Bệnh đau vai - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tình trạng đau vai phát sinh từ bản thân khớp vai hoặc từ bất kỳ cơ, dây chằng, gân xung quanh khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong vận động. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đau vai - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Đau vai là tình trạng gì?

Vai có phạm vi chuyển động rộng và linh hoạt. Khi có vấn đề gì xảy ra với vai, bạn sẽ gặp khó khăn trong vận động và bị đau đớn, khó chịu. Đau vai có thể phát sinh từ bản thân khớp vai hoặc từ bất kỳ cơ, dây chằng hoặc gân nào xung quanh. Đau vai ở khớp thường nặng hơn khi các cánh tay hoặc vai hoạt động hoặc cử động.

Các bệnh và tình trạng khác ảnh hưởng đến cấu trúc trong ngực hoặc bụng, như bệnh tim hoặc bệnh túi mật cũng có thể gây đau vai. Đau vai phát sinh từ cấu trúc khác được gọi là đau quy chiếu, thường không nặng hơn khi bạn di chuyển vai.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đau vai là gì?

Các triệu chứng thường gặp của đau vai là đau và khó chịu khi bạn vận động vai. Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau vai?

Vai là một khớp lồi cầu ổ chảo với một phạm vi chuyển động rộng. Một khớp di động như vậy sẽ dễ bị chấn thương hơn. Đau vai có thể xuất phát từ một hoặc nhiều nguyên nhân sau:

Bong gân do bị kéo căng quá mức; Viêm gân do dùng quá mức; Không ổn định khớp vai; Trật khớp vai; Gãy xương cổ tay hoặc xương cánh tay; Bất động vai; Thần kinh bị chèn ép (còn gọi là bệnh rễ thần kinh).

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải tình trạng đau vai?

Đau vai có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tình trạng đau vai?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đau vai, như:

Làm việc chân tay; Chơi thể thao; Chuyển động lặp đi lặp lại; Một số bệnh nhất định, bao gồm các bệnh về cột sống cổ hay bệnh gan, tim hoặc túi mật; Trên 60 tuổi.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng đau vai?

Trong trường hợp chấn thương cấp tính gây ra cơn đau dữ dội, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu cơn đau ít nghiêm trọng hơn, bạn có thể nghỉ ngơi vài ngày để xem tình trạng có tự hồi phục không. Nếu triệu chứng vẫn còn, bạn nên gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân gây đau vai và lựa chọn phương pháp điều trị.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ:

Tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể hỏi bạn đau như thế nào và cơn đau bắt đầu khi nào, cho dù tình trạng này đã xảy ra trước đó và đã được điều trị ra sao và hỏi thêm các câu hỏi khác để giúp xác định cả sức khoẻ chung và nguyên nhân đau vai; Khám thực thể. Bác sĩ sẽ khám tổng quát cho bạn để tìm ra nguyên nhân gây đau vai. Bác sĩ sẽ tìm các thực thể bất thường, sưng, dị dạng hoặc yếu cơ và kiểm tra các vùng nhạy đau cũng như quan sát phạm vi chuyển động và sức mạnh của vai; Chụp X-quang chi, chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm; Chụp cắt lớp vi tính (CT). Công cụ này kết hợp tia X với công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh rất chi tiết về xương ở vùng vai; Điện cơ. Bác sĩ có thể yêu cầu một xét nghiệm chẳng hạn như EMG (điện cơ đồ), để đánh giá chức năng thần kinh; Mạch đồ. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào vai để quan sát rõ hơn tình trạng các khớp, cơ và dây chằng xung quanh; Nội soi khớp. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ nhìn vào bên trong khớp với một máy ảnh gắn ở đầu sợi quang. Nội soi khớp có thể thấy chấn thương mô mềm mà không phát hiện được khi khám, chụp X-quang và các xét nghiệm khác. Ngoài việc giúp tìm nguyên nhân gây đau, nội soi khớp có thể được sử dụng để điều trị.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng đau vai?

Bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

Thay đổi hoạt động. Bạn nên nghỉ ngơi, thay đổi hoạt động và thực hiện vật lý trị liệu để giúp cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt của vai. Những giải pháp thông thường như tránh vận động quá căng hoặc quá mức có thể giúp ngăn ngừa đau vai; Thuốc. Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm viêm và giảm đau. Nếu thuốc được kê toa để giảm đau, bạn chỉ nên dùng theo chỉ dẫn. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tiêm thuốc gây tê hoặc steroid để giảm đau; Phẫu thuật. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, 90% bệnh nhân đau vai sẽ đáp ứng với các phương pháp điều trị đơn giản như thay đổi hoạt động, nghỉ ngơi, tập thể dục và thuốc men. Một số vấn đề ở vai, chẳng hạn trật khớp tái phát và rách chóp xoay, có thể không hưởng được lợi ích gì từ việc tập thể dục. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật sớm. Phẫu thuật có thể liên quan đến nội soi khớp để loại bỏ mô sẹo hoặc phục hồi mô bị rách hoặc các thủ thuật truyền thống, mổ hở để tái tạo lớn hơn hoặc thay thế khớp vai.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng đau vai?

Một số biện pháp sau đây có thể giúp bạn đối phó với đau vai tại nhà:

Nghỉ ngơi; Tránh những hoạt động mà vai phải kéo căng quá mức; Tránh các hoạt động thể lực quá mức.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh đau vai, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM