Chè vằng - Chữa trị kinh nguyệt không đều, hạch bạch huyết, viêm tử cung

Cây chè vằng là một trong số những thảo dược thiên nhiên có nhiều tác dụng trong điều trị các bệnh như: cao huyết áp, mất ngủ, khó tiêu, kinh nguyệt không đều, đau gan… Nhưng việc sử dụng cần phải đúng cách để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây chè vằng, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Chè vằng - Chữa trị kinh nguyệt không đều,  hạch bạch huyết, viêm tử cung

Lá đã phơi hay sấy khô của cây Vằng ( Jasminum subtriplinerve Blume) , họ Nhài (Oleaceae).

1. Mô tả

Lá hình bầu dục - mũi mác, đầu nhọn, phía cuống tù hay hơi tròn, dài 4 - 7,5 cm, rộng 2 - 4,5 cm, mép nguyên, trên có 3 gân rõ rệt. Cuống lá nhẵn, dài 0,3 - 1,2 cm.

2. Vi phẫu

Phần gân lá: Mặt trên tương đối phẳng, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì là một hàng tế bào nhỏ xếp tương đối đều đặn, thành ngoài hoá cutin. Mô dày gồm vài lớp tế bào thành dày nằm sát lớp biểu bì trên và dưới. Libe-gỗ gân chính gồm cung libe ở ngoài bao lấy cung gỗ ở trong.

Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới giống như phần gân lá. Dưới biểu bì trên là mô giậu gồm 2 - 3 lớp tế bào xếp dọc. Phía dưới mô giậu là mô mêm khuyết.

3. Bột

Màu lục, vị đắng hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: Những mảnh phiến lá có thể thấy các lớp tế bào mô giậu. Mảnh biểu bì tế bào đa giác tương đối đều, có thể mang lỗ khí.

4. Định tính

A. Lấy 5 g bột thô dược liệu, thêm 50 ml ethanol 90% (TT). Lắc đều rồi để yên qua đêm. Lọc rồi cô cách thuỷ còn khoảng 20ml, lấy 3 ml dịch lọc đã cô, thêm 3 giọt acid hydrocloric (TT), thêm một ít bột  kẽm (TT), dung dịch sủi bọt và có màu đỏ.

B. Lấy 2 - 3 g bột thô dược liệu, thêm 20 ml nước, đun sôi, lọc. Lấy  1 - 2 ml dịch lọc đã để nguội, thêm 1 - 2 giọt gelatin 2% (TT), xuất hiện vẩn trắng đục. Tiếp tục lấy 1 - 2 ml dịch lọc trên, thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 9%  (TT), xuất hiện màu xanh tím.

Độ ẩm: Không quá 11 %.

Tạp chất: Không quá 1%.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 15%.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hái quanh năm, hái lá tươi về rửa sạch, phơi hay sấy khô.

6. Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong bao bì kín.

7. Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết điều kinh, tiêu  viêm. Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, kinh bế, phụ nữ sau sinh sốt cao, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, nhũ ung, phong thấp gây đau nhức xương, ghẻ lở, chốc đầu, hoàng đản.

8. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 20 - 30 g dược liệu khô, dùng tươi giã nát đắp tại chỗ hoặc sắc làm nước tắm lượng thích hợp.

Hy vọng rằng những thông tin về cây chè vằng đã giúp bạn hiểu hơn về loại cây này. Vẫn có nhiều trường hợp người bệnh gặp phải những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi dùng chè vằng. Vậy nên trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn. 

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM