Đại phù bình - Chữa trị ngoại cảm, mày đay, đơn độc, phù thũng
Cây phù bình thường được gọi với một cái tên thân thuộc hơn tại Việt Nam là cây bèo cái, là loài thực vật được tìm thấy khá nhiều ở các ao hồ, đầm lầy tại một số địa phương ở nước ta. Cây phù bình được thu hái và chế biến quanh năm để sử dụng trong các thuốc chữa các bệnh về da, ho, hen suyễn, viêm xoang – mũi,…Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây đại phù bình, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Cả cây bỏ rễ đã phơi hay sấy khô của Bèo cái (Pistia stratiotes L.), họ Ráy (Araceae).
1. Mô tả
Toàn cây đã bỏ rễ, lá mọc quanh gốc thành hình hoa thị, nhăn nheo, thường mọc thành cụm. Phiến lá hình trứng ngược, rộng từ 2 - 8 cm, màu lục nhạt, mặt dưới có lông mịn. Chất mềm dễ vỡ vụn. Mùi thơm nhẹ, vị hơi mặn, cay.
Độ ẩm: Không quá 12%.
Tro toàn phần: Không quá 20%. Nung đến khối lượng không đổi.
2. Chế biến
Thường thu hái vào mùa hè, vớt lấy cả cây, để ráo nước, loại bỏ rễ và tạp chất, phơi khô. Có thể sao vàng hoặc đồ chín rồi phơi khô và tán bột.
3. Bào chế
Rửa sạch, loại bỏ rễ và tạp chất, thái nhỏ phơi khô. Có thể phơi khô, sao vàng hoặc đồ chín, phơi khô, tán bột.
4. Bảo quản
Để nơi khô, mát.
Tính vị, quy kinh
Tân, hàn. Vào hai kinh phế, thận.
5. Công năng, chủ trị
Phát hãn khu phong, hành thuỷ tiêu phù. Chủ trị: Ngoại cảm, mày đay (phong chẩn, ẩn chẩn), đơn độc, phù thũng.
6. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 8 g dược liệu khô, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Giã nát với ít muối để đắp hoặc sắc nước đặc, xông rửa.
Kiêng kỵ
Không phải thực nhiệt, thực tà, người ra mồ hôi nhiều, thể hư không nên dùng. Có thai, cấm dùng.
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về cây phù bình cũng như là công dụng của dược liệu này mang lại. Tuy nhiên, thông tin bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, bạn đọc cần tham khảo phương pháp điều trị từ bác sĩ, không được tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.