Chiêu liêu - Chữa trị tiêu chảy và kiết lỵ

Chiêu liêu là một loại thảo dược có khả năng chữa các bệnh liên quan đến đường ruột hay vòm họng. Để biết được nhiều hơn về công dụng của nó eLib.VN xin mời bạn đọc bài viết dưới đây.

Chiêu liêu - Chữa trị tiêu chảy và kiết lỵ

Vỏ thân phơi hay sấy khô của cây Chiêu liêu (Terminalia nigrovenulosa Pierre ex. Laness.), họ Bàng (Combretaceae).

1. Mô tả

Dược liệu là những mảnh vỏ thân dài 40 - 50 cm, rộng 5 - 10 cm hay hơn, dày khoảng 0,8 - 1,5 cm. Mặt ngoài có lớp bần màu trắng đến vàng nhạt, xù xì, tương đối mỏng so với vỏ. Mặt trong khá nhẵn, toàn bộ có màu đỏ sậm, mặt bẻ lởm chởm. Thể chất nặng và chắc. Mùi nhẹ, vị hơi chát.

2. Vi phẫu

Lớp bần dày, cấu tạo bởi những tế bào hình chữ nhật có thành dày xếp đồng tâm và xuyên tâm, có chỗ nứt rách và bong ra. Tầng sinh bần-lục bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật xếp khá đều đặn. Mô mềm vỏ tế bào hình chữ nhật, thành mỏng, có nhiều đám tế bào mô cứng, tinh bột và tinh thể calci oxalat. Tế bào mô cứng thường hợp thành từng đám hình chữ nhật hay hình nhiều cạnh, có thành rất dày, lỗ trao đổi rõ. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai có kích thước thay đổi. Libe cấp II khá dày cấu tạo bởi những tế bào có thành mỏng. Sợi libe xếp thành đám chia libe thành nhiều tầng (libe kết tầng). Xen kẻ những tầng libe là những tầng tế bào chứa đầy tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Nhiều tia tuỷ ngăn cách các tầng thành những ô nhỏ.

3. Bột

Bột màu đỏ hồng, mùi nhẹ, vị hơi chát. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm tế bào hình chữ nhật, có thành dày xếp khá đều đặn. Mảnh mô mềm gồm tế bào hình nhiều cạnh hay hình chữ nhật, chứa nhiều tinh bột và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Tinh thể calci oxalat có rất nhiều, kích thước thay đổi từ 10 - 40 mm. Mảnh mô mềm chứa chất màu (đỏ cam, đỏ nâu ...). Khối có màu (vàng cam, đỏ cam, đỏ nâu ...). Nhiều tế bào mô cứng hình chữ nhật hay hình nhiều cạnh, màu vàng nhạt, vách rất dày, lỗ trao đổi rõ, thường chụm thành đám. Sợi nằm riêng rẻ hay hợp thành  bó. Rất nhiều hạt tinh bột có hình dạng biến  thiên, tễ  hình vạch hay hình  sao, kích thước từ 2 - 5 mm đôi khi đến 10 mm.

4. Định tính

A. Lấy 1 gam bột dược liệu, thêm 30 ml nước, đun trong cách thuỷ sôi 15 phút. Lọc qua 1-2 lớp giấy lọc nếu cần (dung dịch A).

Cho vào 2 ống nghiệm, mỗi ống 2 ml dung dịch A.

Ống 1: thêm 1-2 giọt thuốc thử gelatin-natri clorid (TT), xuất hiện tủa trắng đục.

Ống 2: thêm 1-2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 1% (TT), dung dịch có màu xanh rêu.

B. Cho vào 2 ống nghiệm, mỗi ống 2 ml dung dịch A.

Ống 1: thêm 3 giọt thuốc thử Stiasny (TT), đun nóng trong cách thuỷ 10 phút, xuất hiện tủa vón màu đỏ gạch.

Ống 2: thêm 1 - 2 giọt nước brom (TT), xuất hiện tủa ngà.

C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel G 60 F254.
  • Dung môi khai triển : Cloroform - ethylacetat - acid formic (5 : 4 : 1).
  • Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu khô cho vào bình nón dung tích 250 ml, thêm 20 ml hỗn hợp dung môi khai triển, lắc siêu âm 30 phút, lọc. Lấy dịch lọc, để bay hơi trên cách thuỷ đến cạn. Hoà cắn trong 2 ml hỗn hợp dung môi khai triển.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Chiêu liêu khô (mẫu chuẩn). Tiến hành chiết như với dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 5 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký xong, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 2% trong acid sulfuric (Cách pha: Hoà tan 0,1 g vanilin (TT) trong 5 ml acid sulfuric (TT), pha ngay trước khi dùng). Sấy bản mỏng ở 110 oC cho đến khi xuất hiện vết.

Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf  với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 12%.

Tro toàn phần: Không quá  14%.

Tro không tan trong acid hydrocloric: Không quá  2%.

Tạp chất: Không quá  1%.

Chất chiết được trong dược liệu: Không dưới 25,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Vào mùa thu, lấy phần vỏ ở những cây to, xử lý theo kích thước quy định, phơi hoặc sấy khô.

6. Bảo quản

Bao bì kín, để nơi khô ráo.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn, có độc.

7. Công năng, chủ trị

Tác dụng phá huyết, hành huyết, thông kinh lạc, trục phong đờm. Chủ trị tiêu chảy và kiết lỵ.

8. Cách dùng

Dùng 20 - 40 g dạng cao lỏng hay 50 - 100 g dạng cồn thuốc (1/5). Có thể dùng dạng viên hay sirô.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai không nên dùng.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc chiêu liêu. Tuy nhiên vì sự an toàn mà eLib.VN cũng khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc trên. Tránh việc bị dị ứng hay lạm dụng kha tử mà ảnh hưởng đến cơ thể. 

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM