Đan sâm - Chữa huyết tích hòn cục, đau thắt ngực, mất ngủ, kinh nguyệt không đều
Đan sâm chủ trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực; mất ngủ, tâm phiền. Để biết thêm thông tin về vị thuốc đan sâm, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae).
1. Mô tả
Rễ ngắn, thô, đôi khi ở đầu rễ còn sót lại gốc của thân cây. Rễ hình trụ dài, hơi cong queo, có khi phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ; dài 10-20 cm, đường kính 0,3 – 1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già bong ra, thường có màu nâu tía. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gẫy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
Dược liệu từ cây trồng tương đối mập chắc, đường kính 0,5 – 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, có nếp nhăn dọc, phần vỏ bám chặt vào gỗ không dễ bóc ra. Chất chắc, mặt bẻ gẫy tương đối phẳng, hơi có dạng chất sừng.
2. Vi phẫu
Rễ: Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào có thành dày, bị bẹp. Mô mềm vỏ dày cấu tạo bởi tế bào hình tròn hay bầu dục, thành mỏng, xếp đều đặn theo hướng tiếp tuyến. Libe cấp 2 gồm những tế bào nhỏ, thành mỏng, xếp đều đặn và liên tục thành vòng tròn và tập trung dày hơn ở những chỗ tương ứng với các nhánh gỗ. Tia ruột rộng, mỗi tia gồm 6 - 35 dãy tế bào có thành mỏng, xếp theo hướng xuyên tâm từ gần trung tâm xuyên qua gỗ đến libe cấp 2.
3. Bột
Màu đỏ nâu, mùi thơm, vị hơi ngọt sau đắng, chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần có các tế bào màu đỏ nâu, hình nhiều cạnh, thành dày. Tế bào mô mềm hình gần tròn, thành mỏng, mảnh mạch điểm rộng 20 - 50 μm. Sợi dài, thành dày.
4. Định tính
A. Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 5 ml ethanol (TT), đun sôi, lọc. Dịch lọc có màu đỏ vàng (dung dịch A).
Lấy 1 ml dung dịch A, thêm 1 giọt thuốc thử Nessler (TT), cho tủa màu nâu đất.
Lấy 1 giọt dung dịch A, đặt trên phiến kính, bốc hơi ethanol cho khô, đem soi kính hiển vi có tinh thể màu đỏ da cam.
Lấy 1 giọt dung dịch A đặt trên phiến kính, thêm 1 giọt dung dịch natri bisulfit 3,3% (TT), lập tức xuất hiện tinh thể không màu.
B. Đun sôi 5 g bột dược liệu với 50 ml nước trong 15 - 20 phút, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trong cách thủy tới khô. Hòa tan chất chiết được trong 3 - 5 ml ethanol (TT), lọc: Nhỏ vài giọt dịch lọc lên 1 tờ giấy lọc, để khô và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, thấy ánh sáng huỳnh quang lục-xanh lơ.
Lấy 0,5 ml dịch lọc trên, thêm 1 - 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), sẽ có màu lục bẩn.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G
- Dung môi khai triển: Benzen - ethyl acetat (19 : 1).
- Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml ether (TT) lắc, để yên 1 giờ, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thuỷ đến cắn, hoà tan cắn trong 1 ml ethyl acetat (TT) dùng làm dung dịch thử.
- Dung dịch đối chiếu (1): Lấy 1 g bột Đan sâm (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
- Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan một lượng tanshinone IIA trong ethylacetat (TT) thu được dung dịch đối chiếu chứa 2 mg tanshinone IIA / 1 ml.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát ở ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu; và/hoặc một vết màu đỏ sẫm trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vị trí và màu sắc trùng với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 12 %.
Tạp chất: Không quá 1 %.
Tro toàn phần: Không quá 10,0%.
Chất chiết được trong dược liệu
- Chất chiết được trong ethanol: Không ít hơn 15,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
- Sử dụng phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 95% (TT) làm dung môi.
- Chất chiết được trong nước: Không ít hơn 35,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
- Sử dụng phương pháp ngâm lạnh (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.
5. Chế biến
Mùa xuân hay mùa thu, đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hoặc sấy khô.
6. Bảo quản
Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
7. Bào chế
Đan sâm khô, loại bỏ tạp chất và thân sót lại, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô để dùng.
Tửu đan sâm (Chế rượu): Lấy đan sâm đã thái phiến, thêm rượu, trộn đều, đậy kín, để 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội. Cứ 10 kg đan sâm cần 1 lít rượu.
Tính vị, quy kinh
Khổ, vi hàn. Vào cỏc kinh tâm, can.
8. Công năng, chủ trị
Hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, thanh tâm lương huyết. Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực; mất ngủ, tâm phiền.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dựng 9 - 15 g, dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ
Không dùng chung với Lê lô.
Những thông tin mà bài viết tổng hợp được từ vị thuốc đan sâm chỉ có giá trị tham khảo. Bạn đừng nên tự ý áp dụng bài thuốc nào từ dược liệu này khi chưa tham vấn thầy thuốc hay những người có chuyên môn