Bệnh đau khi cực khoái - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Một số người cho biết họ cảm thấy đau đớn trong hoặc sau khi đạt cực khoái hay lên đỉnh với bạn tình. Tình trạng này có tên khoa học là dysorgasmia, có khả năng gây ảnh hưởng đến hơn 20% phụ nữ. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn.
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Đau khi cực khoái là gì?
Đau khi cực khoái (dysorgasmia) là tình trạng đau ở vùng bụng hay vùng chậu ngay trong hay sau khi đạt cực khoái lúc quan hệ tình dục. Tuy nhiên, tránh nhầm lẫn tình trạng này với chứng giao hợp đau đớn (dyspareunia), cơn đau này chỉ được cảm nhận tại thời điểm “lên đỉnh” hoặc ngay sau đó ở âm vật hoặc bất kỳ nơi nào khác.
2. Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng đau khi cực khoái
Các triệu chứng gặp phải thường rất đa dạng, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Khi đó, bạn thường cảm thấy như bị chuột rút, cơ bắp bị siết chặt ở bộ phận sinh dục hay vùng chậu.
Nhiều người cho biết họ có cảm giác đau ở vùng bụng hay vùng chậu ngay sau khi đạt cực khoái, thậm chí là đau ngay trong thời điểm đó. Cơn đau giống như bị chuột rút dữ dội do âm đạo và các cơ trong vùng chậu co thắt, siết chặt lại. Thời gian cơn đau kéo dài thường không giống nhau ở mỗi người, có thể là vài phút cho đến vài giờ.
Nam giới cũng có khả năng gặp phải tình trạng này với tên gọi khác là đau khi xuất tinh (painful ejaculation), thường xảy ra sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân đau khi cực khoái là gì?
Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về chứng rối loạn này nên khó có thể nói chính xác nguyên nhân gây ra là gì. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đưa ra để giải thích cho tình trạng này ở phụ nữ:
- Rối loạn ở tử cung hay bàng quang: các vấn đề này có thể gây ra chứng đau khi lên đỉnh dù chưa có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa các tình trạng này. U xơ tử cung thường là lý do phổ biến nhất khiến bạn có thể bị đau khi lên đỉnh.
- U nang buồng trứng: tình trạng này tương đối phổ biến ở phụ nữ, thường không được chú ý và có thể tự hết mà không cần can thiệp. Nếu cơn đau dữ dội xuất hiện sau khi đạt cực khoái nằm ở một bên, đó có thể do u nang buồng trứng gây ra.
- Lạc nội mạc tử cung: thường gây đau vùng chậu ngay trước, sau hay trong chu kỳ kinh nguyệt và cũng có khả năng gây đau khi cực khoái.
- Viêm vùng chậu: đây là một yếu tố tiềm ẩn có thể gây ra chứng đau này. Tình trạng viêm ở vùng chậu có khi khiến bạn cảm thấy đau đớn trong và sau khi lên đỉnh.
Ở nam giới, các nguyên nhân phổ biến gây ra đau khi xuất tinh là:
- Viêm tuyến tiền liệt;
- Phẫu thuật;
- U nang hoặc sỏi ở ống dẫn tinh ;
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm Trichomoniasis (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục);
- Xạ trị ;
- Các vấn đề tâm lý.
Chứng đau khi lên đỉnh cũng có thể liên quan đến hệ thần kinh hoặc tổn thương tâm lý.
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau khi cực khoái?
Nếu bạn phải trải qua những cơn đau dữ dội, đau do cơ bị co thắt lại trong hoặc sau khi lên đỉnh trong quan hệ tình dục, hãy đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và tìm ra cách điều trị phù hợp.
Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến các triệu chứng bạn gặp phải và kiểm tra bộ phận sinh dục. Khi nghi ngờ có bệnh lý tiềm ẩn nào, bạn có thể cần thực hiện một số xét nghiệm khác (như xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang) theo chỉ định.
Những phương pháp điều trị đau khi cực khoái
Để điều trị hiệu quả, bác sĩ cần phải xác định được nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Các thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng để giúp giảm đau trong giai đoạn đầu. Nhìn chung, bạn có thể xoa dịu cơn đau khi đạt cực khoái tương tự như các cơn đau do co thắt cơ với các cách như chườm nóng, dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol…
Trên đây là một số thông tin về bệnh đau khi cực khoái, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh.