Đo chức năng hô hấp tại nhà - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Đo chức năng hô hấp tại nhà là thủ thuật sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh hoặc hô hấp ký tại nhà để theo dõi và đánh giá những triệu chứng hô hấp mà bạn đang mắc phải. Vậy trong quá trình thực hiện cần lưu ý những gì? Kết quả có ý nghĩa như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây, mời các bạn tham khảo!

Đo chức năng hô hấp tại nhà - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên kĩ thuật y tế: Đo chức năng hô hấp tại nhà

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Phổi

Đo chức năng hô hấp tại nhà là gì?

Đo chức năng hô hấp tại nhà là thủ thuật sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh hoặc hô hấp ký tại nhà để theo dõi và đánh giá những triệu chứng hô hấp mà bạn đang mắc phải. Máy đo lưu lượng đỉnh cho phép bạn đo lưu lượng thở ra đỉnh (PEF). Hô hấp ký tại nhà cho phép bạn đo lường thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu (FEV1).

Nếu bạn có bệnh phổi, chẳng hạn như hen suyễn, bác sĩ có thể đo lưu lượng hít vào đỉnh (PIF) và lưu lượng thở ra đỉnh (PEF) để đánh giá lượng khí bạn có thể hít vào và thở ra. Đây cũng là hai thông số nằm trong bộ đo chức năng hô hấp.

Khi nào bạn nên thực hiện đo chức năng hô hấp tại nhà?

Đo lưu lượng thở ra đỉnh (PEF) hoặc thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu (FEV1) tại nhà có thể giúp:

Đo lường khả năng hoạt động của hệ hô hấp nếu bạn có bệnh phổi mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn. Điều chỉnh kế hoạch điều trị và theo dõi hiệu quả điều trị hen. Thiết bị đo lưu lượng thở ra đỉnh cung cấp thông tin để giúp bệnh nhân hen biết khi nào thì nên thay đổi liều thuốc để khống chế bệnh tốt hơn. Theo dõi chức năng hô hấp nếu bạn tiếp xúc với các chất gây tổn thương phổi tại nơi làm việc (hen suyễn nghề nghiệp). Theo dõi các dấu hiệu sớm của thải ghép nếu bạn đã được ghép phổi.

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện đo chức năng hô hấp tại nhà?

PEF thấp nhất về sáng và cao nhất vào buổi chiều. Nếu bạn chỉ đo PEF một lần mỗi ngày thì hãy đo vào sáng sớm mới ngủ dậy trước khi dùng các thuốc giãn phế quản.

Bệnh nhân có hen từng cơn hoặc hen kéo dài mức độ nhẹ có thể không cần đo PEF mỗi ngày. Nhưng nếu triệu chứng gia tăng nặng hơn, bạn cần phải đo PEF trong một khoảng thời gian để từ đó có thể giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị như thế nào.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện đo chức năng hô hấp tại nhà?

Để đo lưu lượng thở ra đỉnh, bạn cần có máy đo lưu lượng đỉnh. Máy đo lưu lượng đỉnh là một thiết bị cầm tay giá rẻ. Cách đo là bạn chỉ cần thở vào đó nhanh và mạnh nhất có thể.

Đọc và làm theo các chỉ dẫn đi kèm với máy. Yêu cầu bác sĩ chỉ cho bạn cách sử dụng trước khi bạn dùng nó tại nhà. Nếu bạn có thắc mắc về cách sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh hoặc cách đọc kết quả, hãy tham khảo với bác sĩ. Tránh ăn quá nhiều trong vòng 3 giờ trước khi đo PEF. Hãy ngồi thẳng hoặc đứng để giúp bạn thở được sâu nhất có thể. Ở những lần sau, bạn phải ngồi hoặc đứng tư thế giống ban đầu để đo, làm như vậy thì kết quả mới chính xác và có thể so sánh giữa các lần với nhau. Chỉ số lưu lượng đỉnh phụ thuộc vào việc bạn thở gắng sức nhất có thể. Để có kết quả chính xác, hãy chắc chắn rằng bạn nỗ lực hết sức mỗi lần đo.

Quy trình thực hiện đo chức năng hô hấp tại nhà như thế nào?

Trước khi bắt đầu đo lưu lượng thở ra đỉnh, nhả kẹo cao su hoặc thức ăn mà bạn đang nhai ra. Thực hiện theo những bước sau để sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh:

Đặt số chỉ trên dồng hồ của máy về lại mức 0; Gắn miếng ngậm vào máy đo lưu lượng đỉnh; Đứng hoặc ngồi thẳng để để thuận tiện cho bạn hít thở sâu nhất có thể. Dù ở tư thế nào cũng phải đảm bảo rằng bạn sử dụng cùng một tư thế đó cho mỗi lần đo PEF; Hít vào thật sâu. Đặt miếng ngậm của máy vào miệng và ngậm chặt môi quanh viền của miếng. Đừng đưa lưỡi vào trong miếng ngậm; Thở ra nhanh và mạnh nhất có thể; Ghi lại trị số trên đồng hồ; Di chuyển số chỉ trên mặt đồng hồ về lại mức 0 trước khi bạn bắt đầu thổi lại; Thổi vào máy thêm 2 lần nữa. Ghi lại giá trị mỗi lần thổi. Nếu bạn ho hoặc gặp lỗi trong quá trình đo, hãy làm lại; Sau khi bạn đã thổi vào máy đo lưu lượng đỉnh đủ 3 lần, ghi lại giá trị cao nhất vào bảng theo dõi hàng ngày.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện đo chức năng hô hấp tại nhà?

Trò chuyện với bác sĩ hoặc đọc thông tin đi kèm trên máy đo lưu lượng đỉnh để tìm ra khoảng giá trị bình thường của bạn, trị số này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh lý mà bạn mắc phải. Nếu có bất kỳ lần đo nào cho kết quả bất thường, hãy thảo luận với bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì ?

PEF đo tốc độ bạn có thể thở ra khi gắng hết sức. Hô hấp ký tại nhà cho phép bạn đo thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu. Kết quả từ phép đo sẽ được so sánh với trị số bình thường được đính kèm theo máy. Những trị số bình thường này sẽ được chia ra theo tuổi, giới tính, chiều cao và chủng tộc. Bạn hãy dựa vào đó để tìm ra khoảng bình thường của mình. Nếu bạn thấy kết quả của mình nhỏ hơn khoảng bình thường, hãy báo cho bác sĩ để được khám lại.

Thông thường, chỉ số PEF dao động nhẹ trong ngày. Nó thường thấp vào buổi sáng và cao hơn vào buổi chiều.

Người bị hen suyễn nặng sẽ có chỉ số PEF dao động rất lớn trong ngày.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ thuật đo chức năng hô hấp tại nhà, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và thực hiện xét nghiệm!

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM