Cau - Chữa trị thấp trở, khí trệ, thượng vị trướng tức, đại tiện không thông, thuỷ thũng

Cau chủ trị thấp trở, khí trệ, thượng vị trướng tức, đại tiện không thông, thuỷ thũng, cước khí phù thũng. Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

 

Cau - Chữa trị thấp trở, khí trệ, thượng vị trướng tức, đại tiện không thông, thuỷ thũng

Vỏ quả đã bỏ vỏ xanh phơi hay sấy khô của cây Cau (Areca catechu L.), họ Cau (Arecaceae).

1. Mô tả

Đại phúc bì: Là vỏ quả cau chưa chín, bỏ vỏ ngoài. Vỏ quả cứng hình bầu dục hay hình trứng dài, lõm cong, dài 4 - 7 cm, rộng 2 - 3,5 cm, vỏ dày 0,2 - 0,5 cm. Phần ngoài màu nâu thẫm đến màu gần đen, có vân nhăn dọc và vân ngang nhô lên. Đỉnh có vết sẹo của vòi nhụy, gốc có vết cuống quả và đài hoa. Vỏ qủa trong  hình vỏ sò, màu nâu tới nâu sẫm, bóng mịn và cứng, chắc. Thể nhẹ, chất rắn, có thể xé theo chiều dọc. Khi xé dọc có thể thấy sợi vỏ quả giữa. Mùi nhẹ, vị hơi se.

Đại phúc mao: Là vỏ qủa cau chín, bóc vỏ quả ngoài rồi làm cho tơi ra. Đôi khi có hình bầu dục hoặc hình lõm cong. Vỏ qủa ngoài có thể mất hoặc còn sót lại. Khối sợi vỏ quả giữa, dài 4 - 7 cm, màu trắng ngà hay màu nâu nhạt. Thể nhẹ và xốp, chất mềm dai. Vỏ quả trong hình vỏ sò, màu nâu vàng hoặc màu nâu, mặt trong nhẵn mịn, đôi khi bị gãy dọc. Hơi có mùi, vị nhạt.

2. Bột

Màu trắng ngà. Sợi vỏ quả giữa tụ thành bó, nhỏ, dài, đường kính 8 - 15 mm, hơi hoá gỗ, các lỗ trao đổi rõ; các tế bào bao quanh bó sợi này chứa bó tinh thể silic, đường kính khoảng 8 mm. Tế bào vỏ trong không đều, hình đa giác, hơi tròn hoặc bầu dục, đường kính 48 - 88 mm, các lỗ trao đổi  rõ.

Độ ẩm: Không quá 12,0 %.

Tạp chất: Không quá 1 %.

3. Chế biến

Vào mùa đông đến mùa xuân năm sau, hái quả chưa chín, phơi khô sau khi luộc, bổ đôi, bỏ vỏ xanh, lấy cùi thường gọi là đại phúc bì.

Vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu, hái quả chín, phơi hoặc sấy khô sau khi luộc, bóc lấy cùi, đập cho xơ, phơi khô, thường gọi là đại phúc mao.

4. Bào chế

Đại phúc bì loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, làm khô.

Đại phúc mao loại bỏ tạp chất, rửa sạch, làm khô.

5. Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Tân, vi ôn. Vào các kinh tỳ vị, đại trường, tiểu trường.

6. Công năng, chủ trị

Hạ khí, khoan trung, hành thuỷ, tiêu thũng. Chủ trị: Thấp trở, khí trệ, thượng vị trướng tức, đại tiện không thông, thuỷ thũng, cước khí phù thũng.

7. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4,5 - 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Bệnh hư không có thấp nhiệt không nên dùng.

Những thông tin mà bài viết tổng hợp được từ dược liệu cau chỉ có giá trị tham khảo. Bạn đừng nên tự ý áp dụng bài thuốc nào từ dược liệu này khi chưa tham vấn thầy thuốc hay những người có chuyên môn

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM