Cối xay - Chữa cảm mạo, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng

Y học dân gian không còn quá xa lạ với cây cối xay. Đây là một loại thảo dược dễ tìm, dễ sử dụng nhưng mang lại nhiều công dụng tuyệt vời trong việc hỗ trợ và điều trị bệnh. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây cối xoay, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Cối xay - Chữa cảm mạo, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng

Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Cối xay (Abutilon indicum (L.) Sweet), họ Bông (Malvaceae).

1. Mô tả

Dược liệu gồm các đoạn thân, cành, lá, hoa, quả. Tất cả các bộ phận đều có lông. Thân lớn đường kính khoảng 1,2 cm, được cắt vát dài 1 - 1,5 cm. Thân nhỏ và cành thường được cắt thành đoạn dài 3 - 4 cm. Vỏ thân có vân nhăn nheo dạng lưới, màu nâu xám nhạt hay lục xám, vỏ cành thường nhẵn. Lá khô bị nhăn nheo, nhàu nát, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, nếu ngâm nước rồi rải trên một mặt phẳng sẽ thấy lá mỏng mềm, hình tim, đầu nhọn, dài rộng khoảng 5 - 10 cm. Hoa màu vàng, có cuống, mọc đơn độc ở nách lá. Quả hình cầu cụt đầu giống thớt cối xay, đường kính 1,5 - 2 cm, có khoảng 20 phân quả, mỗi phân quả có một vỏ nhọn như gai, có lông dày, chứa 3 hạt màu đen nhạt, hình thận.

2. Vi phẫu

Biểu bì trên và dưới đều có lông che chở hình toả tròn. Phiến lá toàn bộ là mô mềm khuyết, dưới lớp biểu bì của gân lá có mô dày, ở giữa gân lá là bó libe gỗ. Trong phần mô mềm có túi chứa chất nhày.

Vi phẫu thân: Biểu bì có nhiều lông che chở hình toả tròn, ngoài ra còn có ít lông che chở đa bào một dãy; rải rác có lông tiết chân đa bào một dãy, đầu đơn bào. Trong mô mềm, có rải rác có tế bào chứa chất nhày. Bó libe gỗ cấp hai xếp thành vòng liên tục. Trong cùng là mô mềm ruột.

Độ ẩm: Không quá 13 %.

3. Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ, đem về, giũ sạch bụi, cắt thành những đoạn theo kích thước quy định, phơi hoặc sấy khô.

4. Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc.

Tính vị, quy kinh

Cam, bình. Vào các kinh tâm, đởm.

5. Công năng, chủ trị

Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.

6. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 8 - 12 g, dạng thuốc sắc.

Trên đây là một số công dụng và cách sử dụng dược liệu được chúng tôi tổng hợp. Tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh khác nhau ở mỗi người mà có thể lựa chọn bài thuốc phù hợp từ cây cối xay. Chúc bạn đọc sức khỏe!

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM