Chổi đực - Trị đau thấp khớp
Chổi đực là cây dưới bụi, có thân hóa gỗ, thuộc họ Bông, mọc hoang gần như phổ biến dọc đường đi, bãi trống vùng đồi núi và cả đồng bằng khắp nước ta, có vị đắng se, tính mát, được dùng trị đau thấp khớp, đau thần kinh, bệnh về đường tiết niệu, đau ruột mạn tính, đắp mụn nhọt,... Mời bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến Chổi đực qua bài viết này nhé.
Mục lục nội dung
Chổi đực, Bái chổi, Bái nhọn - Sida acuta Burm f. thuộc họ Bông - Malvaceae.
1. Mô tả
Cây dưới bụi, có thân hoá gỗ, cao 0,8 - 1m, có rạch. Lá thon dài, màu lục nhạt, tròn ở gốc, nhọn mũi, hai mặt gần như nhẵn, dài 25 - 60mm, rộng 25 - 60mm; mép lá có răng; lá kèm nhỏ ngắn. Hoa vàng tái ở nách lá, đơn độc, có cuống hoa gần vượt quá cuống lá; 5 lá đài dính nhau đến một nửa; 5 cánh hoa vàng. Quả có 5 mảnh vỏ, có vân mạng ở mặt lưng, có cạnh có răng, nhẵn, sừng cong, nhọn. Hạt có lông ở đỉnh.
Ra hoa quanh năm.
2. Bộ phận dùng
Rễ và lá - Radix et Folium Sidae Acutae.
3. Nơi sống và thu hái
Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang gần như phổ biến dọc đường đi, bãi trống vùng đồi núi và cả đồng bằng khắp nước ta.
Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
4. Tính vị, tác dụng
Rễ có vị đắng se, tính mát, có tác dụng làm mát, hạ nhiệt, lợi tiểu, làm ra mồ hôi, lợi tiêu hoá. Lá có vị đắng, có tác dụng làm dịu và làm tan sưng.
5. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Rễ dùng làm thuốc bổ đắng giúp ăn ngon cơm cũng dùng trị đau thấp khớp. Ở Ấn Độ, rễ được dùng trị đau về thần kinh và bệnh đường tiết niệu, cũng dùng trị đau ruột mạn tính và như chất kích dục. Lá dùng đắp mụn nhọt để làm vỡ mủ. Người ta dùng lá giã ra lấy dịch để rửa các vết lở loét cũng dùng đắp trị viêm mắt. Ở Ấn Độ, lá được dùng hơ nóng thấm dầu gừng dùng đắp để làm mưng mủ mụn nhọt.
Trên đây là một số thông tin về cây Chổi đực mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.