Địa liền - Chữa trị Tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, đau răng ngực bụng, tiêu hoá kém
Theo Y học cổ truyền, cây địa liền được sử dụng làm thuốc với mục đích làm giảm đau nhức do bệnh phong thấp gây ra. Ngoài ra, cây còn có tác dụng điều trị các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa và dạ dày. Để biết thêm thông tin về vị thuốc này mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Thân rễ đã thái miếng phơi hay sấy khô của cây Địa liền (Kaempferia galanga L.), họ Gừng (Zingiberaceae).
1. Mô tả
Phiến dày khoảng 2 – 5 mm, đường kính 0,6 cm trở lên, hơi cong lên. Mặt cắt màu trắng ngà có khi hơi ngà vàng. Xung quanh là vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc màu tro nhạt, nhăn nheo, có khi còn sót lại rễ con hoặc vết tích rễ con. Thể chất dòn dễ bẻ, có bột. Mùi thơm đặc trưng, vị cay
2. Vi phẫu
Lớp bần gồm 8 - 15 hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nón hay nhiều cạnh, thành mỏng, chứa hạt tinh bột, rải rác có các bó libe – gỗ nhỏ. Vòng nội bì khung caspari liền với vòng trụ bì. Mô mềm ruột gồm tế bào thành hơi dày chứa nhiều hạt tinh bột và rải rác có các bó libe – gỗ . Tế bào chứa tinh dầu có cả ở mô mềm vỏ và mô mềm ruột
3. Bột
Bột màu trắng ngà, nhiều hạt tinh bột hình gần như ba cạnh, hình trứng hay hình tròn, đường kính 5 – 30 µm, có rốn và vân mờ. Mảnh mô mềm với tế bào chứa tinh bột, hoặc kèm theo tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh bần màu nâu nhạt, mảnh mạch vạch.
4. Định tính
A. Ngâm 1 g bột dược liệu với 5 ml ether ethylic (TT) trong 15 phút, thỉnh thoảng lắc, lọc. Dịch lọc bay hơi đến cắn. Thêm 1 - 2 giọt dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), xuất hiện màu nâu đỏ đến tím.
B. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 90% (TT). Đun cách thủy 20 phút, để nguội và lọc
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào một ống nghiệm, thêm từ từ 1 ml acid sulfuric (TT) xuống đáy ống. Vòng tiếp xúc giữa 2 lớp chất lỏng có màu nâu đỏ, sau chuyển sang nâu tím.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm từ từ 1 ml dung dịch natri carbonat 5% (TT). Đun cách thủy 3 phút, để nguội thêm 1 – 2 giọt thuốc thử Diazo (TT) sẽ có màu đỏ cam.
Độ ẩm: Không quá 12,0%. Dùng 10 g dược liệu đã tán nhỏ.
Tro toàn phần: Không quá 7,0%.
Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm không quá 5%.
Tạp chất: Không quá 0,5%.
5. Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu.
Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 1,5% tính theo dược liệu khô kiệt.
6. Chế biến
Đào lấy thân rễ, rửa sạch, thái phiến mỏng, phơi khô. Khi dùng vi sao.
7. Bảo quản
Để nơi khô mát.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn. Vào hai kinh tỳ, vị.
8. Công năng, chủ trị
Ôn trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ vị. Chủ trị: Tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, răng đau, ngực bụng lạnh đau, tiêu hoá kém.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 - 8 g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Ngâm rượu 40 - 50% trong 5 - 7 ngày để xoa bóp. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Âm hư, thiếu máu hoặc vị có hoả uất không dùng.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây địa liền nêu trên theo kinh nghiệm dân gian và chưa được khoa học kiểm định về tác dụng an toàn và tính hiệu quả. Vì vậy, người bệnh không nên áp dụng khi chưa có sự đồng ý từ các lương y.