Đậu xanh - Chữa tả lỵ, phù thũng, ngộ độc, thử nhiệt và khát nước

 Đậu xanh là loại thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Các thành phần dinh dưỡng của đậu xanh có thể kể đến như chất xơ, protein, vitamin E, vitamin C, vitamin nhóm B, axit folic, axit béo Omega-3, khoáng chất như canxi, magie, sắt,…Để biết được thông tin của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Đậu xanh - Chữa tả lỵ, phù thũng, ngộ độc, thử nhiệt và khát nước

Hạt đã phơi khô của cây Đậu xanh Vigna aureus (Roxb.)N.D.Khoi, Họ Đậu (Fabaceae).

1. Mô tả

Hạt hình trụ màu xanh lục sáng có chiều dài 4  - 6 mm, đường kính 3,5 - 4,5 mm. Rốn hạt chạy dọc theo chiều dài hạt có màu sáng trắng. Trọng lượng hạt từ 61 - 65 mg. Hạt dễ vỡ thành 2 mảnh lá mầm. Một đầu 2 mảnh hạt  có chứa 2 lá chồi, 1 trụ mầm.

2. Vi phẫu

Vỏ: 1 lớp tế bào cutin, 7 lớp tế bào mô cứng nhỏ xếp xít nhau có vách dày hoá gỗ, rải rác có tế bào tiết màu vàng đậm có kích thước lớn hoặc tập trung thành đám, cách lớp cutin 2 - 3 lớp tế bào chia làm 2 lá mầm không đều nhau bằng một khoảng không. Mỗi lá mầm có 1 lớp tế bào biểu bì, 1 lớp tế bào mô dày 2 - 3 lớp tế bào ở rốn hạt. Ngang theo lá mầm chứa 8 - 10 lớp tế bào mô mềm, 20 libe xếp xít nhau chính giữa dọc theo lá mầm. Bó gỗ gồm 7 lớp đôi xếp cạnh bó libe gần rốn. Ở lá mầm lớn có 4 dải libe, mỗi dải 7 - 8 bó libe, có khoảng 3 bó libe nhỏ ở giữa mô mềm song song với các bó gỗ. Rải rác có chứa tinh thể Calci oxalat ở tế bào mô cứng hoặc tế bào mô mềm và ở thân mầm. Ở lá mầm lớn có dải các khí hình elip, ở lá mầm quan sát thấy nhiều hạt tinh bột và nhiều lớp tế bào mô cứng xếp song song.

3. Bột

Hạt tinh bột hình trứng dài 15 - 32 µm rộng 10 - 15 µm. Các mảnh ngắn hình chữ nhật sáng màu. Mảnh vỏ cấu tạo từ các tế bào nhỏ màu xanh. 

Protein toàn phần

Cân chính xác 0,200 g bột dược liệu đã tán bột và xác định độ ẩm. Cho vào bình Kjeldarl rồi tiến hành "định lượng nitrogen trong hợp chất hữu cơ".

Song song tiến hành làm  mẫu trắng.

Dược liệu phải có hàm lượng protein toàn phần không được dưới 23,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Độ ẩm: Không quá 10%.

Tro toàn phần: Không quá 3,6%.

Tro không tan trong acid: Không quá 0,26%.

Kích thước hạt: Toàn bộ đậu xanh qua rây số 5000 ( Đường kính mắt tròn của rây 5 mm) và số lượng đậu xanh qua rây số 4000 không được vượt quá 3%.

Tạp chất: Không quá 0,1%.

Độ sượng: Lấy 50 g đậu xanh cho vào cốc dung tích 250 ml đổ ngập nước, đậy nắp, đun sôi cách thuỷ trong 60 phút. Lấy 100 hạt bất kỳ bóp trên 2 đầu ngón tay. Đếm số hạt không bóp được. Độ sượng không vượt quá 17% (hạt/hạt).

Xác định độ nhiễm côn trùng: Cân khoảng 30 g dược liệu, cho lên mặt sàng và nhúng cả sàng vào dung dịch chứa 10 g kali iodid (TT)và 5 g iod ­(TT) trong vừa đủ 500 ml nước. Tiếp đó nhúng cả sàng vào dung dịch kali hydroxyd 0,5% (TT). Lấy hạt ra khỏi sàng và rửa mẫu bằng nước lạnh trong 20 giây. Không được thấy vết đen hoặc lỗ đen trên bề mặt (không được nhiễm côn trùng).

4. Chế biến

Thu hoạch vào tháng 5 hoặc tháng 6, chọn những quả đậu xanh già vỏ đã ngả màu đen hoàn toàn. Đem phơi khô và đập tách lấy riêng hạt đậu xanh. Tiếp tục phơi khô đến độ ẩm quy định.

5. Bảo quản

Đóng trong thùng kín để nơi khô thoáng mát tránh mốc mọt sâu bọ côn trùng.

Tính vị, quy kinh

Cam, hàn. Quy vào kinh vị, đại tràng, tâm, vị.

6. Công năng, chủ trị 

Thanh nhiệt trừ thử, chỉ khát, lợi niệu, giải các loại độc. Chủ trị: Tả lỵ, phù thũng, ngộ độc các chất và thuốc, thử nhiệt và khát nước.

7. Cách dùng, liều lượng

12 - 20 g, có thể hơn.  Dùng riêng hoặc trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ

Không thực nhiệt thì không dùng. Không dùng chung với Phỉ tử (hạt hẹ).

Đậu xanh sở hữu nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, đậu xanh có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy, việc sử dụng đậu xanh trong những trường hợp đặc biệt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để dùng đúng liều lượng và cách chế biến.

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM