Địa long - Chữa trị sốt cao, ho suyễn, cao huyết áp
Địa long hay còn gọi là trùn đất, giun đất, khâu dẫn,… Dược liệu này có tác dụng phá huyết kết, trừ phong thấp, thanh thận, khứ trùng tích, chủ trị chứng bí tiểu, hen phế quản, đau nhức do phong thấp, trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật,…Để biết thông tin của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Địa long hay Giun đất là thân khô của con Giun (Pheretima aspergillum (E. Perrier), Pheretima vulgaris Chen., Pheretima guillelmi (Michaelsen), hay Pheretima pectinifera) , họ Cự dẫn (Megascolecidae). Loại đầu tiên là Quảng địa long, 3 loại còn lại là Hồ địa long.
1. Mô tả
Khoan Địa long: Là những lát mỏng có dạng như mái ngói, cong, bìa hơi cuộn, dài 15 – 20 cm, rộng 1 – 2 cm. toàn thân chia thành nhiều đốt. Mặt ngoài phần lưng có màu nâu đến xám tím, ở phần bụng có màu nâu vàng nhạt. Lỗ sinh thực nằm ở đốt thứ 14 – 16, màu tương đối sáng. Thắt lại ở phần đầu, bè ra và tròn ở phần đuôi. Lông tơ ngắn, thô và rất cứng, màu hơi sáng. Lỗ sinh thực đực nằm ở phần nhô ra ở phần bụng của đốt thứ 18, phía ngoài được bao quanh bởi nhiều vòng cấu tạo từ những nếp nhăn cạn trên da, có 1 - 2 dãy khối u nhỏ ở hai bên của phần trước, mỗi bên có khoảng 10 – 20 cái, số lượng thay đổi. Lỗ nang thụ tinh gồm 2 đôi gồm 2 đôi ở giữa đốt 7/8 – 8/9, vòng sinh thực chiếm giữa các đốt 5 - 11 hình đai yên ngựa. Thể chất nhẹ, dai, khó bẻ gãy. Mùi hôi khó chịu, vị hơi mặn.
Hậu Địa long: Dài 8 – 15 cm, rộng 0,5 – 1,5 cm, toàn thân chia thành nhiều đốt. Phần lưng màu nâu đến nâu vàng, phần bụng màu nâu vàng sáng, 3 đôi lỗ nang thụ tinh ở đốt 6/7 – 8/9. Lỗ sinh thực cái ở đốt 14 – 16, màu tương đối sáng. Một đôi lỗ sinh thực đực nằm ở đốt thứ 18.
Loài Pheretima vulgaris có lỗ sinh thực lộ ra hoàn toàn, có hình bông cải hoặc hình dương vật, loài Pheretima guillelmi chẻ theo chiều dọc, loài Pheretima pectinifera có một hay nhiều lỗ sinh thực đực với một hay nhiều nhú ở bên trong.
2. Bột
Bột có màu xám hay vàng xám. Sợi cơ có sọc không màu hay màu nâu nằm rải rác hay dính đôi, đường kính 4 – 25 μm mép thường không thẳng. Tế bào biểu bì màu nâu vàng, tế bào mô mềm chứa các hạt chất màu nâu sẫm.
Thỉnh thoảng có lông tơ thường bị vỡ nằm rải rác, màu nâu nhạt hay vàng nâu đường kính 24 – 32μm, đầu to, ngắn.
3. Định tính
A. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel GF254
- Dung môi khai triển: n-Butanol– acid acetic băng – nước (4 :1: 1).
- Dung dịch thử: đun sôi 1 g dược liệu trong 10 ml nước, để nguội, ly tâm lấy phần dung dịch trong dùng làm dung dịch chấm sắc ký
- Dung dịch đối chiếu: Hoà tan các chất chuẩn đối chiếu lysin (ĐC), leucin (ĐC) và valin (ĐC), trong nước để có các dung dịch lần lượt có hàm lượng là 1 mg, 1mg và 0,5 mg.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 3 μl dung dịch thử và các dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy tấm sắc ký ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch ninhydrin (TT) sấy bản mỏng ở 105 oC cho đến khi xuất hiện vết.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và cùng gíá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của các dung dịch đối chiếu.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel GF254
- Dung môi khai triển: Toluen – methanol (95 : 5 )
- Dung dịch thử: Lấy 1 g dược liệu cho vào 20 ml cloroform (TT), siêu âm trong 20 phút, lọc, để bay hơi trên cách thủy đến khô. Hòa tan cắn trong 1 ml cloroform (TT), dùng làm dung dịch chấm sắc ký
- Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g loài Pheretima tương (mẫu chuẩn) ứng tiến hành giống như mẫu thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 3 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy tấm sắc ký ra để khô ở nhiệt độ phòng, soi dưới ánh sáng tử ngọai có bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang có cùng màu sắc và cùng gíá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của các dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 12%.
Tạp chất: Không quá 5%.
Kim loại nặng: Không quá 30 ppm.
Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 16,0%.
Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh, dùng nước làm dung môi.
4. Chế biến
Loài Quảng địa long được thu hoạch từ mùa xuân đến mùa thu. Hồ địa long được thu hoạch vào mùa hạ. Dùng lá Nghể răm ngâm nước, đổ lên mặt đất, bắt lấy Giun đất bò lên. Loại bỏ những con giun đất có bệnh. Kẹp thẳng Giun đất vào que nứa, mổ bụng ngay lập tức, moi bỏ phủ tạng và đất, lau sạch, phơi khô hay sấy ở nhiệt độ thấp.
5. Bào chế
Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn và phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
6. Bảo quản
Nơi thoáng mát, tránh mốc mọt.
7. Tính vị, qui kinh
Hàm, hàn. Quy vào các kinh can, tỳ, phế, bàng quang.
8. Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt, trấn kinh, thông kinh mạch, định suyễn, lợi thuỷ. Chủ trị: sốt cao bất tỉnh, kinh giản, thấp tỳ, tê chi, bán thân bất toại, ho và suyễn do phế thực nhiệt, phù, vô niệu, cao huyết áp.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày 4,5 – 9 g, dùng dạng bột hay phối ngũ trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Không dùng cho người hư hàn.
Bài viết chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản về dược liệu địa long. Nếu bạn có ý định áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này, cần chủ động trao đổi với bác sĩ để dự phòng các tác dụng không mong muốn.