản 2, Điểm b, c Khoản 3 và Điểm k Khoản 4 Điều này;
c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, đ Khoản 3 và Điểm i, k Khoản 4 Điều này;
d) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3, Điểm d, đ, i Khoản 4 Điều này (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).
8. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm e, i Khoản 4 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 6. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc quét dọn rác, khai thông cống rãnh xung quanh nhà ở, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh trại do mình quản lý gây ứ đọng, ngập úng mất vệ sinh chung;
b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung;
c) Tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu dân cư, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Treo, đặt, dán quảng cáo, phun sơn số điện thoại, phun sơn quảng cáo, viết, vẽ hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;
b) Để gia súc, gia cầm, vật nuôi khác phóng uế ở nơi công cộng;
c) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đổ rác, chất thải hoặc vật khác trên lòng đường, vỉa hè, đường phố, ao, đầm, hồ hoặc vào hố ga, hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị;
b) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc vật khác làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng hoặc nơi có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt;
c) Lấy, vận chuyển rác, chất thải, bùn, đất, cát, đá hoặc vật khác trong khu đô thị để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh môi trường.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Điểm b, c Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tẩy, xoá, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú;
c) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn hoặc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định;
đ) Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở khác có người lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú từ 01 đến 03 khách lưu trú;
e) Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;
g) Đưa cầm cố, thế chấp hoặc nhận cầm cố, nhận thế chấp Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả;
b) Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó;
c) Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở khác có người lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú từ 04 đến 08 khách lưu trú;
d) Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để đăng ký thường trú;
đ) Sử dụng hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật để đăng ký thường trú;
e) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở;
g) Người đứng tên chủ hộ hoặc người đang giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không cho người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được sử dụng sổ để giải quyết công việc theo quy định của pháp luật;
h) Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khai báo gian dối, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả hoặc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, tạm trú;
c) Cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở khác có người lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú từ 09 khách lưu trú trở lên.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2; Điểm a Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cho cơ quan, người có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Buộc hủy bỏ thông tin, tài liệu sai sự thật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm c, e, g Khoản 2 và Điểm b Khoản 3 Điều này;
d) Buộc hủy bỏ hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật để nhập hộ khẩu quy định tại Điểm d, đ Khoản 3 Điều này;
đ) Buộc cung cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cho người có tên trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sử dụng đối với hành vi quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều này.
Điều 9. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân của người khác;
b) Tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành khai báo gian dối, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
b) Sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2, Khoản 3 và Điểm a, b Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.
Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
b) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
c) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
d) Sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
đ) Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao;
b) Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
c) Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
d) Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền;
đ) Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật;
e) Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho người không đủ điều kiện sử dụng theo quy định;
g) Phân công người không đủ điều kiện theo quy định để quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;
h) Không bố trí kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định;
i) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;
k) Không xuất trình, giao nộp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;
c) Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam;
d) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức;
đ) Mua, bán, sử dụng, tàng trữ vận chuyển, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn và các loai vật liệu nổ khác để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo;
e) Mua, bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
g) Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
h) Bán tiền chất thuốc nổ là Amon nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên cho tổ chức, doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
i) Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
k) Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
l) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo nổ trái phép;
m) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật;
n) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đổi với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
c) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự hoặc các chi tiết, cụm chi tiết đế sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự;
d) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;
đ) Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
e) Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;
g) Làm mất vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ;
h) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, sản xuất, trang bị, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;
b) Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;
c) Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ;
d) Bán vật liệu nổ công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ chưa được quy định tại Điều này thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
7. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm d, đ Khoản 1; Điểm a, c, đ, e, i Khoản 2; Điểm a, c, đ, e, g, h, k, m, n Khoản 3; Điểm a, b, c, d, đ, e, h Khoản 4; Khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, Giấy xác nhận sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm đ, e Khoản 2 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b Khoản 2; Điểm b, 1, m Khoản 3 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----
Tham khảo thêm
- doc Dự thảo nghị định về quy định thanh toán không dùng tiền mặt
- doc Dự thảo nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
- doc Dự thảo nghị định về giao dịch công cụ nợ chính phủ
- doc Dự thảo 2 nghị định quy định về bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia