Diệp hạ châu đắng - Chữa tiểu tiện bí dắt, tắc sữa, kinh bế, mụn nhọt, lở ngứa

Diệp hạ châu là loại thảo dược mọc dại có vị đắng và tính mát thường được dùng để giải độc gan và hỗ trợ chữa viêm gan siêu vi trùng. Cùng eLib.VN tìm hiểu thêm thông tin của vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Diệp hạ châu đắng - Chữa tiểu tiện bí dắt, tắc sữa, kinh bế, mụn nhọt, lở ngứa

Toàn cây tươi hoặc đã phơi hay sấy khô của cây Diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum., et Thonn.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

1. Mô tả

Cây cao 40 - 80 cm, thân tròn, bóng, màu xanh, phân nhánh đều, nhiều. Lá mọc so le xếp thành 2 dãy xít nhau trông như lá kép hình lông chim. Phiến lá hình bầu dục, dài từ 5 - 10 mm, rộng 3 - 6 mm, màu xanh sẫm ở mặt trên, màu xanh nhạt ở mặt dưới. Hoa đực và hoa cái mọc ở kẽ lá, màu lục nhạt, không có cánh hoa. Hoa đực có cuống ngắn 1 - 2 mm, đài 5, có tuyến mật, nhị 3, chỉ nhị dính nhau. Hoa cái có cuống dài hơn hoa đực. Quả nang, nhẵn, hình cầu, đường kính 1,8 - 2 mm, có đài tồn tại. Chứa 6 hạt hình tam giác, đường kính 1 mm, hạt có sọc dọc ở lưng.

2. Vi phẫu

Thân: Vi phẫu có thiết diện tròn, không có góc lồi. Từ ngoài vào trong gồm lớp cutin mỏng có răng cưa, đôi khi tạo thành những u lồi nhỏ. Biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật nằm ngang không đều nhau. Mô dày gồm 1 - 2 lớp tế bào hình tròn hay hình bầu dục. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình tròn hay hình bầu dục không đều, xếp chừa những khe nhỏ, có chứa ít tinh bột và tinh thế calci oxalat hình khối. Trụ bì gồm 3 - 5 lớp tế bào, hoá mô cứng thành những cụm rời nhau, mỗi cụm gồm tế bào mô cứng và sợi. Hệ thống dẫn libe và gỗ xếp thành vòng liên tục. Mô mềm tuỷ gồm những tế bào hình đa giác gần như tròn, xếp chừa những khe nhỏ, có rất ít tinh bột, không có tinh thể calci oxalat.

Gân lá: Gân giữa mặt dưới lồi rõ, mặt trên gần như phẳng, biểu bì trên là một lớp tế bào hình chữ nhật và gần đều nhau, lớp cutin mỏng có răng cưa rất nhỏ. Mô dày tròn ít rõ. Dưới mô dày có một lớp tế bào mô giậu. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn, xếp chừa những khe nhỏ. Libe và gỗ cấu tạo cấp 1 xếp thành hình cung, gỗ ở trên, libe ở dưới. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai trong một vài mô mềm ngay dưới libe.

Phiến lá: Biểu bì trên là những tế bào hình bầu dục không đều nhau, lớp cutin mỏng, có răng cưa rất nông. Tế bào biểu bì dưới có hình chữ nhật nằm ngang hơi dẹt hơn tế bào biểu bì trên. Lỗ khí có nhiều ở biểu bì dưới và ít hơn ở biểu bì trên, lỗ khí kiểu hỗn bào hay dị bào, ít song bào với 2 tế bào bạn không đều nhau. Chỉ số lỗ khí X ≥ 20. Mô mềm giậu là một lớp tế bào, chiếm gần nửa chiều dày phiến lá. Mô mềm khuyết gồm những tế bào không đều, vách uốn lượn nhiều, xếp chừa những khuyết to. Một vài tinh thể calci oxalat hình lăng trụ trong mô mềm giậu.

3. Bột

Bột màu xanh, vị rất dắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì mang lỗ khí, bó sợi dài, mảnh mô mềm tế bào đa giác, thành mỏng, mảnh mạch vạch, mạch xoắn.

4. Định tính

A. Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 50 ml ethanol 90% (TT), lắc đều, đun hồi lưu trong cách thuỷ 30 phút. Lọc. Cô dịch lọc còn khoảng 4 ml, chia đều vào 2 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

  • Ống 1:Thêm 4 - 5 giọt acid hydrocloric (TT) và một ít bột magnesi (TT), đặt trong cách thuỷ vài phút, dung dịch chuyển từ màu vàng sang màu hồng.
  • Ống 2: Thêm 2 - 3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), xuất hiện màu xanh thẫm.

B. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước, đun sôi trong vài phút rồi lọc. Lấy 2 ml dịch lọc đã nguội thêm 2 - 3 giọt dung dịch gelatin 1% (TT), xuất hiện tủa bông trắng.

C. Lấy 2 g bột dược liệu cho vào bình nón có nút mài, thấm ẩm bột dược liệu bằng dung dịch amoni hydroxyd 10% (TT), sau 15 phút thêm 10 ml cloroform (TT). Lắc khoảng 15 phút rồi để qua đêm. Lọc qua giấy lọc vào bình gạn, thêm 5 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT), lắc 2 - 3 phút, gạn lấy lớp acid vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

  • Ống 1: Thêm 2 - 3 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
  • Ống 2: Thêm 2 - 3 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.
  • Ống 3: Thêm 2 - 3 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.

D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel GF254
  • Dung môi khai triển: Cloroform - methanol (7 : 3).
  • Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu vào bình nón nút mài, thấm ẩm bột dược liệu bằng dung dịch amoni hydroxyd 10% (TT) trong 5 phút. Lắc 3 lần với cloroform (TT), mỗi lần 20 ml. Gộp dịch chiết cloroform, lọc, bay hơi trên cách thuỷ đến còn 2 ml, dùng làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g Diệp hạ châu đắng (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng,  phun thuốc thử Dragendorff (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 12 %.

Tro toàn phần: Không quá 20%.

Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm không quá 8%.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 7,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT)làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hè thu. Thu hái về rửa sạch, dùng tươi hoặc cắt đoạn phơi khô, hoặc lấy lá ép thành bánh.

6. Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh ẩm, mốc, mọt.

Tính vị qui kinh

Vị hơi đắng, tính mát. Vào kinh phế thận.

7. Công năng chủ trị

Tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, lợi tiểu. Dùng khi tiểu tiện bí dắt, tắc sữa, kinh bế, hoặc mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.

8. Cách dùng, liều lượng

ngày 8 – 16 g, sắc uống. Dùng ngoài: lấy cây tươi giã nát, đắp vào chỗ lở loét hoặc vết thương do côn trùng cắn.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc diệp hạ châu trắng. Diệp hạ châu mang lại nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng, tránh trường hợp thuốc gây phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM