Dự thảo nghị định về quy định đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe

 Hình thức, khối lượng học tập tối thiểu và thời gian đào tạo; yêu cầu đối với cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành; hồ sơ đăng ký và quy trình giao nhiệm vụ đào tạo; văn bằng và chứng chỉ; bảo đảm điều kiện tài chính; quyền và trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giảng viên và học viên đối với đào tạo chuyên khoa và chuyên khoa sâu (sau đây viết tắt là chuyên khoa) trong lĩnh vực sức khỏe. Mời các bạn cùng tìm hiểu. 

Dự thảo nghị định về quy định đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2019

DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO CHUYÊN KHOA TRONG LĨNH VỰC SỨC KHỎE

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Khung cơ cấu giáo dục đại học trong lĩnh vực sức khoẻ; các bậc trình độ giáo dục đại học trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ.

2. Hình thức, khối lượng học tập tối thiểu và thời gian đào tạo; yêu cầu đối với cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành; hồ sơ đăng ký và quy trình giao nhiệm vụ đào tạo; văn bằng và chứng chỉ; bảo đảm điều kiện tài chính; quyền và trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giảng viên và học viên đối với đào tạo chuyên khoa và chuyên khoa sâu (sau đây viết tắt là chuyên khoa) trong lĩnh vực sức khỏe.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ, các bệnh viện, các viện đủ điều kiện được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa, các cơ sở thực hành đào tạo chuyên khoa lĩnh vực sức khỏe; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhân lực y tế; các cá nhân đã tốt nghiệp trình độ đại học và sau đại học khối ngành sức khoẻ có nhu cầu được đào tạo chuyên khoa lĩnh vực sức khỏe.

Điều 3. Nguyên tắc chung

Nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vức sức khỏe đảm bảo các nguyên tắc:

1. Kế thừa, tiếp nối các quy định đảm bảo chất lượng, uy tín trong đào tạo chuyên khoa, nội trú trước đây.

2. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo để đạt được các năng lực thực hành nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

3. Bảo đảm sự an toàn, tôn trọng và giữ bí mật thông tin cho người sử dụng dịch vụ y tế khi đào tạo chuyên khoa tại các cơ sở y tế.

4. Phù hợp cơ cấu nhân lực, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Đào tạo chuyên khoa là loại hình đào tạo cho người đã tốt nghiệp các chương trình giáo dục đại học khối ngành sức khoẻ có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ để có năng lực đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ, nghiên cứu ứng dụng, làm việc chuyên nghiệp, độc lập với vai trò là chuyên gia theo một phạm vi hoạt động chuyên môn trong hệ thống y tế.

2. Đào tạo chuyên khoa sâu là loại hình đào tạo cho những người đã tốt nghiệp các chương trình giáo dục đại học khối ngành sức khỏe hoặc chương trình đào tạo chuyên khoa, đang làm việc chuyên môn có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ để có năng lực đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ, nghiên cứu ứng dụng, làm việc chuyên nghiệp, độc lập với vai trò là một chuyên gia theo một phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên sâu trong hệ thống y tế.

Chương II

KHUNG CƠ CẤU VÀ BẬC TRÌNH ĐỘ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG LĨNH VỰC SỨC KHOẺ

Điều 5. Khung cơ cấu giáo dục đại học trong lĩnh vực sức khoẻ

1. Chương trình đào tạo trình độ đại học trong lĩnh vực sức khỏe phải có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương đương với 04 năm học tập trung.

Người tốt nghiệp trình độ đại học có thể học tiếp lên thạc sĩ theo quy định hiện hành hoặc có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

2. Các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Các chương trình đào tạo ngành Y khoa, ngành Răng Hàm Mặt, ngành Dược, chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ phải có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ tương đương với 02 năm học tập trung và đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia (không bao gồm quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề).

Người tốt nghiệp trình độ đào tạo tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ có thể học tiếp lên tiến sĩ hoặc có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu tương đương trình độ bậc 8 nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

4. Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo quy định hiện hành.

5. Các chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 8 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ phải có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương đương với 03 năm học tập trung và đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia (không bao gồm quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề).

6. Các chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để bổ sung/thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn phải có khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ tương đương với 06 tháng học tập trung (không bao gồm quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề).

Điều 6. Các bậc trình độ giáo dục đại học trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ

1. Bậc 6

a) Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diệnvề ngành được đào tạo trong lĩnh vực sức khoẻ; kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của ngành được đào tạo trong lĩnh vực sức khoẻ; kiến thức về quản lý, điều hành, lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong hoạt động chung và chuyên môn của của ngành được đào tạo; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp về ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp về ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo; có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức, thuộc ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo, giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ.

b) Bậc 6 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương đương với 04 năm học tập trung. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 được cấp bằng cử nhân.

2. Bậc 7

a) Đối với người được cấp bằng thạc sĩ: xác nhận trình độ đào tạo và khối lượng học tập tối thiểu theo quy định hiện hành;

b) Đối với người đã hoàn thành chương trình đào tạo ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Dược tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ:

- Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu, rộng ở mức độ làm chủ kiến thức trong phạm vi của ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo, có kiến thức liên ngành liên quan và kiến thức chung về quản trị quản lý; có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề của ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo một cách khoa học và tiên tiến; có kỹ năng nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ về cả học thuật và nghề nghiệp; kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức trong ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ, có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường lĩnh vực sức khoẻ có nhiều thay đổi; có khả năng hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ quản lý, đánh giá, cải tiến để năng cao hiệu quả hoạt động của ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ.

- Chương trình đào tạo ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Dược để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 tiếp nhận người đã hoàn thành chương trình bậc 6 có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ và đã được cấp bằng cử nhân ở ngành tương ứng.

- Chương trình đào tạo Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Dược để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ (không bao gồm quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề). Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 được cấp bằng Bác sĩ (đối với ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt), được cấp bằng Dược sĩ (đối với ngành Dược).

c) Đối với người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu (đối với các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, nhóm ngành Kỹ thuật Y học và các ngành khác trong lĩnh vực sức khoẻ) tương đương bậc 7 trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ:

- Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu, rộng ở mức độ làm chủ kiến thức trong phạm vi của ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo, có kiến thức liên ngành liên quan và kiến thức chung về quản trị quản lý; có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề của ngành trong lĩnh vực sức khoẻ được đào tạo một cách khoa học và tiên tiến; có kỹ năng nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ về cả học thuật và nghề nghiệp; kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức trong ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ, có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường lĩnh vực sức khoẻ có nhiều thay đổi; có khả năng hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ quản lý, đánh giá, cải tiến để năng cao hiệu quả hoạt động của ngành được đào tạo lĩnh vực sức khoẻ.

- Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức khoa học cơ bản vững và kiến thức cơ sở của các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ, lý thuyết chuyên sâu; kiến thức chuyên ngành có hệ thống; có kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành/ hành nghề cao nhằm mục đích đào tạo nhân lực y tế có khả năng thực hành trong một chuyên ngành rộng và sâu để có thể tự học vươn lên trở thành các chuyên gia trong thực hành/hành nghề và chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực sức khoẻ.

- Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, nhóm ngành Kỹ thuật Y học và các ngành khác trong lĩnh vực sức khoẻ để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 tiếp nhận người đã hoàn thành chương trình bậc 6 có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ và đã được cấp bằng cử nhân ở ngành tương ứng.

- Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, nhóm ngành Kỹ thuật Y học và các ngành khác trong lĩnh vực sức khoẻ để được công nhận tương đương trình độ bậc 7 có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ (không bao gồm quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề). Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 được cấp bằng chuyên khoa, chuyên khoa sâu.

3. Bậc 8

a) Đối với người được cấp bằng tiến sĩ xác nhận trình độ đào tạo và khối lượng học tập tối thiểu theo quy định hiện hành;

b) Đối với người đã hoàn thành chương trình đào tạo tương đương bậc 8 (chuyên khoa, chuyên khoa sâu) trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ:

- Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế và có lý thuyết chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của chuyên khoa, chuyên khoa sâu được đào tạo trong lĩnh vực sức khoẻ; có kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo tri thức mới; có kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức, có khả năng xây dựng mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong quản lý, điều hành hoạt động chuyên khoa, chuyên khoa sâu; thể hiện năng lực sáng tạo, có khả năng tự định hướng và dẫn dắt chuyên môn, khả năng đưa ra các kết luận, khuyến cáo khoa học mang tính chuyên gia.

- Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức khoa học cơ bản vững và kiến thức cơ sở của các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ, lý thuyết chuyên sâu; kiến thức chuyên ngành có hệ thống; có kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành/ hành nghề cao nhằm mục đích đào tạo nhân lực y tế có khả năng thực hành trong một chuyên ngành rộng và sâu để có thể tự học vươn lên trở thành các chuyên gia bậc cao trong thực hành/hành nghề và chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn thuộc chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực sức khoẻ.

- Chương trình đào tạo tương đương bậc 8 (chuyên khoa, chuyên khoa sâu) trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ để được công nhận tương đương trình độ bậc 8 tiếp nhận người đã hoàn thành chương trình bậc 7 có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ và đã được cấp bằng bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên khoa, chuyên khoa sâu ở ngành tương ứng.

- Chương trình đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ để được công nhận tương đương trình độ bậc 8 có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ (không bao gồm quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề). Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 được cấp bằng chuyên khoa, chuyên khoa sâu.

Chương III

HÌNH THỨC, KHỐI LƯỢNG HỌC TẬP TỐI THIỂU VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO

Điều 7. Hình thức, loại hình đào tạo

Đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu và đào tạo để bổ sung/thay thế phạm vi hoạt động chuyên môn được thực hiện theo hình thức chính quy tập trung bao gồm:

1. Đào tạo chuyên khoa: hệ nội trú, hệ tập trung.

2. Đào tạo chuyên khoa sâu: hệ tập trung.

3. Đào tạo để bổ sung/thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn: hệ tập trung.

Điều 8. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo

1. Đào tạo chuyên khoa đối với các ngành tuyển sinh đầu vào là ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt:

a) Hệ nội trú: khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương ứng với 04 năm học tập trung, bao gồm cả quá trình thực hành để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề và luận văn tốt nghiệp;

b) Hệ tập trung:

- Khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương ứng với 03 năm học tập trung đối với người đã có chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả luận văn tốt nghiệp;       - Khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ tương ứng với 04 năm học tập trung đối với người chưa có chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả luận văn tốt nghiệp.

2. Đào tạo chuyên khoa đối với các ngành tuyển sinh đầu vào là các ngành còn lại:

Khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ tương ứng với 06 tháng học tập trung. Đối với các chương trình có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ tương ứng với 02 năm học tập trung phải có thời lượng dành cho luận văn tốt nghiệp.

3. Đào tạo chuyên khoa sâu:

a) Đối với các ngành tuyển sinh đầu vào là các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ tương ứng với 02 năm học tập trung;

b) Đối với các ngành tuyển sinh đầu vào là các ngành còn lại: có khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ tương ứng với 06 tháng học tập trung.

4. Đào tạo để bổ sung/thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn: có khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ tương ứng với 06 tháng học tập trung.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục mã số đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu và khối lượng học tập tối thiểu cho từng ngành/chuyên ngành đào tạo.

Chương IV

YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ SỞ ĐÀO TẠO

Điều 9. Cơ sở đào tạo là đại học, trường đại học, học viện đăng ký đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Đã được giao nhiệm vụ và đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu đào tạo trình độ đại học ngành tương ứng theo đúng quy định hiện hành.

2. Đã có ít nhất 01 (một) khóa sinh viên trình độ đại học ngành tương ứng tốt nghiệp.

3. Có ít nhất 05 (năm) giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trình độ chuyên khoa cấp II sau đại học hoặc tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề (đối với những ngành có yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh), có ít nhất 5 năm kinh nghiệm phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo và đang làm việc thường xuyên tại cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo; các giảng viên cơ hữu nói trên không trong danh sách giảng viên để đăng ký mở ngành đào tạo ở các ngành/chuyên ngành, trình độ và loại hình đào tạo khác của cơ sở đào tạo.

4. Có cơ sở thực hành để thực hiện toàn bộ chương trình đào tạo và đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành.

5. Với các ngành/chuyên ngành chưa đào tạo chuyên khoa cấp II sau đại học, chưa có giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, nếu chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu phù hợp trong độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 3 Điều này thì có th ểthay th ếbằng chuyên khoa cấp II, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của ngành gần. Các giảng viên của ngành gần này phải có kinh nghiệm giảng dạy trình đ ộsau đại học ít nhất 05 (năm) năm và có ít nhất 02 (hai) công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo đã công bố trong 05 (năm) năm tính đến ngày cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về danh mục các ngành gần của các ngành/chuyên ngành đào tạo chuyên khoa và công trình khoa học được quy định tại khoản 5 của Điều này.

Điều 10. Cơ sở đào tạo là bệnh viện hạng đặc biệt, viện/bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đăng ký đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Là cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu cùng ngành/chuyên ngành đăng ký đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu quy định tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe với ngành tương ứng.

2. Có ít nhất 05 (năm) cán bộ cơ hữu trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo, đang làm việc thường xuyên tại bệnh viện; các giảng viên cơ hữu nói trên không trong danh sách giảng viên để đăng ký mở ngành đào tạo ở các ngành/chuyên ngành, trình độ và loại hình đào tạo khác của cơ sở đào tạo.

3. Có các khoa, phòng, đơn vị chuyên môn bảo đảm thực hiện 100% chương trình thuộc khối kiến thức ngành/chuyên ngành của chương trình đào tạo.

4. Có hợp đồng với ít nhất 01 cơ sở đào tạo đang đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu để bảo đảm thực hiện các môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở, hỗ trợ trong trường hợp bệnh viện, viện không có đủ người đáp ứng điều kiện để giảng dạy các môn học/học phần đó.

Điều 11. Cơ sở đào tạo là các Viện tuyến Trung ương thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng và Y tế công cộng đăng ký đào tạo chuyên khoa phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Là cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu cùng ngành/chuyên ngành đăng ký đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

2. Có ít nhất 05 (năm) cán bộ cơ hữu trong độ tuổi lao động trình độ chuyên khoa cấp II sau đại học hoặc tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có ít nhất 5 năm kinh nghiệm phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo,đang làm việc thường xuyên tại viện; các giảng viên cơ hữu nói trên không trong danh sách giảng viên để đăng ký mở ngành đào tạo ở các ngành/chuyên ngành, trình độ và loại hình đào tạo khác của cơ sở đào tạo.

3. Có các khoa, phòng, đơn vị chuyên môn đảm bảo thực hiện 100% chương trình thuộc khối kiến thức ngành/chuyên ngành của chương trình đào tạo.

4. Có hợp đồng với ít nhất 01 cơ sở đào tạo đang đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu để bảo đảm thực hiện các môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở, hỗ trợ trong trường hợp viện không có đủ người đáp ứng điều kiện để giảng dạy các môn học/học phần đó.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:05/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM