Cỏ ngọt - Chữa trị tiêu khát, lợi tiểu, hạ huyết áp
Cỏ ngọt là loại thực vật có chứa Steviol – một hoạt chất có độ ngọt gấp 300 lần so với đường kính nhưng không chứa năng lượng. Vì vậy cỏ ngọt được sử dụng để tạo vị ngọt tự nhiên trong món ăn cho bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây cỏ ngọt, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Lá thu hái ở những cây sắp ra hoa phơi hay sấy khô của cây Cỏ ngọt (Stevia rebaudiana (Bertoni) Hemsley, họ Cúc (Asteraceae).
1. Mô tả
Lá hình trái xoan hẹp hay hình trứng ngược, màu xanh lục vàng, dài từ 2,5 - 6,0 cm; rộng 1,0 - 1,8 cm. Hai mặt đều có lông mịn, mép lá khía răng cưa. Mặt trên lá có 3 gân nổi rõ cùng xuất phát từ cuống lá; gân phụ phân nhánh. Vị rất ngọt.
2. Vi phẫu
Phần gân lá: Gân phía dưới lồi, phía trên gần phẳng hơi lõm xuống. Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào nhỏ, hình trứng, xếp liên tục, đều đặn, mang lông che chở đa bào cấu tạo bởi 4 - 6 tế bào xếp thẳng hàng, đầu lông nhọn. Mô dày cấu tạo bởi 2 - 3 lớp tế bào hình tròn, có thành dày ở góc, xếp sát dưới biểu bì. Mô mềm là những tế bào hình đa giác hay tròn, thành mỏng, có kích thước không đều. ở giữa gân thường có các số lẻ bó libe-gỗ hình tròn, có thể là 1, 3, 5 bó có cấu tạo tương tự nhau. Bó libe-gỗ ở giữa thường có kích thước lớn nhất, libe bao quanh bó gỗ, gỗ cấu tạo bởi các mạch gỗ lớn, xếp thành hàng, tập trung thành bó. Mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình tròn, có thành mỏng.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật, to hơn so với biểu bì ở gân lá, mang lông che chở đa bào tương tự phần gân lá. Mô giậu cấu tạo bởi 2 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp sít nhau và thẳng góc với biểu bì trên. Trong phiến lá có thể có một vài bó libe-gỗ nhỏ của gân phụ. Mô khuyết là những tế bào to nhỏ không đều nhau, có thành mỏng.
3. Bột
Bột có màu vàng lục, vị ngọt. Nhìn dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần cấu tạo bởi những tế bào hình chữ nhật hay đa giác, xếp thành 1 - 2 lớp tế bào. Lông che chở đa bào, một dãy, cấu tạo bởi 6 - 8 tế bào hoặc nhiều hơn, các tế bào ngắn, gần như hình vuông có 4 góc hình cung, đặc biệt ở gốc lông, tế bào đầu lông có thể nhọn hoặc tù. Ðôi khi thấy lông tiết đa bào hình chuỳ cấu tạo 2 - 3 tế bào. Mảnh mô mềm hình trứng hay chữ nhật, thành mỏng. Mảnh biểu bì mang lỗ khí, đôi khi có lông che chở. Thường thấy nhiều mảnh mạch mạng, mạch xoắn, mạch điểm. Sợi tập trung thành bó hay đứng riêng lẻ, tế bào sợi có kích thước ngắn, nhỏ, có thành dày, khoang rộng, sợi có thể mang những gai nhỏ, rất nhọn. Mô cứng cấu tạo bởi các tế bào thành dày hoá gỗ, có khoang rộng. Hạt phấn hoa to, hình cầu gai , mảnh cánh hoa cấu tạo bởi các tế bào thành mỏng, có bề mặt sần sùi.
4. Định tính
A. Dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm, bột dược liệu có huỳnh quanh màu lục vàng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G
- Dung môi khai triển: n-Butanol - acid acetic - nước (30 : 10 : 10).
- Dung dịch thử: Lấy 1 g bột thô dược liệu, thêm 20 ml methanol (TT), lắc kỹ và đun sôi 2 phút trên cách thuỷ. Lọc, được dung dịch để chấm sắc ký.
- Dung dịch đối chiếu:Dung dịch steviosid 0,25% trong methanol (TT) hoặc dùng 1 g bột thô lá Cỏ ngọt (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10% trong methanol (TT) vừa mới pha.Sấy bản mỏng ở 105 oC đến khi xuất hiện vết. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có ít nhất 4 vết, trong đó vết chính có cùng màu sắc và giá trị Rf với vết steviosid đối chiếu. Nếu dùng mẫu đối chiếu là lá Cỏ ngọt thì các vết của mẫu thử phải giống các vết của mẫu đối chiếu về vị trí và màu sắc.
Độ ẩm: Không quá 13%.
Tạp chất: Tỷ lệ cành mang lá: Không quá 10%.
Tạp chất khác: Không quá 1%
Tro toàn phần: Không quá 8,5%.
Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 18,0%.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.
5. Chế biến
Khi cây sắp ra hoa, cắt cành ở khoảng cách trên mặt đất 10 - 20 cm, hái lấy lá, loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30 - 40 oC đến khô.
6. Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh sâu mọt.
Tính vị qui kinh
Vị ngọt, tính mát, vào kinh phế tỳ thận.
7. Công năng chủ trị
Trừ tiêu khát, lợi tiểu, hạ huyết áp dùng trong các trường hợp đái đường, đái nhạt, bí tiểu tiện, huyết áp cao.
8. Cách dùng, liều lượng
Ngày 8 – 12 g, hãm hoặc sắc uống.
Bài viết trên của eLib.VN đã tổng hợp một số thông tin cần biết về dược liệu cỏ ngọt. Nếu có ý định áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn bài thuốc và liều lượng cụ thể.