Chỉ định xét nghiệm đông máu cầm máu trong lâm sàng
Xét nghiệm đông cầm máu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá tình trạng hệ thống đông cầm máu bình thường hay bất thường, nếu bất thường thì thuộc loại nào, mức độ bất thường thì thuộc loại nào, mức độ bất thường. Mời các bạn cùng tham khảo
Mục lục nội dung
Các rối loạn đông cầm máu có thể gặp trên thực tế lâm sàng của nhiều chuyên khoa và trong nhiều trường hợp, các rối loạn này là nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân.
1. Các rối loạn đông cầm máu bao gồm các nhóm chính
- Nhóm các rối loạn gây nên tình trạng giảm đông với biểu hiện chính là chảy máu. Đây cũng là loại rối loạn chính cần lưu ý về chẩn đoán và xử trí ở bệnh viện tuyến tỉnh,bệnh viện khu vực.
- Nhóm các rối loạn tăng đông gây huyết khối, tắc mạch.
- Nhóm các rối loạn tăng đông nhưng có biểu hiện lâm sàng là chảy máu.
- Nhóm các rối loạn giảm đông nhưng biểu hiện lâm sàng lại là huyết khối, tắc mạch.
Bên cạnh khai thác tiền sử, thăm khám phát hiện triệu chứng lâm sàng (xuất huyết, huyết khối), việc tiến hành các xét nghiệm đông cầm máu một cách hợp lý đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, chẩn đoán và xử trí các rối loạn đông cầm máu.
Xét nghiệm đông cầm máu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá tình trạng hệ thống đông cầm máu bình thường hay bất thường, nếu bất thường thì thuộc loại nào, mức độ bất thường…Vì vậy, các xét nghiệm đông cầm máu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
2. Chỉ định xét nghiệm nhằm mục đích sàng lọc, phát hiện nguy cơ chảy máu
Để đánh giá tổng quát hệ thống đông cầm máu, tiến hành các xét nghiệm:
- Số lượng tiểu cầu: đánh giá giai đoạn cầm máu ban đầu.
- PT: đánh giá con đường đông máu ngoại sinh.
- APTT: đánh giá con đường đông máu nội sinh.
- TT hoặc định lượng fibrinogen (phương pháp Clauss): đánh giá con đường đông máu chung.
Các xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm vòng đầu (first –line tests), đông máu cơ bản, xét nghiệm tiền phẫu và thường được chỉ định trong các trường hợp: khảo sát tình trạng đông cầm máu cho bệnh nhân nghi ngờ có bất thường đông cầm máu, trước can thiệp, phẫu thuật.
Dựa trên kết quả của các xét nghiệm này sẽ định hướng chỉ định các xét nghiệm tiếp theo để đi đến chẩn đoán xác định loại rối loạn và mức độ rối loạn đông máu, từ đó đề ra được phác đồ xử trí đúng đắn.
3. Chỉ định xét nghiệm khi bệnh nhân có triệu chứng trên lâm sàng hoặc tiền sử gợi ý có rối loạn đông cầm máu
Trong trường hợp này, chỉ định xét nghiệm gì thường phụ thuộc vào đặc điểm của triệu chứng lâm sàng (loại xuất huyết, thời gian xuất hiện…), đặc điểm tiền sử bất thường (xuất huyết sau va chạm, sau mổ, sau đẻ, …) của bản thân, gia đình bệnh nhân và đặc biệt phụ thuộc kết quả của các xét nghiệm vòng đầu.
4. Chỉ định khi bệnh nhân điều trị thuốc chống đông
Nhằm mục đích đánh giá hiệu quả điều trị, điều chỉnh liều của thuốc đạt hiệu quả chống đông máu nhưng không gây chảy máu. Tùy thuộc loại thuốc chống đông điều trị cho bệnh nhân mà chỉ định xét nghiệm. Cụ thể:
- Điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu cần xét nghiệm thời gian máu chảy, đo độ ngưng tập tiểu cầu, PFA…
- Điều trị thuốc kháng vitamin K cần làm xét nghiệm PT và điều chỉnh liều thuốc dựa vào chỉ số INR của xét nghiệm này
- Điều trị heparin tiêu chuẩn cần xét nghiệm APTT.
- Điều trị Heparin trọng lượng phân tử thấp: định lượng anti Xa, xét nghiệm ACT (activated clotting time: thời gian đông máu hoạt hóa).
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn có được những kiến thức cần thiết và bổ ích