Củ mài - Chữa trị kém ăn, tiêu chảy, phế hư, ho suyễn, di tinh, đới hạ, tiêu khát.
Củ mài mặc dù mọc hoang dại nhưng lại được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tác dụng chính của nó là chữa suy nhược cơ thể, đồng thời bồi bổ ngũ tạng. Để biết thêm thông tin về vị thuốc củ mài mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Rễ củ đã chế biến, phơi hay sấy khô của cây Củ mài, còn gọi là Hoài sơn (Dioscorea persimilis Prain et Burkill), họ Củ nâu (Dioscoreaceae).
1. Mô tả
Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ, thẳng hay cong, dài từ 5 cm trở lên, có thể dài tới 1 m, đường kính 1 - 3 cm, có thể tới 10 cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.
2. Bột
Nhiều hạt tinh bột hình trứng hay hình chuông, dài 10 - 60 mm, rộng khoảng 15 - 50 mm, có vân đồng tâm, rốn lệch tâm, hình chấm hay hình vạch. Tinh thể calci oxalat hình kim dài 35 - 50 mm. Mảnh mô mềm gồm các tế bào màng mỏng, chứa tinh bột. Mảnh mạch mạng.
3. Định tính
A. Dưới ánh sáng tử ngoại bột dược liệu phát quang màu trắng sáng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G
- Dung môi khai triển: Cloroform - methanol (9: 1).
- Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml hỗn hợp cloroform - methanol (4 : 1), đun sôi dưới ống sinh hàn hồi lưu khoảng 10 phút. Lọc, cô còn khoảng 1 ml.
- Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Củ mài (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
- Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 15 - 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, phun dung dịch vanilin 1% trong hỗn hợp acid phosphoric - methanol (1 : 1). Sấy bản mỏng ở 120 oC trong 15 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu tím và giá trị Rf tương tự các vết của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 12%.
Tro toàn phần: Không quá 2%.
Tạp chất: Tạp chất: Không quá 0,5%.
Dược liệu có màu vàng và đỏ: Không được có.
4. Chế biến
Đào lấy dược liệu, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước phèn chua 2% khoảng 2 - 4 giờ. Vớt ra rửa sạch, cho vào lò sấy lưu huỳnh đến khi củ mềm. Phơi hay sấy cho se. Tiếp tục sấy lưu huỳnh 24 giờ. Phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 - 60 oC đến khô.
5. Bào chế
Dược liệu đã loại bỏ tạp chất, phân loại lớn nhỏ, rửa sạch, ngâm tới khi mềm thấu (độ 1 - 2 giờ), ủ một đêm, thái lát, phơi khô, dùng sống hoặc có thể sao qua.
Dược liệu sao cám: Rải cám vào nồi, đun nóng đến khi bốc khói, cho dược liệu vào, sao đến khi có màu vàng nhạt, rây bỏ cám, để nguội, cứ 100 kg dược liệu, cần dùng 10 kg cám.
6. Bảo quản
Để nơi khô, mát, tránh sâu, mốc, mọt.
Tính vị, quy kinh
Cam, bình. Vào các kinh tỳ vị, phế, thận.
7. Công năng, chủ chị
Bổ tỳ, dưỡng vị, chỉ tả, sinh tân, ích phế, bổ thận, sáp tinh. Chủ trị: Kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho suyễn, di tinh, đới hạ, tiêu khát.
Dược liệu sao cám: Tăng tác dụng kiện tỳ vị.
8. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 12 - 30 g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Kiêng kỵ
Có thực tà thấp nhiệt thì không dùng.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc củ mài. Bài viết đã đề cập đến một số thông tin về dược liệu củ mài. Để có thể sử dụng an toàn và hiệu quả nhất, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để nhận lời khuyên.