Địa du - Chữa đại tiểu tiện, trĩ, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng

Địa du là gốc của cây địa du, loài thực vật sống lâu năm thuộc họ tường vi. Thời gian nảy mầm vào tháng 3 và thời điểm này là cũng bắt đầu đâm chồi, lá có hình bầu dục. Tháng 7 có quả màu đỏ tía. Rễ của nó ngoài có màu đen, trong màu đỏ. Để biết thêm thông tin của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Địa du - Chữa đại tiểu tiện, trĩ, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng

Rễ phơi hoặc sấy khô của cây Địa du (Sanguisorba officinalis L.) hay cây Địa du lá dài (Sanguisorba officinalis L. var. longifolia (Bert.) Yu et Li), họ Hoa hồng (Rosaceae).

1. Mô tả

Rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, dài 5 - 25 cm, đường kính 0,5 - 2 cm, mặt ngoài màu nâu tro, màu nâu hoặc tía thẫm, thô, có nếp nhăn dọc, có vân nứt ngang và vết rễ con. Chất cứng, Mặt bẻ tương đối phẳng, vỏ có nhiều sợi dạng bông, từ màu trắng vàng đến màu nâu vàng, gỗ màu vàng hoặc nâu vàng, tia gỗ xếp thành hàng xuyên tâm. Lát cắt  hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 - 0,5 cm, mặt cắt màu đỏ tía hoặc nâu. Không mùi, vị hơi đắng, săn.

2. Vi phẫu

Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào dài xếp theo hướng tiếp tuyến, thường màu vàng nâu. Mô mềm vỏ rộng, tế bào mô mềm tương đối đều, gần tròn hoặc bầu dục. Trong mô mềm có các khoảng gian bào lớn. Tia ruột nhiều, hẹp, thường có một dãy tế bào. Tầng phát sinh libe - gỗ thấy rõ. Rải rác trong mô mềm gỗ có những mạch gỗ to và những đám sợi mô cứng. Trong tế bào mô mềm có hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat to, hình cầu gai.

3. Bột

Màu xám, vị hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy nhiều hạt tinh bột hình tròn hoặc hình bầu dục, đơn, kép đôi, ít khi kép ba hoặc kép bốn. Mảnh mô mềm có chứa hạt tinh bột, đôi khi thấy cả tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch, mảnh bần màu vàng, tế bào có chiều dài gấp hai đến ba lần chiều rộng. Tinh thể calci oxalat đứng riêng lẻ.

4. Định tính

A. Lấy 2 g dược liệu thêm 20 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ khoảng 10 phút, lọc. Nhỏ dung dịch amoniac loãng (TT) vào dịch lọc để điều chỉnh đến pH 8 - 9, lọc. Phần kết tủa để riêng (tủa 1). Lấy dịch lọc, bốc hơi đến khô. Hoà tan cặn trong 10 ml nước, lọc. Lấy 5 ml dịch lọc đem bốc hơi đến khô, thêm 1 ml anhydrid acetic (TT) và 2 giọt acid sulfuric (TT) xuất hiện màu tím đỏ để lâu sẽ biến thành màu nâu.

B. Lấy một ít tủa 1, thêm 2 ml nước và 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT) sẽ có màu lam sẫm đen.

Độ ẩm: Không quá 13%.

Tạp chất: Rễ màu nâu, đen: Không quá 10%

Tạp chất khác: Không quá 1%

Tro toàn phần: Không quá 12%

5. Định lượng

Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu, qua rây số 355, tiến hành phương pháp định lượng taninoid (Phụ lục 12.6). Hàm lượng taninoid trong dược liệu không được dưới 10,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

6. Chế biến

Mùa xuân khi cây sắp nẩy chồi, hoặc mùa thu sau khi cây khô, đào lấy rễ, loại bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, hoặc thái phiến rồi  phơi khô.

7. Bảo quản

Để nơi khô, thoáng, trong bao bì kín, tránh sâu, mọt

8. Bào chế

Địa du phiến: Rửa sạch rễ Địa du, loại bỏ tạp chất, thân cây còn sót lại, ủ mềm thái lát dày, phơi hoặc sấy khô để dùng.

Địa du thán sao: Lấy Địa dudddax thái lát, sao lửa to đến khi mặt ngoài có màu đen sém và bên trong có màu vàng hay màu nâu. Lấy ra để nguội.

Tính vị qui kinh

Khổ, toan, sáp, vi hàn. Vào các kinh can, đại trường.

9. Công năng, chủ trị

Lương huyết chỉ huyết, giải độc, liễm nhọt. Chủ trị: Đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng nước, bỏng lửa, mụn nhọt thũng độc.

10. Cách dùng liều lượng

Ngày dùng 9 - 15 g. Dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: lượng thích hợp, tán bột Địa du đắp nơi bị đau.

Những thông tin mà bài viết tổng hợp được từ vị thuốc địa du chỉ có giá trị tham khảo. Bạn đừng nên tự ý áp dụng bài thuốc nào từ dược liệu này khi chưa tham vấn thầy thuốc hay những người có chuyên môn

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM