Đậu tương - Trị nhức đầu, đau mắt
Đậu tương là cây thảo hằng năm, có lá mọc so le, có 3 lá chét hình trái xoan, gốc ở Trung Quốc, được trồng ở các xứ nóng, được dùng làm thức ăn bồi bổ cơ thể, trị phong hàn ngoại cảm, sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, đau mắt, nôn mửa,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục nội dung
Đậu tương, Đậu nành - Glycine max (L.) Merr, thuộc họ Đậu - Fabaceae.
1. Mô tả
Cây thảo hàng năm, có thân mảnh, cao 50 - 150cm, có lông, các cành hướng lên trên. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình trái xoan, gần nhọn mũi, hơi không đều ở gốc. Hoa trắng hay tím, xếp thành chùm ở nách. Quả thõng, hình lưỡi liềm, có nhiều lông mềm, màu vàng lục hay vàng nhạt, thắt lại giữa các hạt. Hạt 2 - 5, hình cầu hay hình thận, có màu sắc thay đổi tuỳ theo giống trồng.
Hoa tháng 6 - 7, quả tháng 7 - 9.
2. Bộ phận dùng
Hạt đã chế biến - Semen Sojae Preparatum, thường gọi là Đạm đậu xị
3. Nơi sống và thu hái
Cây gốc ở Trung Quốc, được trồng ở các xứ nóng. Ta thường trồng để lấy hạt làm thực phẩm. Để chế đậu xị nhạt, ta dùng hạt đậu nành ngâm nước một đêm, phơi qua cho ráo nước, đồ chín, tãi ra, đợi cho ráo, ủ kín trong 3 ngày, khi thấy lên men vàng đem phơi khô rồi phun nước cho đủ ẩm đều, cho vào thùng ủ kín bằng lá Dâu tới khi lên men vàng đều thì đem phơi 1 giờ, rồi lại phun nước ủ như trên. Làm như vậy đủ 5 lần, cuối cùng đem chưng, rồi lại phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 50 - 60 độ, đóng lọ kín để nơi khô ráo.
4. Thành phần hoá học
Trong hạt đậu nành có các thành phần đã biết tính theo tỷ lệ % Protid40, lipid 12 - 25, glucid 10 - 15; có các muối khoáng Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S; các vitamin A, B1, B2, D, E, F; các men, sáp, nhựa, celluloz. Trong đậu nành có đủ các acid amin cơ bản isoleucin, leucin, lysin, metionin, phenylalanin, tryptophan, valin. Trong đạm đậu xị ngoài protid, lipid, glucid, còn có xanthine, hypoxanthine, caroten, các vitamin B1, B2, vitamin PP.
5. Tính vị, tác dụng
Đậu nành là thức ăn đầy đủ nhất và dễ tiêu hoá giúp tạo hình (cơ, xương, gân), tạo năng lượng, cung cấp chất khoáng làm cân bằng tế bào. Đạm đậu xị có vị đắng, cay, tính mát, có tác dụng phát hãn, giải biểu, trừ phiền.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng làm thức ăn để bồi bổ cơ thể, nhất là đối với trẻ em, người bị bệnh đái đường, người làm việc quá sức, thiếu khoáng và làm việc trí óc, người mới ốm dậy, người bị thấp khớp, thống phong. Ta thường dùng chế thực phẩm như đậu phụ, cháo, bột đậu nành hoặc chế sữa Đậu nành, bột Đậu nành, trộn với bột ngũ cốc, ca cao, dùng làm bột dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Đạm đậu xị trừ bệnh phong hàn ngoại cảm, sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, đau mắt, thông tiểu, bụng đầy khó chịu, mỏi mệt không ngủ, nôn mửa. Ngày dùng 16 - 20g dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.
Trên đây là một số thông tin về cây Nấm dai mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.