Đậu chiều - Chữa sốt, ho cảm

Đậu chiều là cây nhỏ thuộc họ Đậu, lá kép mọc so le, có lông, phổ biến khắp Đông Dương và Ấn Độ, được dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng, ho, cảm, nhức mỏi gân cốt, bệnh ngoài da, mụn nhọt, vết thương,... Để biết được công dụng trong y học của cây Đậu chiều mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Đậu chiều - Chữa sốt, ho cảm

Đậu chiều, Đậu săng, Đậu cọc rào - Cajanus cajan (L., ) Millsp. (C. indicus Spreng.), thuộc họ Đậu - Fabaceae.

1. Mô tả

Cây nhỏ, cao 1 - 2m. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, nguyên, có lông, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa màu vàng hay điểm những đường sọc tía, mọc thành chùm ở nách lá. Quả đậu dẹt, với 2 - 3 vết lõm chạy chéo trên quả. Hạt hình cầu, màu vàng nâu, nâu hay đỏ nhạt, tuỳ thứ.

Mùa hoa quả tháng 1 - 3.

2. Bộ phận dùng

Rễ, hạt và lá - Radix, Semen et Folium Cajani.

3. Nơi sống và thu hái

Loài của vùng cổ nhiệt đới, phổ biến khắp Đông Dương và Ấn Độ. Ở nước ta, Đậu chiều mọc hoang và cũng được trồng. Trồng bằng hạt vào đầu mùa mưa. Thu hái rễ và lá quanh năm. Đào rễ về, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Lá thường dùng tươi. Hạt lấy ở những quả già.

4. Thành phần hoá học

Hạt chứa 2 globulin là cajanin và nona-cajanin. Còn có men urease hoạt động.

5. Tính vị, tác dụng

Đậu săng có vị đắng, tính mát; có tác dụng ấm phế, trợ tỳ, tiêu thực, làm thông huyết mạch.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Ở nước ta, Đậu chiều được trồng ở nhiều nơi để làm cây chủ thả cánh kiến đỏ và lấy hạt làm thực phẩm (nấu chè, làm tương), chăn nuôi gia súc, hoặc trồng làm hàng rào, làm cây tạo bóng, cây phân xanh và cây cải tạo đất. Rễ dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng và chứng hay đái đêm. Hạt cũng dùng như rễ; còn dùng chữa ho, cảm, nhức mỏi gân cốt. Lá dùng để gây nôn khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu; lại dùng nấu tắm trị bệnh ngoài da và cũng dùng uống trị lỵ. Dịch lá tươi cũng dùng uống trị lỵ; còn dùng phối hợp với dầu thầu dầu uống trị bệnh đau bụng. Dùng ngoài trị mụn nhọt, vết thương.

ở Ân Độ, hạt và lá giã ra, hơ hay xào nóng đắp vào vú gây tiết sữa; hạt được dùng trị rắn cắn. Thường dùng rễ với liều 15g sắc uống; có thể thái mỏng để ngậm hoặc tán bột uống. Hạt cũng dùng sắc uống. Lá tươi giã đắp không kể liều lượng.

7. Đơn thuốc

Ho, cảm, cổ họng sưng đau: Dùng bột rễ Đậu chiều, bột rễ Xạ can, thêm phèn chua, hoà nước sôi để nguội ngậm không nuốt nước; hoặc dùng hạt Đậu chiều sao vàng sắc uống.

Cảm sốt, mụn nhọt và trẻ em lên sởi ho: Dùng rễ Đậu chiều 15g, Sài đất và Kim ngân hoa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.

Trị các loại ban trái có kèm theo các chứng no hơi, sình bụng, tiêu chảy, gốc ban dây dưa;

Dùng lá Bạc hà 100g, củ Bồ bồ 100g, hoa Kinh giới 100g, Trần bì lâu năm 100g, lá Đậu chiều 100g, Lức cây 100g. Hương phụ sao 100g, Hậu phác sao 100g, củ Sả 100g. Các vị hoà chung, tán bột nhuyễn. Mỗi lần uống 1 muỗng cà phê, trẻ em nửa liều; ngày uống 2 - 3 lần (kinh nghiệm dân gian ở An Giang).

Trên đây là một số thông tin về cây Đậu chiều mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM