Cải soong - Trị chứng ăn mất ngon, thiếu máu
Cải soong hay Cải xoong nguồn gốc ở châu Âu được nhập vào trồng ở nước ta từ cuối thế kỷ 19, có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, được dùng làm thuốc trị chứng ăn mất ngon, cơ thể suy nhược, chứng thiếu máu, bệnh lao,... Để biết thêm chi tiết công dụng trong y học của cây Cải soong mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Cải soong hay Cải xoong, Xà lách xoong - Rorippa nasturtium - aquaticum (L.) Hayek ex Mansf. (Nasturtium officinale R. Br.), thuộc họ Cải - Brassicaceae.
1. Mô tả
Cây thảo sống nhiều năm, có thân bò dài tới 40cm, phân nhánh nhiều, đâm rễ ở các đốt, cả trong đất lẫn trong nước. Lá mọc so le, kép lông chim, có 3 - 9 lá kép hình trứng không đều, thuỳ tận cùng thường lớn hơn, mép nguyên hay khía tai bèo, màu lục sẫm. Hoa nhỏ, màu trắng, họp thành chùm ở đầu cành. Quả cải hình trụ, chứa nhiều hạt đỏ.
Ra hoa tháng 4 - 5.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Rorippae Nasturtii.
3. Nơi sống và thu hái
Cây có nguồn gốc ở châu Âu được nhập vào trồng ở nước ta từ cuối thế kỷ 19. Cây ưa đất mát và có nhiều nước chảy nhẹ. Ta trồng nhiều làm rau ăn vụ đông xuân; cũng gặp phát tán hoang dại ở lòng suối nước chảy, nước nhiều oxygen. Có thể thu hái toàn cây quanh năm.
4. Thành phần hóa học
Người ta đã biết trong Cải soong có 93,7% nước, 2,8% protid, 1,4% glucid, 2% cellulose, 0,8% tro, 89mg% calcium, 28mg% phosphor, 1,6mg% sắt, 15 - 45mg% iod, 25mg% vitamin C. Còn có một số chất khác như một heterosid có sulfur là gluconasturtiosid hay gluconasturtin thường ở dưới dạng muối K; chất này bị thuỷ phân dưới tác dụng của men myrosin để tạo ra một phân tử glucose, một phân tử sulfat acid K và một phân tử isothio - cyanat phenylethyl; chất sau này là một tinh dầu, dưới dạng một chất lỏng không màu, rất ít tan trong nước, tan trong cồn ether, chloroform, nó cho mùi của Cải soong.
5. Tính vị tác dụng
Cải soong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế tư dưỡng. Từ thời Thượng cổ, Hippocrat cho là nó có tính long đờm. Dioscoride cho biết nó có tính lợi tiểu. Từ thời Trung cổ, người ta dùng nó làm thuốc lọc máu và trị bệnh đường hô hấp. Từ thế kỷ 16, các tính chất như lợi tiểu, làm ngon miệng, chống hoại huyết đã được nói đến. Ngày nay ta biết Cải soong là một loại rau tốt cho cơ thể. Trước hết, nó có tác dụng khai vị, bổ, kích thích tiêu hoá, cung cấp chất khoáng cho cơ thể, chống thiếu máu, chống bệnh hoại huyết, lọc máu, lợi tiểu, giảm đường huyết, trị ho. Nó còn làm ra mồ hôi, trị giun và giải độc nicotin.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Cải soong được dùng làm thuốc uống trong trị chứng ăn mất ngon, cơ thể suy nhược, tạng bạch huyết, bệnh scorbut, chứng thiếu máu, bệnh lao, ho và các bệnh đường hô hấp, cảm cúm, sỏi mật, các bệnh về gan mật, sỏi thận và các bệnh đường tiết niệu; ký sinh trùng đường ruột; thấp khớp, thuỷ thũng, đái đường và ung thư.
Dùng ngoài chữa bệnh ngoài da: eczema, ghẻ, hắc lào, rụng tóc, bệnh về da đầu, vết thương, ung nhọt, mụn tràng nhạc, lở loét, đau răng, viêm lợi răng.
Có thể dùng tươi ăn sống như xà lách, hoặc giã ra lấy nước cốt uống, lấy dịch xoa, làm thuốc xức. Cũng có thể hãm uống. Liều dùng 50 - 100g.
7. Đơn thuốc
Nóng bức mùa hè, người mệt, hắt hơi, dùng Cải soong, một nắm (60g), rửa sạch, vò hay giã nát, thêm nước, lọc và pha đường uống.
Trị giun, giải độc, lợi tiểu, dùng Cải soong tươi giã nát lấy nước cốt uống, hoặc dùng một nắm Cải soong, 3 củ Hành tây, 2 củ cải cho vào 1 lít nước, sắc lấy nước uống ngày 2 ly giữa các bữa ăn.
Tàn nhang, dùng 3 phần dịch Cải soong, 1 phần mật ong quậy đều, dùng vải mềm tẩm thuốc xoa sáng và chiều, để khô rồi rửa sạch.
8. Ghi chú
Người nghiện thuốc lá nên ăn nhiều Cải soong. Nước dịch của Cải soong dùng súc miệng làm chắc chân răng và làm đỡ hôi miệng.
Trên đây là một số thông tin về cây Cải soong mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.