Dạ cẩm - Chữa viêm loét dạ dày, lở miệng
Dạ cẩm là một dược liệu thuộc họ cà phê. Để biết thêm thông tin về vị thuốc dạ cẩm, phân bố ở đâu, công dụng như thế nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN nhé!
Mục lục nội dung
Phần trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây Dạ cẩm (Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don), họ Cà phê (Rubiaceae).
1. Mô tả
Thân, cành non có hình 4 cạnh, đa phần thân tròn, phình lên ở các đốt. Lá đơn nguyên, mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, tròn hay nhọn ở gốc, đầu nhọn, dài 5 - 15 cm, rộng 3-5 cm, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống ngắn; gân lá nổi rõ ở mặt dưới lá. Lá kèm chia 4 - 5 thuỳ hình kim. Cụm hoa là một xim phân đôi, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, gồm những tán tròn mang hoa màu trắng hoặc trắng vàng. Đài 4 thuỳ hình ngọn giáo nhọn, nhẵn. Tràng hợp hình ống, 4 cánh hình ngọn giáo, hơi có lông ở mặt ngoài, ống tràng có lông ở họng, nhị 4, chỉ nhị ngắn, bao phấn dài, vượt ra ngoài ống tràng, bầu dưới 2 ô, có lông. Quả nang chứa nhiều hạt rất nhỏ. Toàn cây có lông mịn.
2. Vi phẫu
Lá: Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào nhỏ, tương đối đều nhau, mang lông che chở đa bào.
Phần gân lá có mô dày gồm những tế bào thành dày xếp đều đặn dưới lớp tế bào biểu bì ở phía lõm và phía lồi của gân chính. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn hay hình đa giác xếp lộn xộn, kích thước không đều nhau, thành mỏng. Bó lie-gỗ hình cung nằm ở giữa gân lá, cung libe ở ngoài ôm lấy gỗ ở trong.
Phiến lá: sau lớp biểu bì trên là 2 hàng tế bào mô giậu xếp vuông góc với biểu bì trên. Mô khuyết.
Thân: Ngoài cùng là lớp biểu bì có lông che chở đa bào. Mô dày gồm 2 -3 lớp tế bào thành dày xếp sát lớp biểu bì (ở thân già thì ngoài cùng là lớp bần, không có mô dày). Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng xếp lộn xộn. các bó libe xếp sát nhau thành vòng liên tục, tầng phát sinh libe-gỗ, mô mềm gỗ tạo thành vòng. Tế bào mô mềm ruột to, tròn.
3. Bột
Màu xanh lục, soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì là những tế bào hình chữ nhật tương đối đều nhau, có đính lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm gồm những tế bào đa giác thành mỏng. Bó sợi dài. Tinh thể calci oxalat hình kim. Mảnh mạch mạng, mạch xoắn.
4. Định tính
C. Lấy 10 g bột dược liệu, thấm ẩm dược liệu bằng amoniac đặc (TT), để yên 45 phút. Cho vào bình vào bình Soxhlet, thêm 50 ml cloroform (TT), chiết trong 3 giờ. Lấy dịch chiết cất thu hồi dung môi, hòa tan cắn trong dung dịch acid sulfurric 5% (TT) (2 lần, mỗi lần 5 ml). Lấy phần dịch chiết acid vào bình gạn, chiết với ether (TT) 3 lần, mỗi lần 5 ml, bỏ dịch chiết ether lấy phần dịch acid đặt trên cách thuỷ để đuổi hết hơi ether, kiềm hoá dịch chiết acid bằng amoniac đặc (TT) đến pH 10 rồi chiết với cloroform (TT) 3 lần, mỗi lần 5 ml. Gộp các dịch chiết cloroform, bay hơi hết dung môi tới cắn, hoà cắn trong 5 ml dung dịch acid sulfuric 5% (TT), lọc, cho dịch lọc vào 4 ống nghiệm để làm các phản ứng sau đây:
Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.
Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric 10% (TT), xuất hiện tủa vàng.
Độ ẩm: Không quá 11 %.
Tạp chất: Không quá 1%.
5. Chế biến
Thu hoạch quanh năm, lấy phần trên mặt đất của cây, phần nhiều là lá và ngọn, rửa sạch, loại tạp chất, chặt thành đoạn 5 - 6 cm, phơi hoặc sấy khô.
6. Bảo quản
Để nơi khô ráo.
Tính vị, quy kinh
Cam, vi khổ, bình. Vào hai kinh tỳ, vị.
7. Công năng chủ trị
Thanh nhiệt giải độc, chỉ thống tiêu viêm, lợi tiểu. Chủ trị: Các bệnh viêm loét dạ dày, lở miệng lưỡi, viêm họng, lở loét ngoài da.
8. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 20 - 40 g lá khô, chia làm 2 lần, dạng thuốc sắc hoặc hãm, thuốc cao, thuốc bột hoặc cốm, uống vào lúc đau và trước khi ăn.
Làm chóng lên da non: Lá tươi giã với muối, đắp nơi đau.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc dạ cẩm. Trong quá trình sử dụng dược liệu, bạn nên chú ý về liều lượng và cách dùng để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, không nên sử dụng dạ cẩm điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai khi chưa được bác sĩ đồng ý.