Cỏ đắng - Làm thuốc trị bò cạp đốt
Cỏ đắng là cây thảo thuộc họ Lúa, thường mọc đứng, thành bụi, phân bố ở nhiều nước nhiệt đới khác của Châu Á, được dùng làm thức ăn gia súc hoặc làm thuốc trị bò cạp đốt. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Cỏ đắng, Cỏ chửa, Cỏ trứng ếch - Paspalum scrobiculatum L., thuộc họ Lúa - Poaceae.
1. Mô tả
Cây thảo thường mọc đứng, thành bụi, có thân cao 15 - 20 cm. Lá mọc thẳng đứng hình dải hay ngọn giáo, có lông mịn nhiều hay ít, dài 15 - 40cm, rộng 2 - 8mm, có gân giữa yếu, mép lá ráp. Cụm hoa bông giả gồm 2 - 10 cái cách xa nhau, trải ra hay mọc đứng. Bông nhỏ xếp 2 dãy, dài 2 - 3,5mm, lợp lên nhau, hình tròn hay gần như hình trứng, phẳng - cong, nhẵn. Quả thóc có hai mặt lồi, màu nhạt, chứa mầm lớn.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Paspali Scrobiculati.
3. Nơi sống và thu hái
Thông thường ở nơi ẩm bình nguyên. Còn phân bố ở nhiều nước nhiệt đới khác của Châu Á.
4. Thành phần hoá học
Có một chất độc nằm ở vỏ ngoài của hạt và chất béo trong hạt, không phải alcaloid, không phải glucosid nhưng có bản chất glucosidic, có thể do một loại nấm ký sinh gây ra.
5. Tính vị, tác dụng
Hạt có độc cho động vật ăn cỏ và cả cho người nhưng nếu nấu sôi lên cho bốc hơi độc thì sẽ không còn hiệu quả. Lá không độc.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Lá dùng làm thức ăn gia súc. Thường do cây có lẫn hạt vào nên động vật ăn cỏ ít ăn. Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây làm thuốc trị bò cạp đốt.
Trên đây là một số thông tin về cây Cỏ đắng mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.