Chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên
Nghiên cứu khoa học được xem như một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của sinh viên. Trong bài viết dưới đây eLib sẽ trình bày chi tiết kinh nghiệm và lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên. Mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học
Đối với mỗi sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, bên cạnh việc học tập các môn trên lớp, nghiên cứu khoa học được xem như một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của sinh viên. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn chúng ta yêu thích, mà còn cho ta một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho chúng ta cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Nhận thức được những lợi ích to lớn từ việc tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, ngay từ những năm đầu của bậc học đại học, nhóm chúng tôi đã nhiệt tình tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học phát động hàng năm. Mặc dù, do còn thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng, kiến thức còn mỏng, đề tài của nhóm không được thứ hạng cao như mong đợi, nhưng thực sự lần tham gia này đã cho chúng tôi những bài học hết sức quý báu. Sau đây, tôi xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của chính bản thân mình:
- Bài học lớn nhất mà tôi rút ra cho bản thân – đó chính là cách sắp xếp, phân bổ thời gian làm sao cho hợp lý nhất. Cũng như các bạn, chúng tôi cũng có rất nhiều dự định muốn làm nhưng không phải cái nào cũng thực hiện được vì quỹ thời gian hạn hẹp. Vì vậy, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, bạn phải xác định trước hết mức độ cần thiết, quan trọng của nó với bạn đã. Việc nào quan trọng nhất thì làm trước và dành nhiều thời gian nhất. Tốt nhất là bạn hãy lập một thời gian biểu chi tiết cho các việc cần làm. Bạn đừng xem thường cái thời gian biểu này. Nó không những giúp bạn ghi nhớ những công việc cần làm, mà còn đặt ra mốc thời gian để bạn có thêm động lực làm việc. Bởi, dù sao hoàn thành một việc gì đó như mình mong muốn cũng làm thoả mãn, cho ta cái cảm giác là một người làm việc có kế hoạch. Thường thì cuộc thi SVNCKH thường diễn ra trong thời gian học chính thức ở trường, do vậy các bạn thường phải nghiên cứu khoa học song song với việc học, thậm chí thi trên lớp. Nhiều khi bạn cảm thấy không còn thời gian cho đề tài của mình nữa vì khối lượng bài vở quá nhiều. Để tránh tình trạng này, tôi khuyên bạn hãy dành mỗi ngày khoảng từ 1-2 h cho đề tài của mình như tìm tài liệu, lọc tài liệu cần thiết, tranh thủ viết …Đừng để công việc dồn ứ lại, bạn sẽ cảm thấy quá tải, và đâm ra chán chường với đề tài của mình.
Một kinh nghiệm nữa liên quan đến vấn đề này là khi sắp xếp thời gian, bạn hãy để dôi ra khoảng 15 phút, bởi nhiều khi trong thực tế sẽ phát sinh nhiều việc không trong dự định của bạn. Nhóm chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm “đau thương”. Tôi xin dẫn chứng đây một ví dụ. Đó là khi chúng tôi hẹn gặp thày giáo hướng dẫn, chúng tôi thường đi rất sít giờ, và những lần đấy, trên đường đi thường gặp những sự cố như tắc đường, hỏng xe…Và thường là, thầy giáo là người đợi chúng tôi. Có lần, nhóm đành phải lỡ hẹn với thầy vì xe hỏng 30 phút chưa sửa được.
- Kinh nghiệm thứ hai không kém phần quan trọng đó là làm sao có thể lọc ra được những tài liệu phù hợp cho đề tài của mình trong khối lượng tài liệu tham khảo khổng lồ. Hiện nay, với những công cụ tìm kiếm rất tiện ích trên mạng, bạn không còn phải lo lắng về việc thiếu tư liệu nữa. Nhưng bạn phải đối mặt với vấn đề nan giải không kém: tài liệu nào là tài liệu bạn cần. Thường thì, với những người làm đề tài, nhất là những người mới bắt đầu, bạn thường bị hoa mắt, ngập đầu trong đống tài liệu tìm được. Một giải pháp cho vấn để này là, bạn hãy xem xét lại đề tài của mình, đánh dấu những phần bạn thật sự thấy cần thiết cho đề tài của mình. Và lọc ra những tài liệu liên quan đến những phần đó. Một giải pháp khác là bạn hãy đến gặp thầy giáo hướng dẫn của mình và yêu cầu giúp đỡ. Đừng e ngại, vì các thầy đều rất nhiệt tình giúp đỡ sinh viên, nhất là khi bạn có niềm đam mê theo đuổi một cái gì đó.
- Điều thứ ba tôi muốn chia sẻ với bạn, đó chính là cách trình bày một đề tài nghiên cứu khoa học.Không chỉ chú trọng vào phần nội dung, mà bạn còn nên chú trọng vào phần hình thức nữa. Bởi, chỉ cần nhìn vào hình thức thôi, các vị giám khảo cũng có thể đoán được trình độ chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu khoa học đến đâu. Đặc biệt, bạn cũng cần lưu tâm đến viêc lưu giữ nguồn tài liệu tham khảo. Lời khuyên cho bạn là bạn hãy đặt footnote trong đề tài của mình. Nó sẽ làm cho đề tài của bạn chuyên nghiệp hơn, và cũng đẹp mắt hơn.
2. Lợi ích của nghiên cứu khoa học
Newton có một câu nói nổi tiếng “Điều chúng ta biết là một giọt nước. Điều chúng ta không biết là cả một đại dương”. Là một sinh viên chúng tôi tin chắc rằng các bạn ai cũng biết điều đó. Làm cách nào để đại dương ấy thuộc về bạn? Hãy chụp hình nó và đem về nhà. Làm sao để chụp hình nó? Hãy làm việc đó thông qua nghiên cứu khoa học.
Tại sao nghiên cứu khoa học lại giúp bạn làm được việc đó?
Giúp bạn tìm được đại dương của chính bạn: Trong qua nghiên cứu bạn hiểu sâu hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường hay những bài học tưởng chừng như cằn cỗi trong sách vở hóa ra lại sinh động ở trong đời sống thực tế. Tất cả những cảm giác của nghiên cứu khoa học sẽ mang đến những khám phá mới về những điều chúng ta quan tâm, yêu thích. Từ đó bổ sung được những kiến thức mà không được học ở môi trường đại học, lấp đầy những kiến thức kinh tế cũng như kiến thức về đời sống xã hội mà bản thân không hề thấy mệt mỏi hay nhàm chán.
Einstein – Nhà bác học thiên tài của mọi thời đại
Giúp bạn có những trải nghiệm mới: Trong quá trình đi khảo sát hay thực tế hiện trường các bạn sẽ phải sử dụng những kỹ năng ít khi dùng đến như kỹ năng phỏng vấn, điều tra, phân tích xử lý số liệu… chúng ta sẽ đóng vai như một chuyên gia tài chính thực thụ – một trải nghiệm mới cho những ai thích khám phá bản thân.
Bên cạnh đó còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ: Không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một vài lớp học thôi, mà còn nhiều bạn bè, anh chị, thầy cô trong khoa nói riêng cũng như các khoa với nhau nói chung. Nắm trong tay những mối quan hệ tốt đẹp điều ấy cũng là một lợi thế, để chúng ta có thể học hỏi, mở mang tầm kiến thức đa đạng và phong phú hơn,…
Giúp bạn có được góc quan sát tốt nhất: Nó giúp các bạn cải thiện tiếng anh chuyên ngành của mình, có kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này hay làm khóa luận tốt nghiệp rất bổ ích cho sinh viên năm cuối và những kỹ năng sau này đi làm việc. Cao hơn là những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ…
Bổ sung cho kho tàng hình ảnh của bạn: Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp ích cho việc học của bạn ở trường mà còn giúp bạn có thêm nhiều lợi thế khi đi làm. Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, ăn ý, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong đội. Bên cạnh đó, công việc nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối… nhưng từ những bài học đó giúp chúng ta rút ra những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân tự chiêm nghiệm, và thay đổi.
Nói chung, công việc nghiên cứu khoa học lấy đi nhiều công sức và thời gian của chúng ta nhưng thành quả nó đền đáp cho người có công quả xứng đáng. Đơn giản chúng ta thấy hạnh phúc khi mình làm gì đó dù nhỏ bé nhưng đáng để trân trọng, và ghi nhớ.
Trên đây là bài viết tham khảo về Chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên, hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài viết nghiên cứu khoa học của mình. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm
- doc Những điểm cần lưu ý trong nghiên cứu khoa học
- doc Một số lưu ý khi tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học
- doc Các lưu ý cần nhớ khi đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học
- doc Các nội dung nào cần chú ý khi viết nghiên cứu khoa học