Chỉ xác - Chữa trị ngực sườn trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.
Chỉ xác còn có tên gọi khác là Đường quất, trái già của quả Trấp. Dược liệu mang trong mình vị đắng tính hàn. Vì thế chúng thường được dùng trong điều trị đau nhức xương khớp, tiểu tiện ra máu, đau bụng khi mang thai, động kinh, co giật. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng tả đờm, tả khí, hoạt khiếu, tiêu đầy trướng…Để biết thêm thông tin về vị thuốc chỉ xác, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Quả chưa chín đã bổ đôi, phơi hay sấy khô của cây Cam chua (Citrus aurantium L.), họ Cam (Rutaceae) hoặc cây Cam ngọt (Citrus sinensis (L.) Osbeck), họ Cam (Rutaceae).
1. Mô tả
Chỉ xác có hình bán cầu, đường kính 3 - 5 cm, vỏ quả ngoài màu nâu hoặc nâu thẫm, ở đỉnh có những điểm túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, thấy rõ có vết vòi nhụy còn lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt lớp vỏ quả giữa màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày 0,4 -1,3 cm, có 1 - 2 hàng các túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả ngoài. Chất cứng, rắn, khó bẻ gẫy. Ruột quả có từ 7 - 12 múi, một số ít quả có tới 15 -16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu từ nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
2. Bột
Bột màu trắng hoặc vàng nâu, tế bào vỏ quả giữa hơi tròn hoặc không đều, đa số thành tế bào dày không đều và có dạng chuỗi hạt. Nhìn trên bề mặt tế bào biểu bì vỏ quả ngoài hình đa giác, hình hơi vuông hoặc hình chữ nhật. Lỗ khí hơi tròn, đường kính 16 - 34 µm, có 5 - 9 tế bào kèm. Mô múi cam màu vàng nhạt hoặc không màu dạng màng. Tế bào vỏ quả và tế bào múi chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Thường thấy các tế bào sát với tế bào biểu bì có hình thoi, hình đa diện hoặc hình hai nón, đường kính 3 - 30 µm. Mạch mạng và mạch xoắn.
3. Định tính
A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 25 ml methanol (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 10 phút, lọc lấy dịch chiết (A) và làm các phản ứng sau:
Lấy 5 ml dịch chiết (A), thêm một ít bột magnesi (TT) và 0,5 ml acid hydrocloric (TT), sẽ thấy xuất hiện màu đỏ đến đỏ tía.
Lấy 3 ml dịch chiết (A), thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), thấy xuất hiện màu nâu.
Lấy 3 ml dịch chiết (A), thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 1% (TT), thấy xuất hiện màu vàng đến vàng cam, đôi khi có kèm theo một ít tủa.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G 60 F254.
- Dung môi khai triển: Toluen - methanol (10 : 1 : 3).
- Dung dịch thử: Dịch chiết (A) lấy ở phần định tính.
- Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hesperidin trong methanol (TT )để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml, hoà tan bằng phương pháp đun hồi lưu. Nếu không có hesperidin, lấy 1 g Chỉ xác (mẫu chuẩn) chiết giống như mẫu thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Soi bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại tại bước sáng 254 nm hoặc phun lên bản mỏng dung dịch sắt (III) clorid 5% trong ethanol (TT). Trên sắc ký đồ, dung dịch mẫu thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf so với các vết của dung dịch đối chiếu.
4. Định lượng
Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu (qua rây 1,25 mm), cho vào bình Soxhlet, thêm 100 ml ether dầu hỏa (30 – 60 oC) (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 1 giờ và loại bỏ dịch ether. Sau đó chuyển dược liệu sang bình nón dung tích 250 ml và chiết tiếp bằng cách đun hồi lưu trên cách thủy với methanol (TT) trong 30 phút (50 ml ´ 3 lần). Gộp các dịch chiết và loại dung môi cho đến cắn. Thêm vào cắn 5 ml nước, khuấy và để yên 10 phút, lọc qua phễu lọc xốp, tiếp tục rửa bằng nước (5 ml ´ 4 lần) và loại bỏ nước rửa. Hoà tan cắn trên phễu bằng những lượng nhỏ dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT) cho đến khi dịch lọc không còn màu vàng. Gộp các dịch lọc và chỉnh đến thể tích 100 ml trong bình định mức (dung dịch A). Lắc kỹ, lấy chính xác 2 ml dung dịch A, pha loãng thành 25 ml bằng dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT), đo độ hấp thu ở bước sóng 361 ± 1 nm. Tính hàm lượng hesperidin (C28H35O15.H2O), lấy 160 là giá trị độ hấp thu của hesperidin (1%, 1 cm).
Hàm lượng hesperidin trong vỏ quả không được thấp hơn 4,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Độ ẩm: Không quá 12%.
Tạp chất: Không quá 1%.
Tro toàn phần: Không quá 7%.
5. Chế biến
Thu hoạch vào tháng 7 - 8, lúc trời khô ráo, hái các quả xanh, bổ ngang làm đôi, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40 – 50 oC cho tới khô.
6. Bào chế
Chỉ xác phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hột, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình dải hay hình cung không đều, dài 5 cm rộng đến 1,3 cm. Quan sát lát ngang bề ngoài màu nâu đến nâu thẫm, giữa có màu nâu hơi vàng hoặc trắng, có 1 - 2 lớp túi tinh dầu ở phía ngoài vỏ, đôi khi thấy tép màu nâu hay tía đỏ, sợi cứng, mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
Chỉ xác sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội. Dùng 1 kg cám cho 10 kg Chỉ xác. Các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ.
7. Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, tân, lương. Vào các kinh tỳ, vị
8. Công năng, chủ trị
Phá khí hoá đờm tiêu tích (Hoà hoãn hơn Chỉ thực). Chủ trị: Ngực sườn trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc. Phối hợp trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn khôg có tích trệ, phụ nữ có thai không nên dùng.
Chỉ xác là một trong những dược liệu mang đến nhiều công dụng hữu ích. Tuy nhiên trước khi áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về liều dùng và những lưu ý để hạn chế xuất hiện những tác dụng không mong muốn.